Phú Yên nhận thiếu sót vụ phá rừng làm sân golf
- Thứ ba - 25/04/2017 08:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cuối giờ chiều 24-4, UBND tỉnh Phú Yên có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan báo chí liên quan đến việc triển khai dự án khu du lịch cao cấp New City Việt Nam của Công ty TNHH New City Việt Nam tại xã An Phú, TP Tuy Hòa.
Chỉ đạo khắc phục thiếu sót
Công văn này do ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên , ký nêu rõ: “Trước hết UBND tỉnh Phú Yên cám ơn các báo đã thông tin kịp thời những nội dung liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án khu du lịch cao cấp New City Việt Nam, trong đó có nêu những việc còn thiếu sót. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các bước theo đúng quy định… UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo khắc phục những thiếu sót để dự án được thực hiện theo quy định”.
Cùng ngày, trao đổi với PV, ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng - công nghiệp tỉnh Phú Yên (chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng cho dự án), cho biết thêm tại cuộc họp mới đây do UBND tỉnh tổ chức, các ngành, cơ quan chức năng liên quan đã nhận thiếu sót trong thực hiện dự án này. Đó là Thủ tướng chưa cho chuyển mục đích sử dụng đất, Bộ TN&MT chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, tỉnh chưa xác định giá đất, chưa làm thủ tục giao đất, chủ đầu tư cũng chưa làm thủ tục xin thuê đất… nhưng đã cho phát dọn rừng, thi công dự án.
Trả lời câu hỏi “Vì sao tỉnh vội vã cho phá rừng, thi công khi chưa làm thủ tục?”, ông Hạnh nói: “Tỉnh cấp đất cho rất nhiều nhà đầu tư nhưng họ không chịu triển khai. Gần đây, tỉnh quyết tâm thực hiện chủ trương một là thu hồi, hai là yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện. Khi Công ty New City cam kết thực hiện, họ nói tôi nộp phí tái tạo rừng rồi nên yêu cầu tỉnh phải khẩn trương giải phóng mặt bằng để họ triển khai dự án. Do đó, tỉnh mới chỉ đạo các ngành làm gấp như vậy”.
Theo ông Hạnh, từ tháng 10-2016, UBND tỉnh đã yêu cầu khẩn trương khai thác, di dời cây dương trên diện tích rừng phòng hộ ven biển để giải phóng mặt bằng. Việc khai thác được tiến hành cùng lúc với lập thủ tục.
Cả trăm hecta rừng phòng hộ ven biển đã bị đốn hạ nhường chỗ cho sân golf. Ảnh: TẤN LỘC. Công văn hỏa tốc của UBND tỉnh Phú Yên gửi báo chí thừa nhận những thiếu sót trong việc triển khai dự án.
Cụ thể, trong công văn ban hành ngày 13-10-2016, ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo: Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thi công các tuyến đường chính, công trình thuộc dự án, cho phép Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng - công nghiệp tỉnh Phú Yên tổ chức việc thực hiện trước di dời. Khai thác cây dương song song với việc lập các thủ tục về hồ sơ thiết kế, dự toán chi tiết di dời theo tiến độ thực hiện của nhà đầu tư và chủ trương của tỉnh. Đồng thời tiến hành hoàn tất các thủ tục khai thác cây dương để gửi Sở NN&PTNT chủ trì, tổ chức thẩm định, trình phê duyệt theo quy định.
Sao nhất thiết phải phá rừng phòng hộ làm sân golf?
Theo Quyết định số 1946 ngày 26-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Phú Yên có hai sân golf được đưa vào quy hoạch này là khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên và khu du lịch sinh thái rừng dương Thành Lầu - khu ven đầm Ô Loan.
Cũng theo quyết định này, một trong những tiêu chí tổng hợp quan trọng nhất của một sân golf là không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để xây dựng sân golf). Trao đổi với PV, ông Nguyễn Lê Vũ, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên, xác nhận tháng 9-2014, khi được UBND tỉnh cấp lại giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, dự án khu du lịch cao cấp New City vẫn có hạng mục sân golf 36 lỗ.
. Phóng viên: Khi điều chỉnh dự án, tỉnh có đối chiếu với quyết định của Thủ tướng hay không mà vẫn cho sử dụng rừng phòng hộ làm sân golf?
+ Ông Nguyễn Lê Vũ: Dự án New City được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2008, trong đó đã có sân golf. Còn quyết định của Thủ tướng ban hành năm 2009. Năm 2014, khi điều chỉnh dự án, tỉnh có đối chiếu với quyết định của Thủ tướng.
Tuy nhiên, theo Điều 11 Luật Đầu tư, với nguyên tắc bảo đảm đầu tư, nhà đầu tư không yêu cầu thì mình không được bỏ ra vì nó có trước. Đó là nguyên tắc bất hồi tố để bảo đảm đầu tư.
. Từ đó đến nay, Thủ tướng có văn bản nào đồng ý cho tỉnh sử dụng diện tích rừng phòng hộ để làm sân golf không?
+ Sân golf của dự án này có trước. Khi quyết định của Thủ tướng ban hành sau đó, họ cập nhật sân golf này vô. Khi xin làm những sân golf sau này thì phải tuân thủ đúng quy định. Theo nguyên tắc bảo đảm đầu tư của Chính phủ, chỉ khi nào nhà đầu tư yêu cầu làm khác đi hay trong trường hợp thay đổi chính sách thì mới phải cập nhật lại thôi. Họ không yêu cầu, mình đâu có làm được.
. Nhưng ngay trong quyết định đó, Thủ tướng đã cấm sử dụng rừng phòng hộ làm sân golf. Thủ tướng cho phép làm sân golf chứ không đồng nghĩa cho phép sử dụng đất rừng phòng hộ?
+ Sân golf này có trước quyết định của Thủ tướng. Kể từ năm 2009, quan điểm mới thể hiện. Theo Luật Đầu tư, cứ cái gì có trước thì Chính phủ bảo đảm chuyện đó.
. Xin cám ơn ông.
Khai thác 32 ha rừng, thu 350 triệu Trong công văn gửi các cơ quan báo chí, UBND tỉnh cho rằng trong tổng diện tích 122,5 ha của dự án có hơn 64 ha rừng, còn lại là diện tích đất trống không có cây. Diện tích rừng thực khai thác tại thực địa là 32,3 ha. Ông Võ Đình Hạnh cho biết Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm được chỉ định hợp đồng khai thác và mua luôn số gỗ tận thu trên. “Số gỗ khai thác được sau khi trừ chi phí khai thác, được định giá rồi chỉ định bán cho Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm để thu vào ngân sách. Đến nay công ty này đã khai thác xong 32 ha với khối lượng 1.700 m3 và đã nộp cho tỉnh 355 triệu đồng. Theo thiết kế thì công ty này phải nộp 600 triệu đồng nhưng chắc nộp không đủ vì họ nộp theo thực tế khai thác. Đây là tiền tận thu chứ rừng đó được bồi thường bằng đóng tiền trồng rừng thay thế rồi!” - ông Hạnh thông tin. ___________________________ 1.000 cây dương di dời, chưa biết sống chết thế nào Ông Ngô Thạch Phổ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng - công nghiệp tỉnh Phú Yên, cho biết ban này đã di dời 1.000 cây dương từ rừng phòng hộ của dự án khu du lịch New City đưa đến trồng lại dọc đoạn đường đi bộ Độc Lập. “Hiện giờ chưa biết số cây dương trồng lại sống chết ra sao. Chắc rất khó sống vì số dương này có tuổi thọ khá cao, khi di dời phải cắt rễ. Nếu sống được trên 50% là mừng rồi!” - ông Phổ nói. Một nguồn tin xác nhận mỗi cây dương được bứng, di dời, trồng lại có chi phí hơn 1,7 triệu đồng. |
Những dãy rừng phòng hộ ven biển các tỉnh miền Tây Nam Bộ là nơi dung chứa hàng ngàn mảnh đời cơ cực.