Cô gái Việt làm dâu Canada, ở chung một tháng mẹ chồng thường xuyên ra khách sạn ngủ
- Thứ tư - 09/09/2020 00:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
5 năm kết hôn, chị Minh Phương và anh Dalen đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc ở Canada bên nhóc tỳ nhí Ryan. Hiện nay, cuộc sống mỗi ngày của chị diễn ra bận rộn vì ngoài làm quản lý sáng lập trung tâm dạy ngoại ngữ tiếng Hoa và tiếng Việt ở Toronto, làm Youtube, chị còn phải chăm con và chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Dẫu vậy, chị vẫn luôn yêu cuộc sống bận rộn ấy vì được làm những điều mình thích, được chồng và gia đình chồng yêu mến ủng hộ.
Vợ chồng chị Phương và mẹ chồng.
Chị Minh Phương và anh Dalen quen nhau ở Trung Quốc khi cả 2 đều học thạc sĩ, tiến sĩ ở đây. Ấn tượng ban đầu của chị là rất ghét anh vì vậy dù sống cùng khu ký túc xá, người tầng 8, người tầng 9 nhưng cả 2 đều không gặp gỡ, nói chuyện với nhau nhiều. Mãi sau khi chị Phương nhờ anh Dalen đóng kịch hỗ trợ buổi thuyết trình của mình, chị mới thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về anh. Chị nhận thấy anh là người tốt và cả 2 trở thành bạn tốt của nhau trong vòng 6 tháng trước khi anh Dalen cầm cưa chị.
Được biết, chị Phương và anh Dalen yêu nhau 4 năm mới tiến tới hôn nhân. Năm 2012, anh Dalen rủ mẹ về Việt Nam du lịch và chị có cơ hội gặp mẹ chồng tương lai. Lần đầu gặp, chị Phương bị ấn tượng bởi sự hiện đại, sexy dù mẹ chồng đã hơn 60 tuổi. Bà có hàng trăm bộ trang sức và hàng trăm bộ đồ để thay đổi. Không chỉ vậy, bà còn là người vô cùng trau chuốt vẻ bề ngoài, một ngày có thể thay 5-6 bộ quần áo, 5-6 bộ trang sức mỗi lần ra ngoài.
Khác với những nàng dâu Việt trong lần ra mắt đầu tiên thường xưng hô với mẹ bạn trai bằng bác, cô hoặc dì, chị Phương được mẹ chồng đề nghị gọi bằng tên vì không muốn già và để thân mật hơn với nhau.
“Lần đầu tiên gặp mẹ anh, mình thấy hơi mắc cười vì mẹ bảo "Thôi gọi cô, dì già lắm, sao không gọi bằng tên cho thân mật". Vậy là mình và mẹ anh cứ xưng hô bằng tên. Mãi sau cưới, mình mới chuyển xưng bằng “mom”, chị Phương chia sẻ.
Mẹ chồng là áo cho chị.
Đối với chị Phương, mẹ chồng vô cùng hiền và thân thiện. Mẹ chính là người cùng chồng lên kế hoạch cầu hôn chị khi đi du lịch ở đảo Bali, Indonesia. Mẹ còn chăm chút là ủi chiếc áo dài để cho chị đẹp nhất trong ngày hạnh phúc được ông xã cầu hôn.
Chia sẻ về cuộc sống làm dâu của mình ở Canada, chị Phương cho hay, ở Canada không có khái niệm làm dâu và từ làm dâu cũng không dịch được sang tiếng Anh bởi ở đây mọi người chỉ nghĩ đơn giản sau đám cưới con cái có cuộc sống riêng, không hề có chuyện làm dâu hay làm rể.
Sau kết hôn, bố mẹ chồng coi chị như những người con bình thường, không hề răn đe hay dạy bảo. Thậm chí, bố mẹ chồng chị luôn tôn trọng con cái, để con có suy nghĩ cuộc sống riêng và xem con cái như bạn bè. Lâu lâu, chị lại cùng mẹ chồng đi mát xa chung, đi làm móng chung 1-2 lần/tháng.
“Người phương Tây và người châu Á có cách quan tâm khác nhau. Với người châu Á giữa cha mẹ và con cái luôn gần gũi như ba mẹ mình chăm mình từng ly từng tí, ngày nào cũng gọi điện nói chuyện còn người phương Tây cha mẹ giữ khoảng cách với con cái vì sợ làm phiền nhau. Hầu như mỗi tháng cha mẹ và con cái chỉ gặp nhau 1-2 lần và cả năm gặp nhau chưa tới 10 lần vì bố mẹ sợ làm phiền con cái và ngược lại con cái sợ làm phiền không gian riêng tư của bố mẹ.
Việc chăm cháu ở phương Tây cũng khác Việt Nam, mình sinh con tự chăm, cũng không muốn làm phiền bố mẹ mà để bố mẹ nghỉ ngơi”, chị Phương chia sẻ sự khác biệt.
Mặc dù, bố mẹ Tây luôn giữ khoảng cách với con cái nhưng họ lại có những cách bộc lộ khác nhau vô cùng ngọt ngào bằng việc viết thiệp chúc mừng sinh nhật, chúc mừng ngày của cha mẹ và gửi qua bưu điện. Đối với chị Phương, đó là điều giản dị nhưng vô cùng ngọt ngào, ấm áp.
Thậm chí, ở Canada, đêm Noel, mẹ vẫn đọc truyện ông già Noel cho con nghe. Đến bây giờ dù 2 vợ chồng chị Phương đã 31 tuổi, có con nhỏ nhưng đêm Giáng sinh nào, mẹ chồng chị cũng gọi để đọc truyện cho vợ chồng chị. Không những vậy, dù lớn rồi nhưng mẹ chồng vẫn cột tóc, thắt bím cho chị.
“Mẹ chồng mình có 2 người con trai, không có con gái, đến cháu gái cũng hiếm nên bà rất quý con gái. Lâu lâu bà lại đè đầu mình ra cột tóc, thắt bím cho mình nên nhiều khi mình thấy buồn cười. Phải nói cách quan tâm của họ có sự ngọt ngào, tinh tế mặc dù giữ khoảng cách với nhau”, chị Phương cười.
Mẹ chồng yêu thương chị như con gái.
Tuy nhiên, có những phong tục, thói quen và sở thích của mọi người ở đây khác khiến thời gian đầu chị sang làm dâu khá bất ngờ và bỡ ngỡ. Chị Phương kể, sau khi vợ chồng chị học xong ở Trung Quốc về Canada sinh sống, do chưa tìm được nhà riêng nên vợ chồng chị ở chung với mẹ chồng tháng đầu tiên.
Ở Việt Nam, con dâu nấu ăn cho mẹ chồng là chuyện bình thường nhưng ở Canada, mỗi lần chị nấu ăn mời mẹ chồng, bà lại rất khách sáo. Bà còn hỏi chị có phải trả tiền cho bữa ăn không? Phải trả bao nhiêu tiền để chuyển khoản. Cứ ăn xong, bà lại nói “Cảm ơn” rồi hỏi số tài khoản của chị để trả tiền. Sự khác biệt văn hóa ấy, sự sòng phẳng ấy khi con dâu nấu ăn cho mẹ, mẹ đòi chuyển khoản khiến mới đầu chị cảm thấy hơi sốc. Dần dần, ở đây lâu chị mới hiểu người dân ở Canada đều sòng phẳng như vậy.
“Khoảng thời gian ở chung 1 tháng có hôm mẹ 11h vẫn chưa về, mình lo nên nói với chồng. Anh nói mẹ nhắn tin “Hôm nay mẹ không về, mẹ ở khách sạn để 2 con có khoảng thời gian riêng tư”. Mình cảm thấy rất sốc luôn sao mẹ khách sáo quá. Sau này quen rồi, mình thấy đó là cách suy nghĩ, phong tục, tập quán khác nhau giữa người phương Tây và người Châu Á thôi.
Có những phong tục, thói quen cũng hơi khác chút nhưng những ngày lễ Tết, cả gia đình ngồi với nhau xem bóng chày suốt 4-5 tiếng đồng hồ liền. Ngày lễ tạ ơn, sau khi cả nhà ngồi ăn uống linh đình, ngồi xem bóng chày 4-5 tiếng, mình ngồi chán lắm vì không hiểu gì hết dẫu ông xã có giải thích từng quy luật”, chị Phương nhớ lại.
Thời gian đầu có những phong tục, tập quán khác khiến chị bỡ ngỡ.
Chị Phương bộc bạch, chồng chị luôn nói tốt chị với mẹ chồng và ngược lại anh cũng luôn nói tốt mẹ chồng với chị nên mối quan hệ của chị với mẹ chồng vô cùng tốt đẹp. Theo chị Phương, để giữ được mối quan hệ này, mọi người nên đối xử ngọt ngào, yêu thương mẹ chồng như mẹ ruột. Dẫu vậy, mọi người cũng luôn phải tuyệt đối giữ khoảng cách, sống riêng, không nên sống chung với bố mẹ chồng. Đặc biệt, mọi người nên tự lập tài chính, không nên phụ thuộc vào tài chính của nhau. Như vậy mối quan hệ này sẽ luôn bền vững và tốt đẹp.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/co-gai-viet-lam-dau-canada-me-chong-u70-ra-khach-san-...