Khám phá Bình Liêu, Sapa thu nhỏ ở Quảng Ninh
- Thứ ba - 15/11/2016 13:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ở độ cao 700m so với mực nước biển, mây mờ va sương bao phủ tạo nên khung cảnh huyền ảo. Ảnh: N.H
Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, giáp ranh biên giới với Trung Quốc, cách Hà Nội 270km, Bình Liêu là huyện miền núi xa xôi nhưng sở hữu phong cảnh tuyệt đẹp. Đến Bình Liêu, du khách có dịp để chinh phục những đỉnh núi cao và khám phá những cung đường đèo đẹp huyền ảo.
Đầu tiên, phải nói đến “đặc sản” của mảnh đất này chính là những cột mốc ở miền biên ải do có địa hình giáp với Trung Quốc (huyện Phòng Thành và Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
Những cột mốc nằm trên cung đường biên giới độc đạo dài gần 50km quanh co, hiểm trở chỉ thích hợp với xe máy, vì nếu chạy xe ô tô sẽ vô cùng khó khăn và nguy hiểm với người không rành đường.
Một trong 4 cột mốc linh thiêng ở Bình Liêu - Ảnh: Internet
Ở Bình Liêu có 64 cột mốc nhưng những cột mốc đôi 1300, 1302, 1305 và 1327. Đây là 4 mốc thiêng liêng trong số 64 cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc nằm ở Bình Liêu. Và từ trên các cột mốc này bạn có thể “đắm mình” trong một phong cảnh tuyệt đẹp của Bình Liêu.
Bình Liêu có tổng cộng 64 cột mốc. Trong ảnh là một đám du khách trẻ đang chinh phục cột mốc1297 - Ảnh: N.H
Vẻ đẹp hoang sơ, phong cảnh núi non trùng điệp hữu tình, những cung đường quanh co đầy cỏ lau bao bọc quanh các ngọn núi và triền đồi xanh tạo nên khung cảnh đẹp hung vĩ. Bạn cũng có thể bắt đâu đó trên đường đi là ngôi nhà bao phủ trong làn khói lam chiều bình yên và đẹp như tranh vẽ.
Cảnh đẹp ở Bình Liêu
Con đường này thuộc địa phận Trung Quốc - Ảnh: N.H
Ngoài ra, với dân phượt, đỉnh Cao Ly, đỉnh Quảng Nam Châu, Cao Xiêm cũng là điểm để săn mây rất thú vị.
Mây mù cũng là "đặc sản" tự nhiên ở Bình Liêu - Ảnh: N.H
Dù là một hành trình có kế hoạch hay không có kế hoạch thì bạn cũng sẽ tìm được nhiều địa điểm để có những tấm ảnh lưu niệm thật đẹp.
Bình Liêu, mỗi mùa trong năm đều có vẻ đẹp riêng của mình. Vào mùa Xuân, bạn có thể tham gia vào các lễ hội truyền thống của người dân tộc, vui nhộn. Vào mùa Hè hay đầu Thu, bạn có thể thưởng thức âm thanh vui tai của những thác nước. Ngắm những thửa ruộng bậc thang màu xanh đang ngả vàng. Vào cuối Thu là mùa thu hoạch, những thửa ruộng bậc thang mang màu vàng óng ả, và người dân địa phương tổ chức nhiều lễ hội mừng thu hoạch.
Đền thờ Lục Na thờ dũng sĩ Hoàng Cần và các vị thành hoàng, thần thánh
Một trong những điểm không thể bỏ qua khi đến Bình Liêu là thác nước Khe Vằn và Khe Tiền.
Khe Vằn nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 12km về phía Đông Nam, thuộc xã Húc Động. Thác Khe Vằn 3 tầng, nơi các chàng chai và cô gái dân tộc Sắn Chỉ thường xuyên hẹn hò, tán tỉnh nhau hay thác Khe Tiền giữa rừng phòng hộ ở thôn Khe Tiền là nơi mà du khách “nhất định phải đến” ở Bình Liêu. Đường đi đến ngọn thác khá ngoằn ngèo và khó đi, nhưng chinh phục được đoạn đường rừng 200m này để đến thác Khe Tiền cũng chính là điều đáng để thử khi trong hành trình khám phá Bình Liêu. Đoạn đường rừng này do chính đồng bào dân tộc tự làm để du khách tham quan. Thậm chí, họ còn chu đáo dựng cái lán tre có mái để du khách có thể nghỉ ngơi sau khi lội rừng, lội suối.
Thác Khe Tiền nằm giữa rừng cứu hộ - Ảnh: N.H
Anh hướng dẫn người dân tộc đi với tôi nói rằng, đồng bào dân tộc ở đây rất có ý thức bảo vệ rừng, chỉ cần có người lạ có dấu hiệu khả nghi đi vào rừng là họ sẽ báo chính quyền ngay.
Con đường do đồng bào dân tộc tự làm để du khách xuống tham quan thác Khe Tiền - Ảnh: N.H
Bình Liêu không chỉ sở hữu những thác nước đẹp mà còn cả những cánh đồng ruộng bậc thang tựa như ở Sapa hay Mù Cang Chải. Tôi đến Bình Liêu trong một buổi chiều tà, cánh đồng lúa chín vàng óng ả, xa xa, tiếng chuông đeo cổ của những chú trâu đang cày bừa vọng lại tựa như tiếng chuông gió, reo vui.
Ruộng bậc thang ở Bình Liêu - Ảnh: N.H
Xa xa là cảnh người nông dân cùng con trâu đang cày bừa trên cánh đồng - Ảnh: N.H
Dọc đường đi qua những vùng hoa cỏ dại, rừng hồi quế… thoang thoảng mùi hương thật dễ chịu và khoan khái, nhất là trong tiết trời se se lạnh của miền sơn cước phía Bắc.
Bình Liêu là nơi người Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa Kinh sống trong hòa hợp, có đời sống văn hóa đa dạng. Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ dân tộc mặc thổ cẩm dân tộc đầy màu sắc và đeo gùi lững thững đi bên vệ đường.
Ngoài ra, cửa khẩu Hoành Mô cũng là một trong những điểm du lịch ở Bình Liêu. Đến đây, bạn có thể phần nào cảm nhận phần nào cuộc sống mưu sinh vất vả của những cửu vạn. Đứng từ phía cột mốc biên giới ở Việt Nam nhìn qua kia là Trung Quốc. Đường biên giới của Việt Nam và Trung Quốc chính là dòng suối nằm giữa 2 quốc gia, nơi những cửu vạn hằng ngày kéo xe chở đầy những thùng hàng nặng nhọc qua lại.
Cửa khẩu Hoành Mô - Ảnh: N.H
Dòng suối chính là đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc - Ảnh: N.H