10 điều kiêng kỵ dịp đầu năm Đinh Dậu
- Thứ năm - 26/01/2017 10:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lửa tượng trưng cho đỏ, cho sự may mắn nên vào những đầu năm, mọi người đều kiêng kỵ cho lửa người khác (Ảnh: Triệu Quang)
Nhà nghiên cứu văn dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho hay, theo quan niệm của người Việt, những khởi đầu cho một năm rất quan trọng, “đầu xuôi, đuôi mới lọt”.
Những điều kiêng kỵ trong ngày đầu các năm đều giống nhau, điểm khác trong năm Đinh Dậu là việc chọn ngày xuất hành, tuổi xông đất. Thường mọi người sẽ tránh xuất hành vào những ngày xấu, chọn tuổi xông đất không phù hợp.
“Kiêng nói tục, cãi nhau, tôi nghĩ lúc nào cũng nên kiêng, không riêng gì đầu năm. Còn kiêng tắm rửa, gội đầu hay vỗ vai thì quá rườm rà thành ra mê tín. Trường hợp, ai bị phạm phải những điều kiêng kỵ phổ biến, hãy cứ vui vẻ, quên nhanh chóng”, ông Vỹ cho hay.
Sau đây là những điều người Việt kiêng kỵ trong năm mới:
1. Kiêng xuất hành ngày xấu
Nhiều người quan niệm rằng những việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, công việc, tiền bạc trong cả một năm. Căn cứ vào lịch của từng năm, những nhà nghiên cứu lịch pháp sẽ đưa ra những ngày tốt, ngày xấu để mọi người lựa chọn xuất hành.
Năm Đinh Dậu, những ngày xuất hành xấu là ngày mùng 3, mùng 4, và mùng 5 Tết.
Thường ngày mùng 5 được coi là ngày nguyệt kị, người Việt thường không xuất hành đầu năm, du xuân. Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn thiệt nữa là đi buôn”
2. Kiêng quét nhà, đổ rác trong 3 ngày Tết
Trước Tết các gia đình đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng nên vào ngày Tết không cần dọn dẹp nữa.
Tục kiêng này bắt nguồn từ một tích của Trung Quốc kể rằng một người lái buôn tên Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì lái buôn ăn nên làm ra, giàu có.
Ngày mùng 1 Tết, người hầu làm việc không vừa ý khiến Âu Minh chửi mắng, đánh cô ta. Cô người hầu Minh Nguyệt hoảng sợ chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh quét nhà, vô tình hốt cả đống rác đó đổ đi. Từ đó, gia đình Âu Minh trở nên khánh kiệt.
Người ta cho rằng Minh Nguyệt chính là Thần Tài và lập bàn thờ ở góc nhà. Vì vậy, nhiều người tin rằng nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới thì Thần Tài sẽ ra khỏi nhà, tiền bạc cũng trôi theo.
3. Không cho lửa/ nước ngày đầu năm
Lửa tượng trưng cho đỏ, cho sự may mắn nên vào những đầu năm, mọi người đều kiêng kỵ cho lửa người khác.
Nước là một trong những nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ, đặc biệt quan trọng với cư dân lúa nước. Người Việt Nam quan niệm, nước tượng trưng cho sự sinh sôi, tài vận “Tiền vào như nước”. Hình ảnh nước đầy ăm ắp tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi, mát lành
4. Kiêng đánh thức, chúc Tết người nằm trên giường
Nếu đi chúc Tết sáng mùng 1, gặp người đang ngủ, khách không nên đánh thức họ dậy mà người đó tỉnh táo mới được chúc. Nhiều người cho rằng làm như vậy sẽ khiến người ta bị “trù ẻo” cả năm phải nằm trên giường.
Người nhà cũng không giục nhau dậy vào mùng 1 vì quan niệm người nằm ngủ sẽ chịu sự thúc giục về công việc, cuộc sống suốt năm.
5. Không to tiếng, cãi nhau
Vào những ngày Tết, mọi người thường cố giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng dù có khó chịu đến thế nào. Người lớn tránh quát mắng, trẻ con không khóc lóc để giữ cho hòa khí một năm luôn vui vẻ, hòa thuận.
Cãi vã tạo ra sự ồn ào, hỗn loại đem lại nỗi buồn cho người xung quanh. Trong ngày Tết, người ta thường quan tâm đến nhau, ứng xử vui vẻ, hòa nhã với người thân, hàng xóm, láng giềng.
6. Kiêng đánh vỡ đồ
Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kị.
Tuy nhiên, nếu có người chót đánh vỡ đồ thì cũng không coi đó là việc quá nặng nề.
Đầu năm, người ta thường kiêng cho vay và trả nợ (ảnh minh họa)
7. Không vay – trả nợ đầu năm
Thường nợ nần, cuối năm mọi người đều cố gắng thanh toán hết với nhau. Ngày đầu năm đều tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ.Vì theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn, còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt.
8. Kiêng mai táng để tang vào ngày mùng 1
Ngày mồng Một là ngày vui của tất cả mọi người nên những nhà nào có tang sẽ được cất khăn tang trong vòng ba ngày. Nếu có người mất đúng vào ngày mồng Một thì gia chủ sẽ không phát khăn tang ngay mà để sang sáng mồng Hai, còn nếu nhà có người mất vào ngày 30 thì gia chủ thường thực hiện tang lễ trong ngày hôm đó tránh để sang ngày mồng Một. Những gia đình có tang tránh đi chúc Tết, thăm hỏi người khác.
9 . Kiêng vỗ vai, quàng vai người khác
Một số người cho rằng khi bị người khác vỗ vai, quàng vai vào dịp Tết, họ sẽ bị xui xẻo, gặp chuyện buồn về tình duyên hay hạnh phúc gia đình, cả năm “bị đè đầu, cưỡi cổ”.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa, ngày nay không nhiều người câu nệ việc này.
10. Kiêng để thùng gạo, cối xay trống ngày đầu năm
Ở một số vùng quê, người ta tin rằng việc để cối giã gạo, thùng gạo trống đầu năm sẽ dẫn tới mất mùa, làm ăn thất bát trong năm mới.