Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Người dân phản ứng dữ dội trước đề xuất lấp hồ Thành Công

Người dân phản ứng dữ dội trước đề xuất lấp hồ Thành Công
Đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để lấy đất xây nhà tái định cư, đại diện chủ đầu tư cho đó là một đề xuất táo bạo nhưng người dân lại cho đó là ý tưởng điên rồ.

Hồ Thành Công có tác dụng điều hòa không khí cho khu vực và là nơi người dân đi tập thể dục hằng ngày.

Người dân ven hồ không đồng tình

Mới đây, trong Hội thảo khoa học về cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO) đề xuất UBND TP.Hà Nội cho phép lấp 1ha hồ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) để lấy đất xây nhà tái định cư cho các hộ dân đang sống tại chung cư Thành Công cũ thuộc diện cải tạo.

Bản thân vị đại diện này cũng nhận định đây là một đề xuất táo bạo, được nhiều các hộ dân chấp thuận, bởi họ không phải rời đi tạm cư nơi khác, lại tận mắt chứng kiến nhà tái định cư được xây dựng như thế nào.  

Ngày 10/4, PV đã có mặt tại khu vực hồ Thành Công để ghi nhận ý kiến của người dân về đề xuất này. Tuy nhiên, thay vì chấp thuận như đại diện chủ đầu tư nói, đa số người dân đều tỏ ra không đồng tình. Người chưa biết đến đề xuất thì bất ngờ khi nghe tin, người biết rồi thì phản đối.

Bà Trịnh Thị Loan (68 tuổi, nhà D khu tập thể Thành Công) tỏ vẻ bức xúc: “Tối qua (9/4), tôi có nghe thông tin và cảm thấy rất bức xúc. Tôi cho rằng đây là ý tưởng điên rồ. Hồ là không gian xanh, là lá phổi của khu vực quanh đây mà giờ lấp đi để xây nhà thì không chỉ riêng tôi mà mọi người ai nghe được cũng đều bức xúc”.

 Bà Loan cho biết, bà không đồng tình với việc lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư.

Ông Đỗ Anh Dũng (SN 1949, nhà B6 khu tập thể Thành Công) cũng phản đối khi nhắc đến đề xuất. Ông nói: “Lấp 1 mét chúng tôi cũng phản đối chứ không phải là lấp 1ha. Chúng tôi phản đối kịch liệt. Người đưa ra đề xuất này là người vô cảm, làm như vậy là không vì sức khỏe người dân, không vì môi trường mà lợi ích của chủ đầu tư”.

Ông Lê Văn Bài (SN 1933, nhà G2 khu tập thể Thành Công ) cũng mới biết đến thông tin lấp hồ xây nhà tái định cư sáng nay (10/4) qua nghe đài. Ông cũng tỏ ra vô cùng bức xúc trước đề xuất này.

“Sáng nào tôi cũng đi bộ 3 vòng quanh hồ, sau đạp xe 10 vòng. Nay nghe đài xong mà rất bức xúc. Có cái hồ nhỏ thế này để người già về hưu nghỉ mát, trẻ nhỏ vui đùa, nhất là về mùa hè thế mà người ta đòi lấp”, ông Bài chia sẻ.

Mới chỉ là ý tưởng

Trao đổi với PV, đại diện Tổ dân phố nhà A khu tập thể Thành Công cho hay, ông rất bất ngờ với đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư.

Theo vị này, cách đây khoảng 15 ngày, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng có về làm việc với phường và các tổ dân phố thực hiện một khảo sát xã hội học về việc lấy ý kiến của người dân về việc cải tạo, tham khảo về kiến trúc, điều kiện hiện trạng hạ tầng kỹ thuật…

“Trong khảo sát không có nhắc đến việc lấy ý kiến người dân về việc lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư. Tôi tin chắc là người dân sẽ phản đối, đề xuất đó là hoang đường”, vị đại diện này nói.

Ông Nguyễn Chí Dũng – Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (VIHAJICO) có đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư. Tuy nhiên, không phải là lấp chiếm diện tích hồ Thành Công.

Theo ông Dũng, phía VIHAJICO đề xuất lấp một phần diện tích hồ phía nhà hát Âu Cơ để xây dựng quỹ nhà tái định cư tại chỗ cho người dân, còn sau đó họ sẽ đào khoét về phía khuôn viên dự án cải tạo khu Thành Công để bù lại.

“Đề xuất của VIHAJICO chỉ làm thay đổi hình thù của hồ chứ không hề xâm hại diện tích. Toàn bộ diện tích mặt nước hồ Thành Công vẫn được giữ nguyên”, ông Dũng chia sẻ.

Nói về việc cơ quan chức năng xem xét như thế nào trước đề xuất trên, ông Dũng cho hay, đây mới chỉ là ý tưởng, sáng kiến ban đầu. Đề xuất của VIHAJICO đưa ra có thể giải được bài toán khó nhất từ trước tới nay là vấn đề tái định cư tại chỗ cho người dân.

Tuy nhiên muốn được thông qua thì doanh nghiệp cần phải có bản vẽ chi tiết, lên phương án trình cụ thể. Sau đó cần cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn đóng góp ý kiến và có cả xin ý kiến của người dân.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây