Những ngôi chùa linh thiêng ở miền Bắc đông nghịt du khách đầu năm
- Chủ nhật - 18/02/2018 12:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phủ Tây Hồ (Hà Nội) - cầu tài lộc
Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất trong hệ thống đình chùa của Hà Nội. Không chỉ những người dân Hà Nội, mà đa số du khách khắp nơi khi đến thăm Hà Nội thì đều đến thắp hương cầu phúc ở Phủ Tây Hồ.
Vào mỗi dịp đầu năm có tới hàng chục ngàn người dân Thủ đô đổ về Phủ Tây Hồ để cầu may, nhiều người không thể chen chân vào gian điện chính nên phải đội lễ bái vọng từ xa. Ảnh: Việt Linh
Phủ Tây Hồ thờ bà chúa Liễu Hạnh, một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được dân gian thần thánh hóa tôn làm Thánh Mẫu (Thánh Mẹ). Hàng năm cứ sau thời khắc giao thừa, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây.
Dọc đường vào phủ bày bán rất nhiều các loại hoa trái, tiền vàng, hương, oản, bánh kẹo, những cành vàng lá ngọc lấp lánh. Việc chen chân vào để đặt được lễ trong phủ thật khó và không ít người phải đặt lễ lên đầu, hoặc phải bái vọng từ ngoài vào...
Nếu gia đình bạn đang muốn tìm một địa điểm vừa có thể du lịch, vừa có thể cầu lộc, cầu tài thì không nên bỏ qua chốn linh thiêng bậc nhất Hà Thành này.
Chùa Hà (Hà Nội) - Cầu duyên
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, trước tọa lạc ở thôn Bối Hà, xã Dịch Vọng, Huyện Từ Liêm, nay làng lên phố nên chùa thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Qua thời gian, ngôi chùa đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, sửa chữa và tôn tạo với tầm vóc ngày càng to đẹp, khang trang hơn. Chùa là điểm đến vàng ngày Lễ, Tết, ngày Rằm hay mồng 1 của khách hành hương. Tuy vậy, nhắc tới chùa Hà, nhiều người mách ngay đây chính là ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng nhất đất Thăng Long.
Không biết nguyên cớ từ đâu và từ khi nào, nhưng với nhiều nam thanh, nữ tú, muốn cầu duyên cho bản thân thì chùa Hà là điểm đến đầu tiên, khách hành hương Phật giáo tin sự linh nghiệm tại đây.
Cũng không cứ ngày Tết, mà bất kể khi nào, nhất là vào ngày Rằm, ngày mồng 1, nếu có dịp ghé thăm chùa Hà, bạn không khỏi ngạc nhiên vì có rất nhiều bạn trẻ (đa số trong đó là các bạn nữ) tới để dâng hương, xin sớ, xem quẻ cầu duyên. Đến đây không chỉ có những người đang cô đơn, lẻ bóng, những người không may trong chuyện gia đình, mà còn cả những đôi bạn trẻ đến cầu mong cho chuyện tình cảm tốt đẹp hơn.
Chùa Hương (Hà Nội) – Cầu bình an
Hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu Phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng nghìn thuyền.
Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Ngày mồng sáu tháng Giêng là ngày khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 Âm lịch.
Đường vào chùa Hương khung cảnh vô cùng đẹp. Ảnh: I.T
Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn.
Đền Trần (Nam Định) – xin ấn
Là nơi thờ các vua nhà Trần cùng quan lại có công phù tá, khu di tích đền Trần ở phường Lộc Vương, TP.Nam Định bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều người đổ về khu di tích Đền Trần, Nam Định xin ấn để cầu tài, cầu lộc, vạn sự như ý.
Lễ khai ấn đền Trần diễn ra đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng Âm lịch tại đền Thiên Trường và Cố Trạch. Ảnh: VNE
Dù Đền Trần có hơn hai chục ngày lễ nhưng Lễ khai ấn là đại lễ được mong đợi nhất trong năm. Theo tương truyền, ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 - 24h của ngày 14 tháng Giêng. Dù chỉ đêm 14 tháng Giêng mới khai ấn đền Trần nhưng thường mùng 7, mùng 8 Tết, phủ Thiên Trường Nam Định đã tấp nập du khách thắp hương, vãn cảnh đầu xuân.
Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) – Xin lộc rơi lộc vãi
Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, xã Vũ Ninh, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 25km.
Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo léo trong việc tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cô Mễ (gồm: Đình - Chùa - Đền) mà còn là nơi hàng năm du khách thập phương khắp cả nước đổ về đây để hành hương.
Ngôi đền đông đúc vào hai dịp là đầu năm và cuối năm theo quan niệm “Đầu năm đi vay - cuối năm đi trả”. Hàng năm có tới hàng ngàn lượt khách từ khắp nơi đổ về đây cầu xin phúc lộc tại Đền Bà Chúa.
Đền Bắc Lệ (Lạng Sơn) – Cầu may mắn và bình an
Đền Bắc Lệ Lạng Sơn thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, nằm trên một quả đồi cao, xung quanh rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Nếu còn độc thân hay muốn cầu hạnh phúc gia đình, bạn hãy tìm đến đền Bắc Lệ. Dân gian vùng quê nơi đây luôn tin tưởng đây là ngôi đền cầu tình duyên thiêng nhất tại xứ Lạng cũng như trên đất nước Việt Nam.
Đền là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn – nữ thần núi. Bà là người trông coi, cung cấp và ban phát nguồn của cải núi rừng cho con người. Ngoài ra, được suy tôn trong đền còn có Chầu Bé – một nhân vật có thật người vùng Bắc Lệ, đây chính là các cô, các cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Lễ hội đền Bắc Lệ bao gồm các phần lễ chính: lễ tắm ngai, lễ chính tiệc, lễ rước… Không khí của buổi lễ hòa trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng với những điệu nhạc và những trang phục rực rỡ sắc màu của điệu múa sanh tiền, người dân ở đây tin rằng điệu múa sẽ đem lại may mắn và bình an.
Bỏ lại sự hối hả của phố thị, đặt chân đến những ngôi chùa này dịp đầu năm, bạn sẽ thấy Sài Gòn không còn tấp...