Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Chuyện lạ về nơi lập “hội thầy cúng”

Chuyện lạ về nơi lập “hội thầy cúng”
Nỗi ám ảnh về những xác chết dựng giữa nhà bón cơm cả tuần trời dần biến mất. Và ít ai có thể tin rằng, một số thầy cúng, tác giả của hủ tục ấy, lại trở thành người đi tiên phong.

Thầy cúng góp phần bài trừ hủ tục của người Mông.

Đó là những điều đã và đang diễn ra ở Hà Giang - nơi sinh ra “hội thầy cúng” với sự công nhận của chính quyền địa phương, có quy chế, được cấp kinh phí hoạt động. 

Ánh ảnh chuyện bón cơm cho xác chết giữa nhà

Với người Mông trên cao nguyên đá Hà Giang, thầy cúng được xem như sợi dây nối hai thế giới thần và người. Họ như những sứ giả đem thông điệp linh thiêng của thần linh tới cộng đồng và truyền tải những lời khẩn cầu của bà con tới các vị thần linh. Từ việc cưới xin, ốm đau, bệnh tật, ma chay..., tất cả đều lụy thầy cúng.

Chúng tôi tới gặp Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh – cha đẻ của ý tưởng lập “hội thầy cúng”. Ngồi trên chiếc ghế sô pha giữa phòng làm việc, ông Vinh hào hứng kể về ý tưởng kỳ lạ của mình. “Có lần tôi đi đám ma. Vào trong nhà không thấy người đâu, khi hỏi gia chủ, được chỉ ra phía cửa, thấy thi thể đang được dựng trên ghế, cơm rơi vãi đầy ngực. Lúc đi vào, tôi cứ tưởng ông say rượu ngồi đó nên bước qua. Thật kinh khủng! Rồi có lần đi viếng đám ma bố của anh chủ tịch huyện, tôi hoảng hốt khi thấy cả quan tài đang phơi giữa sân. Cậu con trai đặt dây thừng cột bò vào tay thi thể cha. Người nhà đứng xung quanh nhìn”, ông Vinh bắt đầu câu chuyện ám ảnh về những xác chết dựng giữa nhà bón cơm chờ giờ đẹp mới được chôn cất.

“Bí thư tỉnh ủy nói có thể cãi nhưng thầy cúng nói đố dám cãi. Cộng đồng dân cư tin thầy cúng hơn bí thư chi bộ, hơn bí thư tỉnh ủy. Vì vậy mình nên phát huy quyền năng của họ để bài trừ các hủ tục”. 

Ông Triệu Tài Vinh
 Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Giọng ông Vinh như chùng xuống: Chẳng phải ai xa lạ, chính gia đình tôi cũng là nạn nhân của hủ tục này. Năm 2006, chú ruột tôi mất, thầy cúng phán sau 12 ngày mới được chôn cất, cả dòng họ nghe theo. Tôi bèn nói với mấy ông thầy cúng: “Thưa các bác, cháu đang làm chủ tịch huyện mà phán thế này thì chết cháu. Các bác các chú cứ tính lại, trong 2 ngày chọn được giờ đẹp là chôn, còn đám ma tổ chức sau cho đúng giờ đẹp”.

Các thầy nói: “Tao cũng biết thế nhưng sách viết đây này. Chôn thì chôn được nhưng không tốt, gia đình, dòng họ của mày sẽ nghèo đói, xui xẻo, bệnh tật”.

“Bí thư tỉnh ủy nói có thể cãi nhưng thầy cúng nói đố dám cãi. Cộng đồng dân cư tin thầy cúng hơn bí thư chi bộ, hơn bí thư tỉnh ủy, tại sao mình không phát huy quyền năng của họ để bài trừ các hủ tục. Ông bí thư tỉnh ủy hôm qua vừa thấy trên tivi, hôm nay vừa gặp thì trân trọng thôi, thầy cúng thì ở đây suốt, có việc phải tin ông thầy cúng chứ. Ông ấy có quyền năng lớn phải tìm cách quản lý. Nếu không quản lý sẽ thành tiêu cực. Nếu biết quản lý thì quyền năng trở thành nét văn hóa, nhờ bàn tay của họ để quản lý xã hội”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, ở Hà Giang, nơi nào còn thầy cúng đều lập hội, có huyện tới vài chục người. Chỗ nào có thầy cúng đông lại mừng vì họ là người xóa lạc hậu, cải tạo văn hóa. Những hội này có tên đầy đủ là “hội nghệ nhân dân gian” với nhóm thầy cúng làm nòng cốt. Người dân vẫn quen gọi là “hội thầy cúng”.

Ông Hoàng Pi- hội trưởng “hội thầy cúng” kể về quy định của hội.

Bí quyết “trị” thầy cúng

Chúng tôi tìm về xã Xuân Giang (huyện Quang Bình) - một trong những xã đầu tiên thành lập hội (từ năm 2012) để gặp ông Hoàng Pi - hội trưởng Hội nghệ nhân dân gian, cũng là một thành viên của hội thầy cúng. Trái với tưởng tượng của chúng tôi, ngôi nhà sàn của ông gọn gàng, đầy đủ tiện nghi như ti vi, đầu kỹ thuật số và tuyệt nhiên không có bùa ngải.

“Việc tang ma đơn giản dần. Trong một đám tang, trước đây phải 6 lần cỗ cúng nay giảm còn một nửa. Các tục lệ rườm rà như đưa quan tài vòng quanh làng trước khi chôn cất hay bắt trưởng nam chống gậy… được bỏ dần. Các lễ 49 ngày, 100 ngày được làm chung 1 lần. Trước kia phải đợi 3 năm mới thoát tang thì giờ đã thoát tang trong vòng 1 năm”, ông Pi nói.

Vừa kể về hoạt động của hội, ông vừa cho chúng tôi xem về những quyết định thành lập, danh sách hội viên và quy định hành nghề. “Từ ngày thành lập hội, các thầy cúng đều tham gia, tuân thủ đầy đủ các quy định đã đặt ra, ai vi phạm sẽ bị phạt 200 nghìn đồng nộp vào quỹ. Hội quy định rõ, việc tang phải chôn trước 48h sau khi chết; không được xem ngày cưới theo ngày âm lịch để tránh tảo hôn, giảm bớt các hủ tục rườm rà; không được nói về bùa ngải…”, ông Pi nói. Theo ông Pi, trước đây, trong đám tang, mỗi thầy lấy số tiền khác nhau, nhà giàu lấy nhiều tiền, nhà nghèo không chịu giúp đỡ. Hoặc có giúp thì hời hợt, khinh thường người nghèo. Thủ tục cũ, khi có người chết, họ hàng mỗi người dắt tới một con bò giết thịt và cúng. Có gia đình giết thịt tới 12 con bò. Xong đám tang, vợ con người mất lần lượt trả bò cho từng gia đình. Nhiều nhà chìm trong nợ nần từ đời cha mẹ, con cái vẫn chưa hết nợ.

Quy định mới, gia đình có người chết báo lên trưởng thôn và hội trưởng. Thầy cúng phân công nhau đến gia chủ có tang, tiến hành việc khâm liệm, trống kèn, đọc các bài cúng. Mỗi đám tang cả đoàn 6 người nhận được 1,8 triệu đồng từ quỹ chung do nhân dân đóng góp. Gia đình có người mất không phải bỏ tiền.

“Việc tang ma đơn giản dần. Trong một đám tang, trước đây phải 6 lần cỗ cúng nay giảm còn một nửa. Các tục lệ rườm rà như đưa quan tài vòng quanh làng trước khi chôn cất hay bắt trưởng nam chống gậy…được bỏ dần. Sau khi người chết, các lễ 49 ngày, 100 ngày được làm chung 1 lần. Trước kia phải đợi 3 năm mới thoát tang thì giờ đã thoát tang trong vòng 1 năm”, ông Pi nói.

Đặc biệt với việc hỷ, nếu đôi vợ chồng trẻ chưa đủ tuổi kết hôn (nam từ 20 tuổi, nữ từ 18 tuổi), thầy cúng ngầm quy định với nhau sẽ phán “ngày xấu” không được cưới. Thầy cúng chỉ cho “ngày đẹp” với đôi vợ chồng đủ tuổi theo quy định pháp luật. Thầy cúng không được nói về bùa ngải, không được cúng cho người ốm. Trong các cuộc họp thôn, bản, thầy cúng ngồi cùng lãnh đạo xã, tuyên truyền tới người dân về nếp sống mới như ốm đau phải đi bệnh viện, không dùng bùa ngải trị bệnh...

Một cảnh hành lễ của thầy cúng ở Hà Giang.

Ông Hoàng Hải Lý-Bí thư chi bộ xã Xuân Giang (Quang Bình, Hà Giang) cho biết: “Hội nghệ nhân dân gian đóng góp rất lớn cho việc thực hiện xóa bỏ các hủ tục của người đồng bào dân tộc. Hơn nữa, các nghệ nhân còn cùng chính quyền tuyên truyền nếp sống văn hóa mới, không còn các hủ tục trong tang ma như bón cơm cho người chết, giết nhiều trâu bò”.

Theo người đứng đầu tỉnh Hà Giang , việc lập hội thầy cúng ngoài giữ gìn nét văn hóa dân tộc còn giúp giữ gìn trật tự, bảo vệ biên giới. Con người luôn có đức tin, khi nào không có đức tin là tin theo tín ngưỡng mới. Thầy cúng là người duy trì đức tin để đối trọng “đạo lạ”, nơi nào còn thầy cúng, “đạo lạ” không thể xâm phạm. Ngoài ra, thầy cúng còn dạy chữ nho, giữ gìn nét văn hóa của dân tộc.

“Mỗi lần các đồng chí trung ương lên đây hỏi ở Hà Giang có mô hình nghệ nhân dân gian rất hay. Tôi cũng nói thật, báo cáo với các anh bản chất đây là hội thầy cúng, góp phần cải tạo hủ tục lạc hậu, đối trọng đạo lạ, duy trì tín ngưỡng”, ông Triệu Tài Vinh nói.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây