Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Lý do Quốc yến đãi Nhật hoàng kéo dài hơn dự kiến 30 phút

Lý do Quốc yến đãi Nhật hoàng kéo dài hơn dự kiến 30 phút
Quốc yến chiêu đãi Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản được đặc biệt tổ chức tại Phủ Chủ tịch tối 1-3 và kéo dài hơn dự kiến hơn 30 phút.

Quốc yến được bắt đầu với nghi lễ chào cờ của hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản - Ảnh: Quý Đoàn

Tối 1-3, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã tổ chức Quốc yến chiêu đãi Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko của Nhật Bản tại Phủ Chủ tịch.

Quốc yến được bắt đầu với nghi lễ chào cờ của hai quốc gia Việt Nam, Nhật Bản, rồi đến bài phát biểu của Chủ tịch nước và Nhà vua. Thực đơn Quốc yến gồm nhiều món ăn mang đậm hương vị Việt Nam.

Chia sẻ về tiệc chiêu đãi đặc biệt này, ngài Hatsuhisa Takashima, Thư ký Báo chí của Nhà vua, Người Phát ngôn của Nhật Hoàng, cho biết Quốc yến đã kết thúc lúc 20 giờ 45 phút, dài hơn 30 phút so với dự kiến. Nhà vua và Hoàng hậu cảm ơn, đánh giá cao sự tiếp đón trọng thị từ khi hai người đặt chân tới Việt Nam.

Trong Quốc yến, có đoàn nghệ sĩ Việt Nam đến biểu diễn nghệ thuật. Có hai loại nhạc cụ dân tộc gây ngạc nhiên đầy thích thú cho quan khách Nhật Bản, đó là đàn bầu và đàn K'lông pút, với những giai điệu tuyệt diệu của cây đàn chỉ có 1 dây hay khi nghệ sĩ không chạm tay vào nhạc cụ mà vỗ tay gần đầu ống nứa, khiến hơi tác động vào cột không khí của ống phát ra âm thanh. Chương trình còn có sự tham gia của các em học sinh khiếm thị được sự hỗ trợ của nghệ sĩ nổi tiếng Nhật Bản Tetsuya Komuro.

Ông Takashima “tiết lộ” Quốc yến kéo dài hơn dự kiến hơn 30 phút do Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã đến bắt tay cảm ơn từng nghệ sĩ một, trò chuyện với các em học sinh khiếm thị. Nhà vua và Hoàng hậu khẳng định đã có buổi thưởng thức nhạc rất tuyệt vời, mong các nghệ sĩ tiếp tục hoạt động nghệ thuật, đóng góp cho văn hóa nước nhà.

Nhật hoàng phát biểu tại Quốc yến - Ảnh: Quý Đoàn

Nâng ly chúc mừng "mùa xuân mới" trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh: Quý Đoàn

Mùa xuân mới cho quan hệ Việt - Nhật

Phát biểu tại Quốc yến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Nhật hoàng cùng nhắc lại mối giao lưu từ hơn một ngàn năm trước giữa hai quốc gia với các giai điệu vũ nhạc Lâm Ấp theo chân Đại sư Phật Triết đến Cố đô Nara từ thế kỷ thứ 8; những Chu Ấn thuyền của các thương gia Nhật Bản đi từ Nagasaki đến Hội An vào thế kỷ 16; cuộc hôn nhân vượt khoảng cách địa lý giữa thương gia Araki Sotaro và công nương Ngọc Hoa vào thế kỷ 17, Chủ tịch nước nhấn mạnh quan hệ bang giao lâu đời ấy vẫn được duy trì và phát triển khi hiện nay có khoảng 170.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản, hơn 200.000 khách du lịch Việt Nam tới Nhật Bản và hơn 700.000 khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam trong năm 2016, có tới khoảng 15 ngàn người Nhật Bản sinh sống ở Việt Nam....

“Ngày nay, hai nước chúng ta không chỉ là đối tác chiến lược sâu rộng mà còn là những người bạn chân thành, chia ngọt sẻ bùi với nhau. Nhân dân Việt Nam trân trọng đất nước, văn hóa và con người Nhật Bản, quan tâm, ủng hộ những nỗ lực của nhân dân Nhật Bản trong phát triển đất nước và đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng của thế giới”- Chủ tịch nước nói.

Nhắc lại câu nói nổi tiếng của Nhà vua Minh Trị - người đã có công lớn canh tân và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại: “Việc có người bạn thân thiết luôn giúp đỡ nhau, rèn giũa hoàn thiện bản thân sẽ là sức mạnh khi ta vào đời”, Chủ tịch nước nhấn mạnh đối với Việt Nam ngày nay, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, lâu dài và thực sự là “người bạn thân thiết”, hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch nước tin tưởng chuyến thăm Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu sẽ mang đến một mùa xuân mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.

Nhà vua và Chủ tịch nước nâng ly - Ảnh: Quý Đoàn

Chúc nhân dân Việt Nam hạnh phúc

Nhật hoàng cho biết âm nhạc của Lâm Ấp đến từ Việt Nam từ thế kỷ thứ 8 vẫn được biểu diễn trong những nhạc khúc của nhã nhạc Nhật Bản hiện nay. “Lần này, tôi được tới thăm Huế, cố đô của Việt Nam thời nhà Nguyễn, cũng là nơi Lâm Ấp một thời phồn thịnh. Chính tại nơi này, tôi rất mong sớm được thưởng thức nhã nhạc Việt Nam, một loại hình âm nhạc cùng chia sẻ nguồn gốc với nhã nhạc của Nhật Bản”- Nhật hoàng chia sẻ.

Nhà vua cũng nhắc lại từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, rất nhiều thương thuyền của Nhật Bản đã cập cảng Hội An, một thương cảng quốc tế phồn vinh ở miền Trung Việt Nam thời kỳ đó, khu phố Nhật Bản cũng dần được dựng lên tại đây. Sau đó, do chính sách “bế quan tỏa cảng” của Nhật Bản, giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản đã tạm thời bị gián đoạn. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, có thời gian phong trào “Đông du” đã đưa khoảng 200 thanh niên Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản.

“Trong bối cảnh giao lưu giữa nhân dân hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, đồng thời sự gần gũi về văn hóa được nâng cao như ngày nay, tôi rất mong chuyến thăm lần này của chúng tôi sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau cũng như sự gắn bó của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tôi xin chúc Ngài Chủ tịch nước và Phu nhân sức khỏe, thành công, chúc nhân dân Việt Nam hạnh phúc”- Nhật hoàng nói.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây