Trở về sau 4 năm trong tay cướp biển Somalia: Không tin đó là sự thật
- Thứ hai - 24/10/2016 23:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nó về thật rồi
Ngày 24/10, sau khi báo chí đưa tin về việc có ba thuyền viên người Nghệ An và Hà Tĩnh đi xuất khẩu lao động làm nghề đánh cá trên tàu cá của Đài Loan bị bọn cướp biển Somalia bắt bốn năm sau mới thả về. PV Tiền Phong tìm về gia đình ông Phan Xuân Linh (trú tại xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), bố của thuyền viên Phan Xuân Phương. Trong căn nhà cấp 4 nằm sâu trong xóm vang tiếng cười nói của bà con lối xóm đến động viên, chúc mừng gia đình ông Linh. Cách đây 4 năm, vợ chồng ông Linh như điên như dại khi nhận được hung tin con mình bị cướp biển bắt.
“Cứ nghĩ số phận thằng Phương hẩm hiu, vợ tôi suốt ngày khóc than. Hôm nay cũng khóc, nước mắt cũng chảy dài như bốn năm qua, nhưng là nước mắt vui mừng. Cứ nghĩ cha con không bao giờ gặp nhau được nữa. Nào ngờ, thằng Phương bằng da bằng thịt sắp trở về với thân già này rồi”, ông Phan Xuân Linh vừa nói vừa lấy ấm nước chè xanh mời bà con láng giềng sang chia vui.
Anh Phan Xuân Phương (SN 1989) là con trai thứ 3 trong gia đình có 4 người con của vợ chồng ông Linh. Do cuộc sống gia đình khó khăn nên hai anh, chị đầu lập gia đình xong rồi vay mượn tiền đi xuất khẩu lao động sang Malaysia. Đến đầu năm 2011, gia đình ông Linh cũng thế chấp tài sản vay ngân hàng hơn 25 triệu đồng đóng cho Trung tâm XKLĐ Vinamotor (trực thuộc Tổng Cty Công nghiệp ôtô Việt Nam, có trụ sở ở Hà Nội) để Phương đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, hy vọng kiếm tiền nuôi gia đình. Khi sang nước người, Phương làm thuyền viên trên tàu câu cá ngừ với mức lương 300 USD/tháng.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh cùng hai con nhỏ mong ngóng anh Nguyễn Văn Xuân trở về.
Trong một dịp ra khơi đánh bắt cá, lênh đênh 11 tháng chưa trở về đất liền, tàu nơi anh Phương làm việc bị cướp biển Somalia tấn công. Tháng 5/2012, ông Linh choáng váng nhận được cuộc điện thoại của con gọi về thông báo mình và 25 người khác bị cướp biển Somalia bắt giữ.
“Lúc hai vợ chồng tôi đang ngủ thì tiếng điện thoại reo, thấy số nước ngoài nên nghĩ là con gọi về báo tin, vui mừng nghe điện thì Phương giọng thều thào kêu thét “bố mẹ cứu con với”. Phương bị xích lại trên tàu cùng mọi người, thuyền trưởng đã bị bắn chết, cha mẹ kiếm 60.000USD cho chúng nếu không con chết mất... khi nói đến đó thì điện thoại bị tắt. Vợ chồng tôi như điên như dại từ đó đến nay”, ông Linh nhớ lại. Bàn tay nhăn nheo thành nếp, ông Linh run run giở từng trang giấy trong cuốn sổ ẩm ướt ghi lại số điện thoại con gọi về. Đã bao ngày, vợ chồng gọi đi, gọi lại từng số để tìm kiếm thông tin con nhưng vô vọng.
Niềm hy vọng con mình còn sống được nhen nhóm khi đến tháng 8 và tháng 12/2012, vợ chồng ông Linh nhận được hai cuộc điện thoại của con với nội dung xin tiền chuộc. Để cứu con, vợ chồng ông Linh đã vay mượn tiền khắp nơi với lãi suất cao rồi ra Hà Nội tìm Công ty XKLĐ 4 năm trước đã đưa Phương đi để liên hệ với con. Cũng trong thời gian này, vì quá lo lắng cho tính mạng của con, bà Lê Thị Hòa, mẹ anh Phương (PV) bị tai biến, nằm liệt một chỗ. Ngẩn ngơ người qua lại mà ánh mắt bà Hòa vẫn đau đáu nhìn ra cổng, chờ đợi con về.
Sống trong lo sợ
Bốn năm qua, bà Nguyễn Thị Thủy (57 tuổi, trú thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sống trong cảnh thấp thỏm lo lắng khi không biết số phận người con trai sống chết ra sao ở xứ người. Cũng như bao chàng trai khác trong làng, Nguyễn Văn Hạ (35 tuổi), sang xứ người với mong muốn kiếm được đồng tiền để nuôi sống gia đình. Nào ngờ, khi những đồng lương vừa được Cty chi trả cũng là lúc gia đình thuyền viên Hạ nhận hung tin con trai bị cướp biển Somalia bắt giữ đòi tiền chuộc.
Vợ chồng ông Phan Xuân Linh ngóng tin con qua truyền hình.
Người mẹ nghèo cùng vợ anh Hạ ngày ngày lầm lũi vay mượn tiền khắp nơi ra Cty đưa anh Hạ đi xuất khẩu lao động với hy vọng nhỏ nhoi cứu con, cứu chồng. Nhưng tất cả đều trong vô vọng. “Nghe vợ thằng Hạ bảo nó điện về cho biết đang ở nước gì gì đó và sắp được cho lên máy bay để về nhà. “Thôi không nước ngoài nước trong gì nữa hết. Nó về đây khỏe mạnh là phúc nhà to lắm rồi. Cứ ở nhà có mắm ăn mắm, khoai ăn khoai cho có mẹ có con. Bốn năm qua sống trong sợ hãi thế là đủ rồi”, bà Nguyễn Thị Thủy nói như sợ mất con trai một lần nữa.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang, ông Hồ Xuân Trính cho biết, hiện xã mới nắm được thông tin từ phía gia đình. “Gia đình bà Thủy là hộ nghèo trong xã. Trước khi anh Hạ bị bắt giữ, bà Thủy có người con gái bị tử vong ở Ăng Gô La. Năm nay lại có đứa cháu ngoại bị chết đuối. Cả xã vui mừng khi biết anh Hạ trở về sau bốn năm bị bắt giữ”, ông Hồ Xuân Trính cho biết.
Trong căn nhà cấp bốn còn xây dở dang khi chồng bị cướp biển bắt giữ, chị Nguyễn Thị Quỳnh, vợ thuyền viên Nguyễn Văn Xuân (trú tại phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) từ sáng sớm đã rất đông bà con, chòm xóm đến chia vui. Tháng 5/2011, anh Xuân đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan trên tàu đánh cá xa bờ. Khi chồng đi được gần một năm thì nhận được tin bị cướp biển bắt giữ. “Bốn năm qua đêm nằm ngủ, tôi ôm con vào lòng mà nước mắt cứ chực trào. Thương ba đứa con thơ dại không biết sống ra sao nếu bố không trở về. Cảm ơn trời Phật đã đưa anh ấy trở về với mẹ con chúng tôi”, chị Nguyễn Thị Quỳnh vui mừng chia sẻ.
Chị Quỳnh cho biết, ngày 22/10 và 23/10, anh Xuân điện thoại về thông báo đã được thả và chuẩn bị về nước. “Nghe chồng nói trong điện thoại tôi mừng quá cứ nghẹn lại. Khi anh ấy đi đứa con nhỏ chưa đầy 8 tháng tuổi. Mấy năm nay cháu cứ suốt ngày hỏi bố ở đâu không thấy về làm tim tôi thắt lại. Thôi không đi đâu nữa hết. Lần này về vợ chồng cố mò mẫm con cua, cái ốc ở sông Quyền này để có nhau”, chị Quỳnh nói.
Sớm đưa 3 thuyền viên Việt về nước Ngay sau khi nhận được thông tin về việc 26 thuyền viên thuộc tàu FV Naham 3, trong đó có 3 thuyền viên Việt Nam, bị cướp biển Somalia bắt cóc từ tháng 3/2012 sẽ được thả và đưa về Kenya, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania cử cán bộ sang Kenya hỗ trợ, giúp đỡ, hoàn thiện thủ tục để sớm đưa họ về nước. Ngày 23/10, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania tới sân bay Kenyatta đón, động viên 3 thuyền viên Việt Nam. Nhìn chung, sức khỏe của họ ổn định; sau khi được kiểm tra sức khỏe, họ sẽ được tổ chức Chương trình hỗ trợ con tin (thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc) chuyển giao cho đại diện Đại sứ quán. Ngày 22/10, các quan chức chính phủ Somalia thông báo, nhóm thủy thủ Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia…bị cướp biển bắt giữ trên Ấn Độ Dương cách đây 4 năm đã được thả. Tháng 3/2012, tàu FV Naham 3 mang cờ Oman chở những thuyền viên này bị cướp biển tấn công gần Seychelles. Họ bị giữ ở Dabagala gần thị trấn Harardheere, cách thủ đô Mogadishu của Somalia khoảng 400 km. Nhóm cướp biển được cho là đã đưa các thuyền viên lên bờ sau khi FV Naham 3 bị chìm hơn 1 năm sau vụ cướp tàu. Bình Giang |