Hang tự lập, thầy tự phong trên núi Bà Đen
- Thứ năm - 09/02/2017 10:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều muộn 6-2, không đi theo đường chính vào Khu du lịch núi Bà Đen, chúng tôi ghé vào một điểm giữ xe trong vườn cạnh chân núi. Chủ bãi giữ xe kiêm bán nước giải khát hỏi ngay: Đi chùa hay lên hang?
Khi biết chúng tôi định lên hang, chủ quán hỏi tiếp: “Ai giới thiệu lên?”.Vài người giăng võng nằm trong quán ngó chúng tôi chằm chặp. Sau khi biết chúng tôi được người quen giới thiệu, chỉ đường đi nước bước, chủ quán mới cởi lòng: “Bây giờ trong chùa ồn ào quá. Nay người ta lên hang lạy ông, xin gì cũng được, ông thiêng lắm. Có người bệnh sắp chết bệnh viện trả về, vậy mà lên xin được ông cho hết bệnh”.
Cảnh giới khắp nơi
Theo lời chỉ dẫn, trên đường vào hang, một chủ quán nước khác cho biết nếu chưa rành đường sẽ có người dẫn leo lên núi, tiền công khoảng 50.000-60.000 đồng/lượt. Một vài xe ôm mau mắn rà xe chạy theo mời đi và chỉ đường lên hang núi mất chừng 10.000 đồng/người.
Đường lên hang núi cheo leo, nhiều đoạn dốc đá thẳng đứng nguy hiểm. Ai đó đã sơn những dấu mũi tên và chữ trên các phiến đá để chỉ đường. Rất nhiều kẽ đá cắm chi chít chân nhang, hoa, tiền âm phủ, tượng Phật rải rác nhiều nơi.
Leo được một đoạn, dưới gốc xoài rừng có một điểm bán nước giải khát và nhang đèn. Người bán là ông Trần Văn Út, gần 80 tuổi. Ông cũng tranh thủ giới thiệu Ông trên núi rất linh thiêng, đã giúp nhiều người. Nhưng khi hỏi địa chỉ những người đã được Ông giúp, ông Út nói: “Thì nghe kể vậy”.
Cúng bái trong hang Gạo. Ảnh: H.MINH
Người xưng là thầy tu Trí Thuận. Ảnh: H.LAN
Sau hơn một tiếng đồng hồ bám sát những thanh niên leo núi phía trước, chúng tôi lên tới hang Hàm Rồng, bắt gặp nhiều người đang khấn vái cầu nguyện. Người phụ nữ lớn tuổi mặc bộ đồ xám tro xưng là “cô Hồng” hướng dẫn người mới lên thắp nhang cúng. Bà nói: “Mình cúng dường bao nhiêu cũng được, tùy tâm của mình”. Trong hang đặt tượng thờ ông quan lớn Trà Vong và rất nhiều tượng Phật, tượng hổ. Các dĩa đều đầy tiền âm phủ lẫn tiền thật do khách cúng. Xung quanh hang có vài người mắc võng trên cây cổ thụ quan sát du khách.
Đột nhiên, không biết từ đâu có thông tin có ngành chức năng sẽ lên kiểm tra, cô Hồng vội than nhức đầu rồi đi xuống núi. Các khách đi cúng cũng rời khỏi hang. Cô gái bán nước tỏ vẻ bực bội khi chúng tôi chưa rời đi, hỏi gắt gỏng: “Các anh chị ở đây cầm điện thoại để quay phim, chụp ảnh phải không?”. Khi chúng tôi tránh khỏi hang thì cô vội vàng gom hết tiền cúng dường của khách bỏ vào bịch nylon rồi quay trở lại hang đá phía dưới.
Xuất hiện một “thầy tu”
Phía dưới hang Hàm Rồng một đoạn đường là hang Gạo. Ở đây có một người đàn ông mặc áo xám tro, tự giới thiệu là “thầy” Trí Thuận, trước đây tu ở chùa thuộc huyện Bến Cầu, Tây Ninh . Thầy Trí Thuận cho biết: “Trước đây thầy tu ở núi Cấm. Nhưng một hôm Mẹ và các đấng thiêng liêng gọi thầy về đây nên thầy về”. “Thầy” cũng khẳng định với nhiều Phật tử nghe tiếng về hang đá lần đầu tiên leo lên tận nơi rằng: “Thầy được phép tu ở đây, có giấy phép đàng hoàng, không tự tạo ra chuyện lên đây. Nếu không đã bị công an bắt rồi”. “Thầy” dùng phép nhập thân để trò chuyện với các đấng thiêng liêng rồi truyền phán cách cúng kiếng (!).
Ngày hôm sau trở lại, khi có những người khách mới nhờ coi bói, “thầy” mặc áo vàng tu hành, nghiêm trang tụng niệm và nhận lời xem bói. Nhưng khi phát hiện có thêm chúng tôi là những khách cũ đáng nghi đến sau đó, “thầy” lại vội vàng từ chối, không xem nữa.
Chính quyền dẹp hoài không được Tôi có tham gia đoàn kiểm tra lên kiểm tra trước Tết. Tuy nhiên, do các đối tượng chân rết khắp nơi đã cảnh báo cho các đối tượng hoạt động cúng bái trái phép trên các hang núi nên rất khó bắt quả tang. Đến nay họ quen mặt tôi, chỉ cần lên tới chân núi là họ nhận ra ngay nên tôi hết “diễn” được rồi. Cũng có mấy anh em mới nhưng thấy người lạ là các chân rết cũng cảnh báo ngay, họ trốn hết. Mới đây chúng tôi biết là có người xưng là thầy tu và nhiều đối tượng khác canh chừng và lấy tiền cúng trên đó. Chủ yếu người dân ở miền Tây được cò mồi thuê xe đưa lên cúng bái, coi bói, cầu xin lộc, xin số đề, cầu trúng số. Năm 2015, lãnh đạo TP Tây Ninh có làm việc với xã, đưa ra phương án mở khu du lịch tâm linh ở các nơi này để hướng người dân thực hành tín ngưỡng lành mạnh, an toàn nhưng chưa tìm được nhà đầu tư. Ông NGUYỄN CHÍ THÁI, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, địa phương quản lý khu vực núi Bà Đen _________________________________ Các chùa không cử thầy nào lên trên hang đá để tu tập cả. Giáo hội cũng không đồng ý việc này. Việc đưa người lên đó cúng bái là rất sai trái. Ai cũng có quyền tín ngưỡng nhưng không nên mê tín như vậy. Không có thần Phật nào giúp con người tự dưng có lộc, tự dưng hết bệnh nhờ cúng bái đâu. Thầy THÍCH THÔNG NGHIÊM, Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Tây Ninh |