Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Nơi làm bà ở tuổi 26

Nơi làm bà ở tuổi 26
Câu chuyện buồn của tục “cướp vợ”. Những thiếu nữ chưa đến tuổi trăng rằm nhưng đã vào đời làm vợ, làm mẹ, thậm chí làm bà ngoại ở tuổi... 26 nơi thâm sơn cùng cốc. Và “tử thần lá ngón” được xem là “trợ lực” của những đám cưới tuổi măng non khi gặp biến cố trong hôn nhân.

Lệ làng

Trên những đỉnh núi cao bốn mùa chìm trong sương mù bao phủ, nơi heo hút rừng xanh là những bản làng dân cư thưa thớt. Vượt qua những con đèo quanh co, một bên vách đá cao, một bên vực sâu hun hút, con đường mòn cứ mỗi lúc một dài thêm. Xuất phát từ sáng sớm nhưng đến giữa trưa chúng tôi mới đến được xã rẻo cao Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Một già làng cho biết, chỉ cần ở núi cao nhất dù điều kiện, hoàn cảnh có khó khăn đến đâu thì người Mông vẫn thích nghi sống được.

“Mỗi năm có khoảng 10 trường hợp tử vong do ăn lá ngón, trong đó có khoảng 3 - 4 trường hợp bị phản đối hôn nhân tuổi vị thành niên”.

Ông Hạ Bá Lỳ

Vừa bước chân đến bản Huồi Ức 2 (xã Huồi Tụ), đập vào tai là tiếng nhạc, tiếng hò reo ầm ĩ phát ra từ thung lũng. Trên một khoảng sân rộng, trai gái trong bản đang nắm tay nhau nhảy múa quanh vò rượu. Thấy khách lạ, anh Và Xí Mùa trưởng bản Huồi Ức 2 ra đón, “Hôm nay trong bản có đám cưới, vui lắm, mời các anh vào nhà uống rượu cần với dân làng!”, Trưởng bản Mùa nói. Không thể chối từ lời mời chân thành của người bản địa, tôi hòa vào đám đông, cầm chén rượu ngồi xuống và ngoan ngoãn làm theo hiệu lệnh của chủ xị. Thứ rượu ủ bằng men lá cây rừng, vị ngô ngọt bùi, cay cay, đượm nồng thoang thoảng. Chủ xị miệng hát bài ca thổ ngữ, tay cầm chén rượu. Một vòng là một hiệp.

“Bữa ni dân làng mổ bò ăn mừng đám cưới của Và Y Dờ. Cách đây 4 ngày, Dờ được Xòng Bá Dày sang bắt về làm vợ. Đến hôm qua thì gia đình, họ hàng nhà Dày đưa lễ vật sang. Được sự đồng ý nên hai bên tổ chức đám cưới”, Trưởng bản Và Xí Mùa nói. Đáng ngạc nhiên vì năm nay Và Y Dờ chỉ mới 12 tuổi. Mẹ của Dờ cùng với mẹ của Dày lại là chị em ruột.

 

Hờ Y Xùa chuẩn bị lên rẫy.

Tôi ngồi lặng đi, cố gắng cắt nghĩa chuyện trưởng bản Mùa vừa kể. Thấy chúng tôi bần thần, trưởng bản Và Xí Mùa giải thích: “Lạ lắm hả? Ở đây, con gái 12 – 13 tuổi là độ tuổi đẹp nhất để lấy chồng rồi đó. Nếu qua 15 tuổi thì xem như đã... ế chỏng vó. Tuy là anh em họ hàng về phía mẹ nhưng hai đứa chúng nó không cùng một họ thì vẫn có thể lấy nhau bình thường. Trước giờ vẫn thế mà!”. Miệng nói vậy, nhưng ánh mắt trưởng bản Mùa đượm buồn.

Quyết tâm xóa bỏ thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết nhưng bản thân anh Mùa đã gặp phải trường hợp tương tự, cũng đành bất lực. Đầu năm 2016, con gái thứ hai của anh Mùa tên là Và Y Lìa (SN 2003) bị Lầu Bá Nhìa ở bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) bắt về làm vợ, khi cháu mới 13 tuổi. Khi biết sự việc thì anh Mùa viết đơn để kiện ra tòa “mong pháp luật đưa con về”.

“Nó còn nhỏ dại, việc nhà làm chưa được thì sao đi lấy chồng. Thương con, tôi viết đơn kiện thì họ hàng kéo nhau tới. Cả họ Và phản đối quyết liệt việc tôi ngăn cấm không cho cưới”, anh Mùa cho biết thêm. Bị thúc ép từ dòng họ nên anh Mùa buộc phải đồng ý cho con về Huồi Pốc với chồng. Theo tập tục của người Mông, nếu nhà gái không cho cưới thì nhà trai sẽ cử trưởng họ đứng ra kiện lại nhà gái. Kể từ đó, trai gái họ Và sẽ không được lấy trai gái họ Lầu. Nếu muốn qua lại thì phải nộp phạt số tiền 12 triệu đồng vì lỗi ngăn cấm trước đó. Được biết, bản Huồi Ức 2 có 36 hộ dân, 190 nhân khẩu, cuộc sống gắn liền với nương rẫy. Núi cao vực sâu, đời sống người dân cứ thế chập chờn giữa thung lũng tứ bề non cao bao bọc.

 

Những đứa trẻ vùng cao tại bản Huồi Ức 2, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An)

Bà ngoại 26 tuổi

Chúng tôi rời Huồi Ức 2 để tới bản Phà Bún, xã Huồi Tụ. Trên đường đi gặp Hờ Y Xùa (SN 1988) đang gùi vật dụng, lương thực vào rẫy. Qua vài câu hỏi làm quen, Xùa cùng tôi về nhà mẹ đẻ gần đó. Căn nhà lụp xụp nằm ven đường, đứa con 2 tuổi của Xùa thấy mẹ về liền chạy ra đòi bế. Khuôn mặt nám đen hiện lên những nếp nhăn vì sương gió, Xùa kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Lúc Xùa 13 tuổi (năm 2001) độ tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ Mông, trong một lần đi chợ biên ở xã Nậm Cắn, Xùa gặp Lầu Tông Chùa (bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn) và hai người đem lòng thương nhau. Sau đó, Chùa sang bắt Xùa về làm vợ. Gia đình Xùa đồng ý, đám cưới tưng bừng được tổ chức.

Cuối năm đó Xùa sinh được một cô con gái, cuộc sống vợ chồng trở nên dễ chịu hơn khi có đứa con ngoan. Hằng ngày vợ chồng lên nương rẫy, trỉa ngô trồng lúa nuôi con. Rồi ít năm sau, đứa thứ hai, thứ ba lần lượt ra đời. Sự vất vả bởi gánh nặng kinh tế của gia đình đông miệng ăn cũng bắt đầu đè lên đôi vai hai vợ chồng trẻ. Năm 2014, con gái đầu lòng của Xùa tròn 13 tuổi. Cũng giống với mẹ, con gái Xùa đi chợ biên Nậm Cắn rồi thương một chàng trai bên đó. Vợ chồng Xùa gật đầu đồng ý, rất nhanh Xùa có cháu ngoại ở tuổi 26.

Trước đó, khi sinh đứa con thứ ba, Xùa và chồng ăn ở với nhau không hợp, nảy sinh mâu thuẫn nên Xùa đưa ba con về nhà mẹ đẻ tại bản Phà Bún. Những năm qua, Xùa chăm chỉ làm ăn, trồng lúa, trồng ngô một mình nuôi ba con nhỏ. Cuộc sống khắc nghiệt, đói nghèo bủa vây khiến Xùa già đi trước tuổi. Lầm lũi từ nhà lên rẫy, đời Xùa cứ quanh quẩn trong vòng vây cơm áo giữa trùng điệp núi rừng.

 

Những đứa con của bà ngoại 26 tuổi.

Đối với đồng bào thiểu số miền Tây - Nghệ An, lá ngón là dược thảo kịch độc quen thuộc. Tại những con đường xung quanh mỗi bản làng, lá ngón mọc rải rác hai bên đường, trong bụi cây, khóm cỏ. Bởi tính độc dược mạnh nên lá ngón được coi là “lưỡi hái tử thần” với người dân miền sơn cước. Biết bao vụ việc đau lòng đã xảy ra, gia đình tan nát, trẻ bơ vơ mất mẹ cũng từ lá ngón.

Với người Mông, nếu gia đình nào có người ăn lá ngón tự tử thì sẽ chịu sự trừng phạt của dòng họ, sẽ bị xa lánh, hắt hủi, mang tội suốt đời và có thể còn bị đẩy đuổi ra khỏi bản. Điều này vô hình trung, lá ngón trở thành phương thuốc giải thoát cho những bi kịch tảo hôn. Khi bị gia đình phản đối yêu đương, cưới xin, rất nhiều đôi lứa đã tìm đến lá ngón để ép dọa. Nếu không được chấp thuận, tai ương có thể ập đến tức thì.

Trưởng bản Và Xí Mùa kể: “Nhiều trường hợp bố mẹ không cho lấy, chúng nó lại kéo nhau đi ăn lá ngón. Ăn lá ngón thì gặp phải sự trừng phạt của dòng họ nên không bố mẹ nào dám ngăn cấm nữa, đành chấp nhận cho chúng nó cưới nhau thôi!”. Sự lo ngại của anh Mùa là vấn đề “quan ngại sâu sắc” của bất cứ bậc phụ huynh nào ở vùng cao.

Ông Hạ Bá Lỳ, Phó Chủ tịch xã Huồi Tụ cho biết: “Trong những năm qua, xã đã tích cực hơn trong giáo dục giới tính, tuổi dậy thì. Kiên quyết xử phạt bằng tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với các trường hợp tảo hôn. Tuy nhiên, trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn diễn ra. Mỗi năm có khoảng 10 trường hợp tử vong do ăn lá ngón, trong đó có khoảng 3 – 4 trường hợp bị phản đối hôn nhân tuổi vị thành niên”. Được biết, xã Huồi Tụ có 4.300 nhân khẩu, 860 hộ, đồng bào Mông chiếm 95% dân số.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vi Văn Bích, Phó phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết: “Năm nào cán bộ, chuyên viên của phòng cũng về tận cơ sở để tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật. Vấn đề tảo hôn xử lý cực kỳ khó khăn bởi đặc thù của đồng bào dân tộc ít người. Theo sự chỉ đạo thì gia đình nào có con em tảo hôn sẽ không được đăng ký kết hôn”. Cuộc đời như chị Xùa, Và Y Dờ hay con gái trưởng bản Và Xí Mùa sẽ lại trong vòng xoay của điệp khúc túng quẫn, nghèo đói và trầm buồn giữa điệp trùng hủ tục. Những số phận thiếu nữ rẻo cao sau này có thoát ra được hay tiếp tục chìm đắm trong “lệ làng”?

Nguồn tin: eva.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây