Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Những bất lợi khi sử dụng mứt Tết không đúng cách

Những bất lợi khi sử dụng mứt Tết không đúng cách
Theo chuyên gia dinh dưỡng, tốt nhất, mọi người nên giảm bớt lượng mứt sử dụng và thay thế bằng cách ăn các loại trái cây tươi trong những ngày Tết.

Mứt tết, món ăn không thể thiếu của người Việt Nam dịp Tết cổ truyền 

Mứt Tết là một món ăn cổ truyển của Việt Nam, không thể thiếu trong mỗi gia đình vào những ngày Tết. Tuy nhiên theo PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc chọn dùng mứt Tết cũng nên có nhiều điều lưu ý, bởi mứt thường quá ngọt, không thích hợp cho người tiểu đường, người có đường máu cao, béo phì, hay người muốn ăn kiêng.

Cụ thể: Một số loại mứt chứa nhiều loại beta carotene hoặc vitamin A, C như mứt cà chua, cà rốt, táo, mận, kiwi… sẽ bị phân hủy do nhiệt độ và thời gian chế biến mứt quá lâu sẽ làm mất tác dụng của các nhóm vitamin.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, do mứt có nhiều đường nên tạo ra năng lượng là chính, không cung cấp đủ thành phần dưỡng chất nhất là các vitamin, khoáng chất cho cơ thể so với lúc còn tươi.

“Mứt Tết không tốt khi dùng cho người già, trẻ em, và các phụ nữ mang thai trong suốt thai kỳ; không nên ăn nhiều hoặc thay thế cho các thực phẩm khác”, bác sĩ Lâm khuyến cáo.

Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mối nguy hại cho sức khỏe từ những sản phẩm mứt Tết không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ những cơ sở sản xuất thủ công mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu chế biến, hay tiềm ẩn dùng các loại phụ gia không được phép sử dụng trong ngâm, tẩm ướp hay tạo mầu sắc bắt mắt… đã khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.

Bà Lâm cho biết, trên thực tế “mứt ba không” (Không nhãn mác nguồn gốc, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng), vẫn len lỏi đi vào thị trường, và được bán ở khắp nơi.

Ngoài ra, vẫn còn những cơ sở chế biến mứt thủ công không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc của hàng mứt bàn lẻ trên thị trường online, hay offline. Với những cơ sở sản xuất tạm, không đủ đảm bảo an toàn thực phẩm: Nơi phơi nguyên liệu bụi bẩn, thùng xô chậu ngâm mứt cáu bẩn, rồi các loại phụ gia không được phép sử dụng như: Hóa chất tẩy trắng, phẩm mầu, đường hóa học, hàn the… đều có nguy cơ độc hại với sức khỏe.

Một số cơ sở sản xuất không hợp vệ sinh, có thể gây nhiễm khuẩn, làm phát sinh một số bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Quá trình bảo quản không đạt tiêu chuẩn dễ sinh nấm mốc làm ảnh hưởng hại nhiều cho sức khỏe hơn là có lợi.

PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, hiện nay cũng nhiều gia đình đã tự chế biến mứt cổ truyền cho ngày Tết, nếu không quá bận rộn. Điều này cần khuyến khích vì giữ được hương vị ngày Tết và chị em lại thêm được dịp nữ công gia chánh "khéo tay, hay làm".

Bên cạnh đó, nên chọn mứt của Việt Nam nhưng được chế biến bởi các công ty lớn, có thương hiệu, có nhãn mác đầy đủ, có ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Dưới khía cạnh dinh dưỡng PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo tốt nhất là nên giảm bớt lượng mứt sử dụng và thay thế bằng cách ăn các loại trái cây tươi trong những ngày tết như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu, táo… có lợi cho sức khỏe. Có thể thay thế mứt tết bằng các loại hạt ngũ cốc hoặc hạt bí, đậu phộng, hạt điều, đậu hà lan, riêng với hạt dưa thì chú ý vì nếu được nhuộm bằng phẩm màu không tốt cũng có hại cho sức khỏe.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây