Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


"Luật ngầm" lòng đường, vỉa hè: Đường dây nóng... nguội lạnh

"Luật ngầm" lòng đường, vỉa hè: Đường dây nóng... nguội lạnh
Nghịch lý đã xảy ra, đường dây nóng dùng để giành vỉa hè lại đang gây bức xúc trong dân

“Người dân thấy ai tái chiếm vỉa hè thì hãy điện thoại vào đường dây nóng báo ngay để chính quyền xử nghiêm” - đây là lời nói chắc nịch của không ít lãnh đạo từ cấp quận đến phường khi ra quân giành lại vỉa hè ở TP HCM. Ấy vậy mà trong suốt gần một tuần cùng với người dân hợp sức với chính quyền, phóng viên Báo Người Lao Động phát hiện được sự thật: Ở nhiều quận, đường dây nóng có cũng như không!

Không thể chấp nhận!

Lúc 20 giờ 15 phút ngày 17-3, nhiều người dân sinh sống trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn thuộc quận Thủ Đức) bức xúc việc quán nhậu số 318 Phạm Văn Đồng bất chấp lệnh cấm vẫn ngang nhiên cho xe máy và cả ô tô đậu chiếm hết vỉa hè nên gọi đến đường dây nóng phản ánh. Anh Hải, một người dân địa phương, đã liên hệ tổng đài 1080 và được cung cấp số 08.38.967.024 của Đội Quản lý Trật tự đô thị quận Thủ Đức.

Tối 16-3, vỉa hè đường Tăng Nhơn Phú, đoạn qua phường Phước Long B, quận 9, TP HCM, bị lấn chiếm để buôn bán

Có số điện thoại đường dây nóng của quận Thủ Đức, tưởng gọi là được ngay nhưng người dân lại đi từ thất vọng này đến thất vọng khác với hàng chục cuộc gọi đến chỉ nghe máy đổ chuông chứ không có người nhận.

Quá bức xúc, ảnh Hải nhờ người thân cho số điện thoại cá nhân của một cán bộ thuộc Đội Quản lý Trật tự đô thị quận Thủ Đức để gọi thông báo. Người này nghe máy và hứa sẽ kiểm tra. Tuy nhiên hơn 45 phút trôi qua, anh Hải vẫn không thấy lực lượng chức năng đến hiện trường.

Tương tự, chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Chánh Văn phòng UBND quận 5, để xin số điện thoại đường dây nóng phản ánh tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Ông Kỳ cung cấp số điện thoại 08.38.535.279 và đề nghị khi thấy ở đâu người dân buôn bán trên vỉa hè thì vui lòng thông tin.

Tuy nhiên, lúc 19 giờ ngày 17-3, chúng tôi gọi đến đường dây nóng quận 5 để phản ánh tình trạng xe khách Thành Bưởi đậu kín đường Trần Nhân Tôn gây ách tắc giao thông nhưng sau nhiều lần liên lạc chỉ nghe tiếng chuông. Để kiểm chứng thêm, sáng 18-3, phóng viên tiếp tục gọi đến đường dây nóng quận 5 để thông tin trên đường Nguyễn Trãi có một số cửa hàng bán quần áo lấn chiếm toàn bộ vỉa hè. Cũng như các lần trước, gọi cả chục cuộc nhưng chẳng thấy ai trực đường dây nóng bắt máy.

Tình trạng đường dây nóng nhưng nguội lạnh còn diễn ra ở quận 9. Tối 16-3, nhận được thông tin trên đường Tăng Nhơn Phú (đoạn qua phường Phước Long B, quận 9) dọc hai bên vỉa hè là các xe đẩy bán hàng tiêu dùng lấn chiếm toàn bộ, phóng viên liền có mặt. Tại đây, ông T.H.P - người điện thoại báo cho phóng viên - bức xúc: “Ở đoạn đường trên, ai đi bộ thì phải xuống lòng đường. Đáng nói, cách đây vài ngày, khu vực này đã được lực lượng chức năng dọn dẹp sạch sẽ nhưng nay lại bị tái chiếm”.

“Sao không gọi đường dây nóng?” - chúng tôi hỏi. Ông P. cho biết gọi cũng như không. Trước đó, khó chịu trước thực trạng các xe đẩy bán hàng chiếm dụng tối đa phần vỉa hè của người đi bộ, ông đã tham khảo thông tin trên website của UBND quận 9 và biết được số điện thoại đường dây nóng của Đội Quản lý Trật tự đô thị. Sau đó, ông P. liền thực hiện liên tiếp 2 cuộc gọi vào số điện thoại 08.3730.6134 để phản ánh. Tuy nhiên, cả hai cuộc gọi đều không có người trả lời. “Họ hứa và nói hay lắm nhưng đường dây nóng mà làm ăn như vậy là không thể chấp nhận được. Làm vậy thì tình trạng tái chiếm vỉa hè sẽ ngày càng nhiều hơn” - ông P. bức xúc.

“Ầu ơ ví dầu”

Lý giải về việc người dân gọi điện thoại đường dây nóng nhưng không được, ông Vũ Trọng Hiếu, Đội phó Đội Trật tự Quản lý đô thị quận Thủ Đức, cho biết hiện đầu mối tiếp nhận thông tin phản ánh tình trạng lấn chiếm vỉa hè thuộc Phòng Quản lý đô thị quận. Từ đó, cán bộ trực sẽ chỉ đạo xuống đội để cử người đến hiện trường. Đồng thời, ông Hiếu cung cấp lại số đường dây nóng: 08.37.225.119. Thế nhưng, lúc 14 giờ 50 phút ngày 20-3 (trong giờ hành chính), phóng viên gọi lại đường dây nóng mà ông Hiếu cung cấp nhiều lần nhưng vẫn không có ai nghe máy (!?).

Trong khi đó, ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ khẳng định UBND 5 chỉ có 1 số điện thoại đường dây nóng và luôn có người trực. Khẳng định của ông Kỳ chắc nịch là vậy nhưng để chứng minh cho bạn đọc thấy rõ thì liền sau đó, phóng viên gọi vào số đường dây nóng của quận 5 và kết quả cũng như những lần trước là chỉ nghe tiếng chuông reo.

Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cảm ơn thông tin phản ánh của Báo Người Lao Động và cho biết sẽ nhanh chóng làm việc với Văn phòng UBND quận để hỏi lại tình hình tiếp nhận thông tin từ số điện thoại của Đội Quản lý Trật tự đô thị. “Có thể thời điểm gọi, cán bộ trực ra ngoài nên không nghe” - ông Anh lý giải.

Nghe máy nhưng không đến kiểm tra

Bạn đọc Báo Người Lao Động phản ánh trưa 22-3, gọi điện thoại vào đường dây nóng số 08.62.988.888 của Đội Quản lý Trật tự đô thị quận 1 để phản ánh ô tô đậu trên vỉa hè phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng người trực đề nghị gọi công an và không chịu xuống kiểm tra.

Trao đổi với phóng viên về thông tin trên, đại diện Đội Quản lý Trật tự đô thị quận 1 cho biết theo thẩm quyền thì lực lượng này chỉ xử lý các công trình, vật dụng lấn chiếm, xây sai quy định. Về các phương tiện lưu thông đi sai làn, đậu sai vị trí thì Đội Quản lý Trật tự đô thị quận chỉ phối hợp với lực lượng công an phường, 113 và CSGT… Tuy nhiên, khi tiếp nhận thông tin của người dân, đường dây nóng sẽ chuyển sang cho công an khu vực đến ghi nhận.

“Biếu” vỉa hè cho quán nhậu?

Tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, người dân bức xúc cho rằng nhiều nơi chỉ để xe nước mía trên vỉa hè thì bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt, còn quán nhậu 283 trên đường Tết Mậu Thân lấn chiếm vỉa hè làm bãi giữ xe thì không bị xử lý.

Sau khi có “bùa hộ mệnh”, quán nhậu 283 vô tư chiếm hết vỉa hè để làm chỗ đậu xe

Thậm chí, cứ vào buổi chiều là có hàng chục ô tô đậu gần như kín một phần công viên Tết Mậu Thân làm cho người đi tập thể dục gặp khó khăn. Để kiểm chứng những gì mà người dân phản ánh, nhiều ngày liền, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận tại vỉa hè quán này không còn lối để đi. Một người chạy xe ôm nói: “Mỗi ngày, công an đi ngang qua đây nhiều lần nhưng có thấy ai nói gì đâu. Trong khi đó, quán hủ tiếu chỉ cần kê một cái bàn ra ngoài là bị phạt”.

Đúng như lời người chạy xe ôm, chiều 21-3, có 2 chiến sĩ Công an phường 4 đến quán 283 nói gì đó rồi rút đi. Một lúc sau, bảo vệ cho dẫn xe máy vào một trụ sở của một cơ quan gần đó để... gửi. Còn tất cả ô tô thì cứ chiếm hết lối đi vào công viên. Cứ nhiều ngày như thế, phóng viên ghi nhận tại hai đầu quán nhậu này có biển cấm dừng đỗ xe 200 m nhưng vẫn có ô tô vô tư đậu.

Một cán bộ có thẩm quyền cho biết không xử phạt được vì có văn bản của ông Mai Thanh Minh, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho (nay là Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang - PV), cho chủ trương giữ xe. Cụ thể, văn bản được ông Minh ký ngày 20-8-2014 có nội dung “Đồng ý thời gian giữ xe trên vỉa hè phía Đông đường Tết Mậu Thân từ 20 giờ đến 4 giờ hôm sau”. Từ khi có văn bản này, quán nhậu cứ vô tư chiếm hết vỉa hè làm nơi giữ xe cho khách vào quán. Một cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang nói: “Công an đã từng kiểm tra hành chính điểm giữ xe này nhưng do UBND TP Mỹ Tho cho phép hoạt động từ 20 giờ đến 4 giờ hôm sau nên không thể xử phạt được”.

Phóng viên đã đăng ký với UBND TP Mỹ Tho để tìm hiểu thêm về văn bản “kỳ lạ” trên thì được chánh văn phòng UBND TP hẹn sẽ trả lời sau vì ông mới nhận công tác tại đây (!).

 M.Sơn

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây