Tổng giám đốc CGV nói gì khi bị khán giả Việt lên tiếng tẩy chay?
- Thứ sáu - 19/08/2016 23:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau khi thông tin bộ phim Tấm Cám – Chuyện chưa kể không được công chiếu tại cụm rap CGV, được phía nhà sản xuất VAA và nhà phát hành BHD cho biết là do CGV đưa ra yêu cầu phân chia tỉ lệ phòng vé có phần không thỏa đáng nên không đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Phía công ty VAA cũng cho rằng, đây là bộ phim Việt được đầu tư chỉn chu với kinh phí khá cao nên cần có sự hỗ trợ và chia sẻ những vấn đề kinh phí. Ngoài việc ủng hộ cho phim, chia sẻ với nhà sản xuất về kinh phí còn là mục đích thúc đẩy phim Việt được khán giả Việt ủng hộ và đến gần với công chúng hơn.
Với những thông tin từ phía công ty VAA đưa ra đã nhanh chóng dấy lên một làn sóng dư luận khá mạnh mẽ, không ít người đã lên tiếng tẩy chay cụm rạp CGV vì cho rằng đang “chèn ép” phim Việt. Nhưng ngược lại, cũng có một số ý kiến cho rằng đây là thương trường – cũng là “chiến trường” cho nên sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi và cũng là chuyện “thuận mua – vừa bán”. Việc thỏa thuận không hợp lý phía CGV có quyền không phát hành phim Tấm Cám – Chuyện chưa kể.
Ngô Thanh Vân khóc nghẹn khi chia sẻ bộ phim không được ra rạp CGV
Ngay sau đó, phía CGV đã nhanh chóng phản hồi lại những thông tin mà phía công ty VAA – đại diện là nhà sản xuất – đạo diễn Ngô Thanh Vân đưa ra. Phía CGV khẳng định, không có chuyện chèn ép phim Việt như những thông tin trên. Và CGV cho biết thêm, chính công ty BHD đã chính thức từ chối cung cấp phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể cho hệ thống rạp CGV vì không đạt được thỏa thuận kinh doanh như BHD yêu cầu.
Khi dư luận còn chưa lắng xuống, phía nhà phát hành CGV cũng đã tiếp tục đưa ra thông tin phản hồi về những ý kiến trái chiều dành cho mình, đặc biệt là về việc khán giả lên tẩy chay CGV là một việc rất không thỏa đáng và thông tin sai lệch.
Tẩy chay CGV vì không đồng ý chiếu phim Việt?
Nhiều khán giả đã lên tiếng tẩy chay CGV vì không đồng ý chiếu phim Việt, cụ thể là Tấm Cám – Chuyện chưa kể vì đòi hỏi quyền lợi và chèn ép các phim do Việt Nam sản xuất. Họ sẽ tẩy chay và không xem phim tại CGV. Đại diện CGV cho rằng, khai thác lòng tự tôn dân tộc cho lợi ích thương mại cá nhân sẽ là một sự xúc phạm đến cộng đồng.
Về tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé, như trong thông cáo báo chí BHD công bố vào ngày 17/8/2016 có nói “CGV chính thức xác nhận không đồng ý tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé do BHD đưa ra 50%- 50%”, phía CGV khẳng định đây là thông tin hoàn toàn không chính xác.
“Chúng tôi cũng muốn khẳng định thêm rằng tất cả các con số đưa ra về tỉ lệ này là 70%-30%, 65%-35%...là hoàn toàn sai lệch và không có căn cứ. Chúng tôi bảo đảm tỷ lệ phân chia phòng vé áp dụng cho bộ phim này cũng là tỷ lệ chúng tôi đã và đang làm việc với các đơn vị phát hành khác. Do các điều khoản bảo mật ràng buộc trong hợp đồng nguyên tắc ký kết giữa các bên, chúng tôi không được phép cung cấp số liệu cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi có đầy đủ thông tin và tư liệu để cung cấp cho các cơ quan chức năng khi cần thiết”, phía CGV nhấn mạnh.
Ngoài ra, nói về tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé, CGV cho biết, việc này còn được đánh giá dựa trên tiêu chí chất lượng của đội ngũ sản xuất, diễn viên và đội ngũ phát hành phim. Cùng với tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé, thì số lượng suất chiếu, rạp chiếu và giờ chiếu mới là những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định mang lại doanh thu tối đa cho đơn vị phát hành và nhà sản xuất. Cho dù tỉ lệ này cao nhưng số lượng suất chiếu, rạp chiếu và giờ chiếu không phù hợp thì cũng ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu cuối cùng. Đối với nhiều bộ phim nước ngoài, các nhà sản xuất không đặt trọng tâm vào tỉ lệ phân chia doanh thu phòng vé mà quan tâm hơn tới thời gian chiếu và suất chiếu.
Đối với phim Việt, phía CGV cũng chia sẻ CGV luôn dành các suất chiếu tốt nhất cho các phim có chất lượng cao và được công chúng đón nhận. Như phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ anh, tổng số suất chiếu là 7.683 suất; phim 49 ngày là 8.775 suất; phim Chàng trai năm ấy là 4.802 suất và 917 suất chiếu Arthouse; phim Ngày nảy ngày nay là 3.978 suất; Gái già lắm chiêu là 3.291 suất...
Riêng bộ phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể thì con số mà CGV đưa ra khá ấn tượng: “Với bộ phim Tấm Cám – Chuyện chưa kể, dựa trên thỏa thuận về tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé, chúng tôi còn khẳng định sẽ hỗ trợ chiếu trên hệ thống 35 cụm rạp của CGV trên toàn quốc với số lượng màn hình tối đa vào các giờ vàng. Có thể đưa ra con số cụ thể dự tính về doanh thu cho bộ phim này như sau: CGV có thể hỗ trợ khoảng 10.000 suất và đạt doanh thu khoảng 30 tỷ (nếu số lượng người mua vé chiếm khoảng 25% trên tổng số ghế ngồi của toàn bộ hệ thống cụm rạp)”.
Ngược lại, khi nói về việc cụm rạp BHD trong việc hỗ trợ các phim do CGV phát hành thì đây là một con số khá khiêm tốn, CGV cho biết: “Theo số liệu thống kê trong năm 2015, một số phim Việt Nam do chính công ty CGV phát hành tại Việt Nam như Truy sát, Ma dai, Già gân…cụm rạp BHD chỉ hỗ trợ cho các bộ phim Việt này trung bình từ 400 – 900 suất chiếu với tổng số ngày chiếu chỉ khoảng 30 ngày. Bên cạnh đó cần nhắc đến bộ phim Ám Ảnh của chúng tôi vào dịp tết 2016 thì BHD cũng đã từ chối hỗ trợ chiếu phim này. Với bộ phim Găng tay đỏ sắp phát hành vẫn chưa nhận được thông báo sẽ hỗ trợ từ đơn vị này mặc dù chỉ còn 2 tuần nữa đã công chiếu toàn quốc”.
CGV sẽ kiện những doanh nghiệp đã khiếu nại
Về vụ việc 8 doanh nghiệp sản xuất phim (gồm BHD, Galaxy Studio, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, ER và VAA) đăng tin khiếu nại CGV vào giữa tháng 5/2016, thì phía CGV đã báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền là Cục quản lý cạnh tranh. Theo đó, CGV cho biết đang kiện toàn hồ sơ để khởi kiện các đơn vị nêu trên về hành vi gièm pha doanh nghiệp khác theo luật cạnh tranh.
Ông Dong Won Kwak – Tổng Giám đốc công ty CJ CGV Việt Nam cũng có những chia sẻ về hàng loạt các sự việc ồn ào trong thời gian gần đây, ông nói: “Không có bất kỳ doanh nghiệp nào có thể đột nhiên thay đổi thỏa thuận cho một thương vụ trong khi không hề có một lý do thuyết phục nào, đặc biệt là lý do ấy lại hoàn toàn vô căn cứ và được xuyên tạc bởi tin đồn bắt nguồn từ một nhóm người lợi dụng lòng tự tôn dân tộc nhằm thỏa mãn lợi ích cá nhân”.
Ông cũng cho rằng, một số nhóm người vì vụ lợi cá nhân có thể lừa dối mọi người trong một thời gian ngắn, hoặc thậm chí với một vài người trong khoảng thời gian dài, nhưng sẽ không bao giờ có thể đánh lừa tất cả mọi người.
“Nếu ai đó nghĩ rằng khách hàng Việt Nam sẽ tẩy chay CGV do thông tin sai lệch được cung cấp bởi một nhóm nhỏ những người không quan tâm đến pháp luật và đang cố gắng khai thác lòng tự tôn dân tộc cho lợi ích thương mại cá nhân, sẽ là một sự xúc phạm đến cộng đồng. Sự thất vọng lớn nhất, không chỉ bất lợi cho CGV chính là việc nhìn thấy một tình huống không mong muốn khi mà môi trường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch mà CGV và các cổ đông chân chính của ngành công nghiệp điện ảnh đang dốc sức tạo dựng, lại bị hủy hoại vì một tin đồn vô căn cứ và thông tin sai lệch được truyền bá bởi một nhóm nhỏ, những thành phần đặt lợi ích cá nhân lên trên sự phát triển bền vững của cả một nền công nghiệp”, ông Dong Won Kwak khẳng định.
Có lẽ cuộc chiến của CGV và các nhà phát hành khác tại Việt Nam, hiện tại cụ thể là BHD và VAA vẫn chưa đi đến hồi kết khi liên tục các bên đưa ra các thông tin phản pháo lẫn nhau và ai cũng có những lý lẽ khẳng định quan điểm của mình.
Những sự cạnh tranh này không phải là điều gì mới mẻ, nhưng từ trước đến nay, tất cả chỉ diễn ra trong âm thầm, các nhà phát hành và nhà sản xuất ngồi lại với nhau. Nếu không đạt đến thỏa thuận thì không hợp tác. Trong sự việc lần này, phía công ty VAA và BHD đã mạnh dạn lên tiếng và nhanh chóng được dư luận quan tâm. Không ít người ủng hộ quan điểm ủng hộ phim Việt như cách Ngô Thanh Vân đã chia sẻ. Thế nhưng, cũng không loại trừ những ý kiến cho rằng Ngô Thanh Vân và BHD dựa vào phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể để làm con "át chủ bài" nhằm ép nhà phát hành phải chấp nhận thương lượng vì nếu bỏ qua bộ phim này cũng sẽ là một thiệt thòi về doanh thu.
Hôm nay, 19/8 cũng là ngày bộ phim của Ngô Thanh Vân được chính thức ra rạp. Tất cả còn phụ thuộc vào sự thành công của phim khi đến với khán giả, sự đón nhận của khán giả như thế nào mới có thể biết được "cuộc chiến" này công ty VAA và BHD thắng hay phải hối hận vì đã "đối đầu" với nhà phát hành phim lớn nhất tại thị trường Việt Nam.
Băng Châu