Phóng sinh như thế nào mới đúng tinh thần nhà Phật?
- Thứ sáu - 10/02/2017 13:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thượng tọa Thích Thanh Huân cho rằng, phóng sinh mà con vật không sống được trong môi trường thi không có ý nghĩa. (Ảnh minh họa).
Cốt lõi của phóng sinh là tâm từ
Trước thông tin hơn 10 tấn cá được phóng sinh trước cửa đình làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) hôm 5.2, sư thầy Thích Đàm Thu, trụ trì chùa Linh Ứng (nhà chùa tổ chức lễ phóng sinh) cho biết, lễ phóng sinh có khoảng 1.000 người tham dự nhưng không có chuyện 8 xe chở cá rồi phóng sinh. Nhà chùa không mua cá về phóng sinh, cá do người dân mang tới thả.
Trao đổi với PV về việc tổ chức các lễ phóng sinh, Thượng tọa Thích Thanh Huân bày tỏ, tinh thần phóng sinh của Phật giáo là tốt, đó là tinh thần hiếu sinh, tình thương của con người khi thấy các loại chúng sinh có sinh mạng bị bắt, có nguy cơ bị giết hại liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc, phóng thích sự tự do và mạng sống của con vật đó được đảm bảo. Tuy nhiên, việc phóng sinh phải xuất phát từ tâm.
“Cốt lõi của phóng sinh là tâm từ và là hành động rất tự nhiên, khi gặp cảnh con vật bị bắt nuôi nhốt thì tìm cách cứu cho nó được tự do, sinh mạng của nó không bị nguy hại, giải cứu sự khổ đau càng sớm càng tốt.
Do vậy, bất cứ lúc nào có khả năng, điều kiện mình có thể thực hiện. Việc làm của chúng ta không chỉ cứu loài vật đó mà còn có sức mạnh cảm hoá người bắt những con vật đó.
Tôi nhớ khi còn nhỏ, thấy cảnh người đang đánh chài lưới bắt cá, sư cụ ở quê tôi hỏi người đánh cá là một ngày đánh được bao nhiêu cá? bán được bao nhiêu tiền? Khi người đánh cá nói số tiền bán được, sư cụ liền bỏ tiền mua hết số cá rồi thả trở lại với sông nước”, Thượng tọa Thích Thanh Huân chia sẻ.
Không nên phóng sinh mang tính hình thức
Thượng tọa Thích Thanh Huân chia sẻ thêm, phóng sinh là việc làm tốt nhưng không nên phóng sinh theo phong trào và mang tính hình thức.
Thượng tọa Thích Thanh Huân - Phó văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (người đứng bên trái).
“Nhiều người có tinh thần phóng sinh nhưng lại coi việc phóng sinh như một nghi lễ mang tính hình thức mà không hiểu hết ý nghĩa của việc này.
Ví như trường hợp, nhà có đám hiếu, hay làm lễ cầu phúc, người dân mua cá, chim về bày ra để cúng. Sau đó, làm lễ hàng tiếng đồng hồ, thậm chí nửa ngày mới đem đi phóng sinh, lúc này mấy trăm con vật thì hàng chục con yếu nên đã chết.
Hơn nữa, khi mang cá ra ao hồ, hay thả chim đi, nhiều người cũng không quan tâm con vật mình phóng sinh có sống được hay không.
Phóng sinh con vật vào môi trường mà nó không sống được thì không nên, trở thành phản tác dụng, không phản ánh đúng tinh thần hiếu sinh.
Hôm trước, cũng có phật tử mang một lồng chim tới chùa làm lễ. Vừa nhìn thấy, tôi tới bảo họ thả luôn vì thấy con chim còn khỏe mạnh, thả nó khi trời còn sáng để nó còn tìm chỗ trú ngụ”, Thượng tọa Thích Thanh Huân chia sẻ.
Phó Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ thêm, ông rất buồn lòng khi chứng kiến việc phóng sinh vốn là việc tốt nhưng lại làm ảnh hưởng tới môi trường, gây tổn hại cho các loài sinh vật. Hơn nữa, chính nhu cầu phóng sinh của con người đã thúc đẩy người khác đi săn bắt các loài vật về bán kiếm lời, ví dụ như săn bắt chim.
“Có những con vật cần bảo vệ, nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên, nhưng lại bị bắt để đem bán cho người đi mua để phóng sinh khiến con vật rơi vào nguy hiểm, chưa chắc đã tồn tại được, như vậy là vẫn trong cái vòng luẩn quẩn, mất ý nghĩa phóng sinh của phật giáo.
Mấy năm trước khi nhận được thông tin, có đoàn phóng sinh lên đến hàng tấn cua, cá, thực sự chúng tôi cảm thấy không thoải mái, không khuyến khích việc phóng sinh như vậy.
Tôi từng thấy cảnh người tổ chức phóng sinh đứng trên bờ chờ đợi người khác bắt cá, bắt rùa tai đỏ trong ao nhà đem ra hồ Tây thả.
Làm như vậy có đúng với ý nghĩa phóng sinh không khi con cá đang sống tốt trong ao lại bị bắt đem đến một nơi chưa chắc đã sống nổi, những con rùa tai đỏ khi ra môi trường mới nó sẽ phát triển thêm cơ hội tổn phá môi trường sống của các loài khác.
Báo chí đã phản ánh ở phía trên thượng nguồn tổ chức phóng sinh cá và các loài thuỷ sinh thì ở dưới không xa có hàng chục người tổ chức giăng lưới bắt lại, trong số được phóng sinh đó có nhiều con vật bị chết vì môi trường sống khác lạ”, Thượng tọa Thích Thanh Huân nói.
Thượng tọa Thích Thanh Huân cho biết, khi chia sẻ với các phật tử ông vẫn nhấn mạnh, coi trọng việc thực hành tu tập tâm từ, trải rộng tình thương, bảo vệ môi trường, sự sống của muôn loài hơn là phóng sinh hình thức.
Sẽ lập danh mục những con vật có thể phóng sinh Thượng tọa Thích Thanh Huân cũng cho biết, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang phối hợp với Tổng Cục thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xem, phóng sinh các loại vật vào môi trường như thế nào để chúng có thể tái tạo sức sống, không bị chết trong môi trường tự nhiên. Từ đó cũng nghiên cứu đề xuất danh mục những loài vật có thể phóng sinh và môi trường nào thì thích hợp để phóng sinh. “Hiện chúng tôi vẫn đang phối hợp, trong thời gian tới khi có kết quả, chúng tôi sẽ tuyên truyền trong cả nước để người dân biết”, Thượng tọa Thích Thanh Huân cho biết. |