Độc đáo lễ hội đánh cá cầu may dưới chân núi Hồng Lĩnh
- Thứ ba - 20/02/2018 03:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm chỉ được đánh cá duy nhất một lần
Cứ vào những ngày đầu tháng 5 âm lịch hàng năm, khi mùa màng đã kết thúc, hàng ngàn người dân ở xã Xuân Viên và các xã lân cận của huyện Nghi Xuân lại nô nức tham gia vào Lễ hội đánh cá Đồng Hoa (còn được người dân địa phương gọi là lễ hội đánh Vực Rào). Đầm nước này nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh hùng vĩ, với chiều dài hơn 1km, diện tích lên tới 30ha, từ dãy núi Hồng đổ ra nhánh sông chảy về biển nên rất nhiều các loài cá sinh sống.
Ông Phan Khắc Du (70 tuổi) ở thôn Cát Thủy, xã Xuân Viên, cho hay: Vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, cứ tầm 6 giờ sáng có hàng ngàn người tập trung về đầm Vực mang theo các dụng cụ đánh bắt cá truyền thống như nơm, vó, lưới chờ khai hội bắt cá ở cánh đồng Hoa này. Sau hiệu lệnh được chính quyền địa phương phát ra, hàng ngàn người tự do xuống đầm bắt cá. “Hơn 50 năm nay, năm nào tôi cũng tham gia lễ hội này, vui lắm. Đây là dịp để bà con trổ tài bắt cá của mình. Lễ hội này rất độc đáo là đánh bắt cá bằng các ngư cụ thủ công, truyền thống như nơm, vó”.
Mỗi năm lễ hội Đồng Hoa diễn ra một lần và có cả ngàn người đến đánh bắt cá. ảnh: Hữu Anh
Cũng theo ông Du, từ xưa tới nay lễ được tổ chức khá quy củ, làng lập ra quy định, ngày thường không cho người dân đến đánh bắt cá ở Vực Rào, chỉ đúng một ngày của lễ hội mọi người trong làng mới được tham gia đánh bắt cá tại đầm.
Ông Nguyễn Văn Hải (70 tuổi), ở xã Xuân Viên, chia sẻ: “Thuở nhỏ tôi nghe cha kể lại rằng lễ hội đánh cá Đồng Hoa trước đây được tổ chức nghiêm ngặt lắm. Đúng vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, lý trưởng và các bậc cao niên trong làng cho lập bàn thờ, cúng tế thành hoàng bản thổ tại ngôi miếu cạnh đầm Vực Rào. Sau khi làm lễ xong, một hồi trống chiêng vang lên, lý trưởng hú to một tiếng, lúc đó người dân tham gia lễ hội mới được cầm nơm xuống đầm úp cá”.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, khi tham gia lễ hội nếu ai bắt được con cá to thì vừa dơ cá lên vừa hú to để khoe người dân trên bờ, dưới nước hú theo để tán thưởng một cách hào hứng. Người xưa quan niệm rằng ai bắt được cá to hoặc nhiều cá sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu trong suốt năm ấy. Sau khi lễ hội kết thúc, người nào bắt được con cá to nhất sẽ được làng ban thưởng và con cá ấy được dùng làm đồ cúng dâng lên Thành hoàng làng nhân dịp Tết Đoan Ngọ.
Cần bảo tồn những nét truyền thống của lễ hội
Bà Phan Thị Nhung (72 tuổi) ở thôn Mỹ Lộc, xã Xuân Viên bày tỏ: “Trong khi ở các địa phương nguồn lợi thủy sản ngày một cạn kiệt, thì ở đầm Vực, người dân địa phương lại ra sức bảo vệ, qua đó cũng bảo tồn một lễ hội đã có từ trăm năm. Người dân chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng quan tâm hơn trong việc bảo tồn lễ hội độc đáo này, tránh ngày càng bị mai một”. |
Được biết, đầm Vực Rào không chỉ là nơi diễn ra lễ hội đánh cá Đồng Hoa thường niên mà còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nước tưới tiêu cho hàng chục ha lúa trên địa bàn xã Xuân Viên.
Mặc dù, ngày nay lễ hội đánh cá Đồng Hoa đã gần như không giữ được nguyên vẹn những tục lệ như của cha ông, tuy nhiên hàng năm người dân và chính quyền địa phương vẫn duy trì những nét căn bản của lễ hội này. Ông Ngụy Khắc Phúc - Chủ tịch UBND xã Xuân Viên cho biết: “Qua thời gian, lễ hội đánh cá Đồng Hoa không còn nguyên vẹn như xưa nhưng chính quyền và người dân vẫn giữ được nét cơ bản của lễ hội. Để duy trì nguồn lợi thủy sản, bên cạnh thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con, chính quyền địa phương còn thành lập đội bảo vệ luân phiên canh gác, ban hành quy định về việc cấm đánh bắt cá ở đầm Vực”.
Ông Nguyễn Thanh Là - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Xuân cho hay: Lễ hội đánh cá Đồng Hoa được tổ chức ở đầm Vực, cách di chỉ khảo cổ học Phối Phối hơn 200m và Khu du lịch sinh thái đập Đồng Trày 500m, nằm dưới chân dãy Hồng Lĩnh trùng điệp với cảnh trí hữu tình. Chúng tôi cũng thấy đây là địa điểm lý tưởng cho du khách tham quan, ngắm cảnh. Tuy nhiên, hiện nay đường sá vào khu vực đầm Vực Rào rất khó đi lại, đang là trở ngại để phát triển du lịch...
Người mông ăn Tết trước người Kinh 1 tháng, đúng vào ngày mồng 1 tháng 12 âm lịch. Cái tết sớm của người Mông được...