Quãng đời cơ cực trước khi nổi tiếng của 4 danh hài đất Bắc
- Thứ bảy - 24/09/2016 20:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
NSƯT Quang Thắng từng làm lơ xe, buôn quần áo
Nghệ sĩ Quang Thắng tên thật là Đặng Quang Thắng, sinh năm 1968 tại Hải Phòng. Người ta biết đến Quang Thắng với những vai diễn trên truyền hình, đặc biệt là chương trình “Gặp nhau cuối năm”. Năm 2015, với những đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật, Quang Thắng đã được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Tốt nghiệp trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng năm 1989 nhưng sau khi ra trường, Quang Thắng chủ yếu diễn ở tỉnh. Đó cũng là quãng thời gian khó khăn nhất với anh. Anh đã phải “xoay” đủ nghề để kiếm sống. Lúc đầu anh đi làm thuê cho một gia đình trong đoàn kịch Hải Phòng. Công việc hàng ngày của anh là hàng quần áo từ Hải Phòng lên chợ Đồng Xuân bỏ mối rồi tối lại bắt xe về Hải Phòng để đi diễn.
Công việc này không kéo dài được lâu vì đơn hàng ngày càng ít đi và thu nhập càng lúc càng “hẻo”. Trước hoàn cảnh đó, Quang Thắng “nhảy” qua làm lơ xe (tuyến Hà Nội - Hải Phòng) kiêm luôn bốc vác cho chủ xe để có thêm đồng ra đồng vào.
Cuộc sống cơ cực quá, đã có lúc anh hối hận vì theo nghề diễn và chỉ muốn bỏ sân khấu đi buôn nhưng nghiệp tổ đã gắn vào thân nên lại gắng gượng chèo chống. Đã có lúc Quang Thắng bộc bạch: “Nếu được chọn lại từ đầu, tôi sẽ không chọn nghề diễn viên vì nó quá bạc bẽo”.
Nói là vậy nhưng khi đứng ở sự thành công nhìn lại quãng đường mình đã đi qua, Quang Thắng cũng thầm cám ơn những ngày tháng mưu sinh cơ cực đó. Bởi thời chính những trải nghiệm của những tháng ngày đó đã cho anh thêm bản lĩnh và nghị lực để quyết tâm hết mình với nghệ thuật.
NSƯT Xuân Hinh từng làm nghề bán chó, buôn đồng nát
NSƯT Xuân Hinh sinh năm 1960 trong một gia đình có tới 7 anh chị em ở thôn Yên Việt, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Vì nhà nghèo lại đông con nên tuổi thơ của “vua hài đất Bắc” từng nếm trải nhiều khó khăn, cơ cực.
“Tôi sinh ra trong cái nôi quan họ Bắc Ninh. Bố tôi làm nghề giáo, còn mẹ lo việc gia đình, đồng áng. Nhà tôi đông anh em, 5 trai 2 gái. Tôi lại là con trưởng nên từ nhỏ, những việc từ trông em đến nấu cơm, trồng rau, bắt cua, cất vó, thu mua đồng nát… tôi đều nếm trải hết”, nghệ sĩ Xuân Hinh kể.
Năm 10 tuổi, Xuân Hinh đã học cách đi buôn chó. Anh kể, vì nhà nghèo nên anh phải đi buôn chó lấy tiền ăn học và nuôi các em. Có đêm mang chó đi bán chợ xa, lỡ xe nên phải ngủ lại ở bến. Nửa đêm, lũ chó trong rọ sủa nhiều quá bị người ta mắng, phải thả ra cho chúng khỏi kêu, sáng hôm sau lần mò đi tìm từng con bắt lại.
Năm lớp 7, khi đoàn quan họ về xã tuyển sinh, anh đến ứng tuyển theo kiểu “đi thi cho vui” không ngờ… trúng tuyển. Anh trở thành thành viên của Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh từ đó. Năm 1983, sau 6 năm gắn bó với Đoàn anh lại “dở chứng” thích chèo nên lại đánh liều đăng ký thi vào trường Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và trúng tuyển trong sự ngỡ ngàng của chính bản thân. Thời điểm theo học tại trường, vì gia đình không có điều kiện chu cấp nên anh phải đi làm thêm để tự trang trải. Xuân Hinh từng làm nhiều công việc khác nhau trong đó có cả nghề buôn bán đồng nát.
Tốt nghiệp khóa chèo đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Xuân Hinh được giữ lại làm giáo viên. Con đường công chức tưởng an nhàn nhưng anh thấy mình không thuộc về bục giảng mà thuộc về sân khấu nên xin ra ngoài đi làm. Bỏ trường, anh chạy khắp nơi và cuối cùng đỗ bến tại Nhà hát Chèo Hà Nội. Có thời điểm nghề hát chèo khổ quá, không đủ nuôi thân anh đã phải làm nghề khác kiếm sống. Tuy nhiên, cái nghiệp “con tằm rút ruột nhả tơ” đã vương vào số phận nên cuối cùng anh vẫn phải trụ lại với nghề.
NSND Tự Long từng làm phụ hồ, lơ xe, thợ mộc
NSND Tự Long tên đầy đủ là Vũ Tự Long, sinh năm 1973. Tự Long kể, dù có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ nhưng anh bị bố mẹ cấm theo nghệ thuật vì nghĩ khó xóa cái định kiến “con hát, phường chèo”. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Tự Long thi đỗ khoa Mộc dân dụng, Trung cấp Xây dựng Bắc Ninh. Quãng thời gian đó anh phải làm đủ để kiếm sống. Từ chạy xe ôm, làm thợ mộc, rồi đến thời để đầu trọc làm lơ xe tuyến Hà Nội - Bắc Giang - Kép Mẹt.
Nhắc về khoảng thời gian này, Tự Long chia sẻ hài hước: “Nếu ai có dịp qua bến xe Bắc Ninh, thấy một “thằng cha” lơ xe cạo trọc đầu, da đen nhẻm thường xuyên hò hét: “Lên xe bà con ơi, Hà Nội - Bắc Ninh đê” thì đó chính là Tự Long. Tôi đặc biệt ấn tượng với nghề lơ xe, đến nỗi từng mong ước sẽ trở lại nghề này sau khi giải nghệ”, Tự Long hài hước kể.
Cũng có thời điểm Tự Long đi làm thuê cho vài xưởng mộc ở Bắc Ninh. Tuy nhiên, một lần bào gỗ suýt đứt gân chân nên anh chuyển qua làm phu hồ, sửa xe và chạy xe ôm. Cho đến bây giờ, “Táo Văn hoá” của “Gặp nhau cuối năm” vẫn không hiểu vì sao anh lại có thể sống qua những năm tháng cực khổ ấy.
Rồi tình cờ anh được đoàn chèo Hà Bắc mời về theo diện vừa học vừa làm. Chính những năm diễn vai phụ ở đây đã làm nên một Tự Long mê chèo. Anh quyết định thi vào khoa Chèo trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Năm 1998, khi tốt nghiệp, anh được nhận vào Nhà hát Chèo Việt Nam rồi sau đó chuyển sang đoàn chèo của Tổng cục Hậu cần.
Tháng ngày gian khổ ấy giúp Tự Long nhắc nhở bản thân, phải cố gắng và phấn đấu hơn nữa. Nhờ thế, anh cũng dễ dàng vượt qua khó khăn, thử thách của công việc nghệ thuật sau này.
Danh hài Chiến Thắng từng đóng gạch thuê, làm bia mộ
Nghệ sĩ hài Chiến Thắng tên đầy đủ là Nguyễn Chiến Thắng, sinh năm 1975, quê ở Vĩnh Phúc. Sinh ra trong một gia đình nghèo có nghề đóng gạch thuê nên từ năm lớp 10 anh đã bắt đầu phải nếm trải công việc tay chân này.
Chiến Thắng kể, mỗi buổi đi học về, anh đánh 10 gánh gạch, khoảng 200 viên thì mới về ăn cơm. Anh gánh suốt 3 năm phổ thông, kể cả mỗi dịp nghỉ hè đại học. Đó là nguyên nhân khiến dáng người anh bao giờ cũng cong cong… hơn so với những người khác.
“Hai năm ôn thi đại học, tôi lên Hà Nội xin làm đá ốp lát, ngày làm, tối học. Cho tới khi theo học trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tôi vẫn làm cái nghề ấy. Thậm chí, tôi còn nhận thêm nghề khắc bia mộ, nặn tượng, vẽ tranh… cái gì tôi cũng nhận làm, miễn là chân chính mà kiếm được tiền”.
Chiến Thắng không giấu giếm khi kể về cái thuở đi học đầy gian khó của mình: “Sinh viên ngày xưa vất vả lắm. Tôi may mắn thừa hưởng chút năng khiếu vẽ từ bố nên thi thoảng hay “vẽ tự phát” chứ chẳng qua đào tạo gì. Sau này, có thời gian tôi thử làm thợ khắc bia mộ”. Có lần tôi hỏi thằng bạn thân rằng: “Nhà mày có ai mất không?”. Bạn tôi nghĩ tôi trù ẻo nên giận dữ chửi: “Mày dở hơi à?”. Lúc đó tôi biết mình “hố” đành chữa lại câu hỏi rằng: “Các cụ già ấy, nếu mất tao làm cho cái bia mộ, lấy rẻ rẻ thôi, thu nhập thêm để trang trải cuộc sống sinh viên. Nghe đến đây, bạn tôi phá lên cười, thôi không giận nữa”, Chiến Thắng hài hước nhớ lại.
Năm 2001, một lần đi đưa người em xuống Hà Nội học, khi đi qua đoạn đường Nguyễn Chí Thanh anh bất ngờ nhìn thấy Đài THVN. Bỗng dưng anh chợt có ý nghĩ táo bạo là vào gặp “cha đẻ” của chương trình này. Lúc đó NSND Khải Hưng cho anh diễn thử một vài tiểu phẩm, không ngờ anh nhận được cái gật đầu đồng ý của vị đạo diễn khó tính và anh bước vào nghề diễn hài từ đấy.
Hà Tùng Long