Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Tết ở xứ “Cánh đồng chó ngáp”

Tết ở xứ “Cánh đồng chó ngáp”
Hằng năm đến độ Tết về, trong lòng người dân ở xứ “Cánh đồng chó ngáp” Đồng Tháp Mười luôn rộn ràng, háo hức chờ đợi đón mùa xuân vui tươi hạnh phúc.

Gia đình chụp ảnh Tết ở làng hoa Sa Đéc. Ảnh: Hòa Hội

Những đứa trẻ mong mặc bộ đồ mới để khoe khắp đầu trên xóm dưới, còn người lớn có dịp đi chúc tụng nhau, gặp gỡ nâng ly rượu vui vẻ sau một năm lao động mệt nhọc. Dẫu giờ Tết không còn như xưa nhưng trong thẳm sâu vẫn chứa đựng bao kỷ niệm khó quên trong ký ức của mỗi người dân xứ này. 

Tát đìa ăn tết

 Cuối năm, thời tiết se lạnh báo hiệu mùa xuân sắp đến. Ông Trần Nam Á ở ấp K10, xã Phú Hiệp (Tam Nông, Đồng Tháp) đang tất bật chăm sóc chậu hoa kiểng trước nhà để đón tết. Ông Á năm nay ngót 70 tuổi, người gầy nhom, nước da ngăm đen, tóc dần chuyển màu. Ông kể, những năm trước và sau giải phóng, ở xứ Đồng Tháp Mười, đặc biệt là vùng đất Tràm Chim nơi ông sống, hoang hóa, toàn rừng sậy, cá tôm nhiều vô số. Đến tháng chạp, sau khi thu hoạch lúa mùa là các gia đình trong xóm lại rủ nhau tát đìa.

“Thời đó, vùng này cá nhiều vô số kể, gặt lúa mùa xong là nhà nhà vần công nhau tát đìa. Dụng cụ tát bằng gàu dây. Đìa nhỏ thì một hai ngày còn đìa lớn mất cả tuần mới cạn. Mỗi lần tát, cá đồng đựng mấy khạp để dành ăn đến qua Tết chưa hết”, ông  nhớ lại.

Gia đình ông Á có 5 người con, hiện tại có gia đình riêng và đi làm ăn xa. Người ở TPHCM người ở tỉnh khác, cuộc sống đủ đắp đổi qua ngày. Ở nhà chỉ còn vợ chồng ông. Ông cho biết, bây giờ cuộc sống khó khăn chứ ngày xưa nghèo nhưng đầm ấm, cả gia đình có chục công ruộng súm sít nhau vẫn sống được. Ngày tết cá ăn không hết, còn bánh mứt hay những thứ khác thì có sẵn nên không phải tốn kém nhiều.

Ông kể, mùa tát đìa cả xóm đông vui như hội từ già trẻ bé lớn đều tham gia, có khi bắt đến cả đêm mới xong. Khi đìa cạn, chủ nhà bắt trước, tiếp đến mới tới hàng xóm bắt hôi sau. Những đứa trẻ mặt mày dính đầy bùn đất, lội lún muốn ngập đầu nhưng khi bắt được con cá lóc to là mừng lắm, reo hò um sùm.

Còn ông Nguyễn Văn Chiến (Ba Chiến) cũng là dân cố cự ở vùng Đồng Tháp Mười,  ở cùng xã Phú Hiệp (Tam Nông, Đồng Tháp). Ông kể, một trong những nét văn hóa đặc trưng ở vùng “khỉ ho cò gáy” này là tình làng nghĩa xóm rất cao. Không chỉ có việc làm đồng vần công mà còn giúp đỡ lẫn nhau qua việc tát đìa bắt cá hay cất nhà... Vào những ngày cận Tết cổ truyền dân tộc, nhà nào có tát đìa thì cả xóm đến cùng nhau bắt phụ. Mỗi người một việc, tự phân chia nhau, nào là người tát đìa, kẻ quăng nhánh chà ra khỏi đìa, dọn cỏ… Đến khi nước gần cạn, những con cá chài, mè vinh, lòng tong bay lên mặt nước vèo vèo thấy phát ham. Tát nước ra xong, đìa cạn cá lóc, trê, rô… chúi sâu dưới sình, lúc ngộp mới ngoi lên mặt đìa, người bắt cứ việc túm đầu cá bỏ vào giỏ... Ông Ba Chiến cho biết thêm, cá bắt được sau khi tát đìa, ông cũng biếu cho bà con dòng họ, anh em chòm xóm cùng ăn. Dư dả gia đình rồi phơi khô, làm mắm ăn dần trong những ngày Tết không đi đồng hay lúc thắt ngặt. Còn những con cá nhỏ như tong tong, sặc, rô thì ông đem ủ kỹ với muối hột trong lu, khạp da bò để sau vài tháng nấu lấy nước mắm. “Đây là loại nước mắm “cây nhà lá vườn” rất thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng không thua gì với nước mắm cá nổi tiếng”, ông Ba Chiến khoe.

Tết nhậu… trong mùng

Hiện nay, điện, đường, trường, trạm, phục vụ nhu cầu người dân đầy đủ từ tỉnh đến nông thôn nhưng nhớ về những ngày đón Tết thuở “cơ hàn” vẫn chứa nhiều ký ức đẹp. Ông Huỳnh Văn Tẻng ở ấp Hiệp Bình, xã Phú Hiệp kể, ngày xưa vùng này hoang vắng, đất ẩm thấp, xung quanh đồng ruộng nên muỗi dày như trấu. Ban ngày anh em đi chúc tụng nhau hết nhà này sang nhà khác nhưng do đường sá khó đi, chủ yếu là lối mòn, khi đến nhà bạn đã tối om mới gầy tiệc nhậu. “Ban đêm nhà ngoài đồng, dưới ánh đèn dầu leo lét, muỗi dày đặc bay khắp người nên phải giăng mùng nhậu. Lúc đó, mồi toàn cá đồng đem nướng chui nhậu không hết, vừa nhâm nhi vừa tâm sự đến sáng không hay”, ông Tẻng nhớ lại.

Trẻ em bắt cá ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: Trọng Trung

Không những thế, ông kể thêm, trước tết vài ba tháng, nhà nào khá giả thì nuôi heo, còn nhà nghèo nuôi gà, vịt để dành đãi khách trong mấy ngày tết. Còn đến 29 – 30 Tết, nhà nào có điều kiện thì làm heo chia thịt, ai có tiền thì trả tiền mặt còn không thì quy đổi ra lúa đến mùa trả cũng được.

Chật vật đón Tết

Năm nay, do phải vật lộn với cuộc sống với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, lũ không về… còn giới công chức thì “bù đầu” với công việc cuối năm nên không có nhiều thời gian để đón cái tết sung túc như xưa. Ông Võ Công Minh ở xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đang công tác ở tỉnh với chức vụ là Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp . Ông Minh cho biết, gần tết không chỉ “bù đầu” cho cuối năm tổng kết, hội họp… và tiếp khách nên gần như không có thời gian về quê sửa soạn nhà cửa, chuẩn bị cá mắm như trước nữa.

Ông kể, mấy năm gần đây cứ đến chiều 29 hay 30 Tết, cầm máy alô hỏi mua vài ba câu là có người chở đầy đủ hàng Tết đến nhà. Hơn nữa, còn rất ít gia đình gói bánh tét, người ta mua vài ba đòn là xong nên để có những đêm cả nhà quây quần bên nhau gói bánh tràn đầy không khí Tết đã dần mai một. Còn mấy ngày Tết, các thành viên trong gia đình đã thờ ơ đi việc sum họp, từ mâm cỗ tất niên đến mâm cỗ cúng sáng mùng Một. Nhiều người rủ nhau đi thắp nhang chiếu lệ cho phải lễ nghi vài ba nhà trong dòng họ là xong.

Vùng Đồng Tháp Mười được xem là túi nước dự trữ cho ĐBSCL vào mùa lũ. Tuy nhiên năm nay lũ về muộn và ít hơn nhiều so những năm trước. Người dân ở phía trong đê bao thì bị chuột phá hoại mùa màng dẫn đến kém năng suất nên việc đón Tết cũng chật vật hơn. 

Ông Huỳnh Văn Bé ở xã Phú Hiệp nói: “Chưa năm nào chuột phá như năm nay. Từ lúc sạ đến thu hoạch ông rất vất vả để bắt chuột bằng bẫy điện, thủ công nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào. Hai tháng đầu hầu như đêm nào cũng phải thức trắng để diệt chuột. Nếu không, chỉ cần một đêm là không còn gì để ăn”, ông Bé nói. Ông cho biết, trừ chi phí phân thuốc, giống và thuê đất đến thu hoạch may mắn huề vốn chứ không lỗ. “Ở đây, bây giờ ngày Tết cũng như ngày thường, ba bữa Tết nấu mâm cơm cúng ông bà, sang mùng 2 là bắt đầu đi ruộng rồi chứ không như trước ăn hết mùng mới thôi”, ông Bé nói.

Ông Trần Nam Á đang chăm sóc hoa kiểng đón Tết.

Cách nhà ông Bé một đoạn vài trăm mét, ông Trương Văn Được ở xứ Đồng Tháp Mười gần 40 năm, có 5 người con, sống bằng nghề làm thuê, không ruộng đất. Ông cho biết, trước đây vùng này cá tôm nhiều nên đến mùa lũ giăng câu lưới, còn sang những tháng khô đi làm thuê dễ sống. Vài năm nay, cá ít, lũ không về, người dân làm ruộng còn “èo uột” nên gia đình ông phải đi tứ tán ra Bình Thuận, TPHCM làm thuê. Sau thời gian cả gia đình đi làm thuê tích góp ít tiền về thuê đất nuôi cá lóc giống kiếm chút đỉnh tiền sửa sang nhà cửa và tiêu xài trong mấy ngày Tết.

Anh Trần Minh Tân, Phó bí thư xã Đoàn Phú Hiệp, người vừa được Trung ương Đoàn trao tặng danh hiệu Lương Định Của vào tháng 11 vừa qua, cho biết, người dân xứ này chủ yếu sống nhờ nghề nông, trong đó trồng kiệu chiếm gần 50%. Tuy nhiên, đời sống vẫn khó khăn do biến đổi khí hậu, được mùa mất giá. Anh kể, trước đây, mỗi năm, gần tết người dân kéo nhau đi thu hoạch kiệu. Ngoài ruộng kiệu có khi lên đến cả trăm người với tiếng nói cười vui vẻ và nhộn nhịp. Người dân có công ăn việc làm nên Tết đến cũng sung túc hơn. Giờ vẫn cách canh tác đó khó thể thay đổi cuộc sống nên chật vật lo mưu sinh từng bữa. Người có ruộng đã lo, người không ruộng đi làm thuê lo bội phần...  

Trước tết vài ba tháng, nhà nào khá giả thì nuôi heo, còn nhà nghèo nuôi gà, vịt để dành đãi khách trong mấy ngày tết. Còn đến 29 – 30 Tết, nhà nào có điều kiện thì làm heo chia thịt, ai có tiền thì trả tiền mặt còn không thì quy đổi ra lúa đến mùa trả cũng được.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây