Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


NSƯT Minh Vượng - Người một đời giấu nước mắt trong tiếng cười cô độc

NSƯT Minh Vượng - Người một đời giấu nước mắt trong tiếng cười cô độc
Trong số các nghệ sĩ hài miền Bắc, Minh Vượng là nữ nghệ sĩ hài khá đặc biệt. Cuộc sống nhiều năm qua của chị là những bữa uống thuốc nhiều hơn cơm. Người ta gọi chị là người giấu nước mắt trong tiếng cười sân khấu.

Từng không được diễn vì hạn chế về ngoại hình

Mặc dù khá lâu rồi NSƯT Minh Vượng không xuất hiện trên truyền hình hoặc trên các sân khấu lớn nhưng nhắc đến Minh Vượng thì từ trẻ con cho đến người lớn đều nhớ. Cái thân hình “phốp pháp”, mái tóc ngắn, giọng nói ồm ồm, điệu cười đầy nam tính… chính là dấu hiệu khiến cho Minh Vượng không thể hoà lẫn với ai được.

Nụ cười rạng rỡ của Minh Vượng quen thuộc với nhiều khán giả truyền hình. Ảnh: TL.

Minh Vượng tên thật là Minh Phượng, sinh năm 1958. Chị là con thứ hai trong một gia đình có sáu anh chị em tại khu lao động nghèo ở Lương Yên, Hà Nội. Năm 1973, Minh Vượng thi đỗ vào Đoàn Chèo Hà Nội nhưng gia đình không cho theo học. Tiếp đó, chị thi đỗ vào Đoàn kịch nói Tổng cục Hậu cần nhưng lại không theo học vì sợ bị cắt hộ khẩu. Tháng 4/1974, chị thi đỗ vào Khoa Kịch nói, trường Nghệ thuật Hà Nội do được NSND Quỳnh Nga đánh giá cao trong phần đóng tiểu phẩm. Năm 1978, tốt nghiệp trường Nghệ thuật Hà Nội, Minh Vượng công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội nhưng không được diễn ngay do hạn chế về ngoại hình. Năm 1980 Minh Vượng diễn vai đầu tiên, bà vào vai một cụ bà nông thôn 80 tuổi trong vở "Hà Mi của tôi" NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn và được đánh giá cao trong Hội diễn Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm đó.

Sau những khởi đầu tốt đẹp, Minh Vượng được tham gia tiếp các vai diễn: Bà mối trong vở kịch “Già kén”, Kiều Nhung trong vở “Vợ chồng dởm”. Hai vai diễn này đã giúp Minh Vượng lập hai Huy chương vàng trong vòng một ngày tại Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc năm 1991, gây tiếng vang lớn. Sau này, Minh Vượng tham gia một số bộ phim truyền hình và nhiều tiểu phẩm hài trong chương trình “Thư giãn cuối tuần ”, “ Gặp nhau cuối tuần”, "Táo quân"...

Minh Vượng nói rằng, chị vốn xuất thân là dân chính kịch và bi kịch nhưng từ năm 1994 lại rẽ sang hài kịch.

“Tôi là dân chính kịch, chẳng qua có cầu ắt có cung. Năng khiếu trời cho là tính hài hước nên tôi đi diễn hài thôi. Tôi vẫn thèm diễn ở chính kịch và bi kịch. Tôi thành danh vẫn ở chính kịch và bi kịch nhưng mọi người không biết. Mọi người chỉ biết từ năm 1994 đến giờ tôi diễn hài và gắn bó với “lãnh địa” sân khấu này 22 năm rồi. Tôi biểu diễn cho người lớn 40 năm và 19 năm biểu diễn cho trẻ con. Tôi tự viết tác phẩm, tự đạo diễn và tự diễn”, Minh Vượng kể.

Nhiều năm qua, Minh Vượng vẫn gắn bó với khán giả nhí như một phần không thể tách rời. Ảnh: TL.

Nét duyên của Minh Vượng đó là lối diễn tự nhiên, cách pha trò dí dỏm và nét duyên ngầm hài hước trời ban. Vì lẽ đó mà chỉ cần thấy bóng dáng của chị trên sân khấu là khán giả đã có thể cười nghiêng ngả, chưa cần chị diễn. Thời kỳ chương trình “Thư giãn cuối tuần”, “Gặp nhau cuối tuần”, “Gặp nhau cuối năm”… mới ra đời, Minh Vượng luôn là gương mặt được chờ đợi của khán giả truyền hình. Những tiểu phẩm hài có sự góp mặt của chị luôn khiến khán giả phải “lăn”, “trườn” ra mà cười.

Những năm gần đây, do bệnh tật và tuổi tác nên Minh Vượng ít nhận lời diễn các chương trình tạp kỹ trên các sân khấu lớn. Thay vào đó, chị tham gia giảng dạy ở một số trường nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội và dạy kỹ năng mềm cho trẻ em ở trường tiểu học Việt - Bun. Bây giờ, mỗi tuần có 8 ngày thì Minh Vượng đã dạy học và diễn cho trẻ em tới 7 ngày.

Ngày 4 mũi tiêm và tìm niềm vui trong công việc

Trái ngược với tiếng cười mang đến cho khán giả trên sân khấu, nghệ sĩ Minh Vượng có một cuộc sống khá cô đơn. Từng 2 lần “lỡ đò” vì quá yêu sân khấu, không muốn từ bỏ sự nghiệp diễn nên nữ danh hài đã từ bỏ hạnh phúc của đời mình. Thế nên đã quá nửa đời người, người nghệ sĩ có thân hình “nhìn là nhận ra ngay” này vẫn đi về lẻ bóng. Minh Vượng tâm sự: “Đỉnh cao của hài kịch là bi kịch, đời diễn viên của chị như “Kép tư bền”, nhiều khi nuốt nước mắt vào trong để diễn. Trót yêu và đắm đuối với nghề rồi, biết sao được".

Minh Vượng từng kể, năm 1992, chị đã "thương thầm nhớ trộm" một người đàn ông ở Viện Khoa học. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười dù muộn màng nhưng bố mẹ người đàn ông kia chỉ đồng ý cho hai người đến với nhau nếu Minh Vượng bỏ nghề để về quản lý cửa hàng mỹ nghệ vàng bạc của gia đình. Tình yêu sân khấu đã không cho phép Minh Vượng từ bỏ nên Minh Vượng lặng lẽ rút lui.

Minh Vượng đang cố vùi vào công việc để quên đi nỗi buồn và tìm sự lạc quan vượt qua bạo bệnh. Ảnh: TL.

Lần thứ 2 vào năm 1996, khi ấy Minh Vượng và người đàn ông làm nghề lái xe tải đã có thời gian 3 năm gắn bó bên nhau. Nhưng cũng như lần trước, bố mẹ người yêu cũng bắt Minh Vượng bỏ nghề để về làm chủ một hệ thống cửa hàng hoa tươi trên phố Ngọc Hà của gia đình. Ngày đó, vì quá yêu anh, chị đã có ý định bỏ diễn. Nhưng rồi gần đến ngày cưới lại đổi ý. Chị sợ một ngày nào đó không được khóc cười trên sân khấu.

Từ đó đến nay, chị bỏ hẳn ý định lập gia đình để vùi đầu vào công việc. Chị bảo: “Những người đàn ông đến với mình đều thích tiếng cười mình mang lại cho họ, nhưng họ lại không muốn mình mang lại tiếng cười cho người khác. Như thế thật ích kỷ. Sau cú sốc hôn nhân này, tôi đã khóa chặt cánh cửa trái tim và vứt chìa khóa đi. Số mình đã vậy rồi mình chấp nhận...".

Cuộc đời cô đơn, không chồng con vốn dĩ đã buồn, Minh Vượng lại còn phải “sống chung” với bao nhiêu là bệnh. Chị cho biết, tình đến thời điểm hiện tại chị vẫn đang phải đối diện với bệnh tiểu đường, áp huyết, tim mạch… Mỗi ngày chị vẫn phải tiêm tới 4 mũi kháng sinh liều cao và uống hàng tá thuốc mà theo chị là nhiều hơn cả ăn cơm.

Minh Vượng chia sẻ, chị từng bị đột quỵ dẫn đến liệt nửa người bên trái vào năm 2002. Những tưởng cuộc đời nghệ sĩ sẽ phải chấm dứt nhưng nhờ chịu khó chạy chữa nên cuối cùng chị cũng đã trở lại bình thường. Sau đận ấy chị đã trở thành người tư vấn cho nhiều người bị bệnh hiểm nghèo để truyền nghị lực sống cho họ. “14 năm nay, tôi suốt ngày trả lời thư từ, điện thoại, định hướng tư vấn. Tôi nghĩ mình vượt qua được sao mình không mang những khó khăn, thành công của mình để san sẻ với mọi người”, chị nói. Tháng 10 năm ngoái, Minh Vượng lại bị nhiễm trùng máu tưởng suýt chết. Cuối cùng, tình yêu dành cho sân khấu và khán giả đã kéo chị trở lại với cuộc sống bình thường. Chị đùa rằng, bây giờ chị vừa là nghệ sĩ, vừa là cô giáo, vừa là bệnh nhân. 3 cái “chức danh” này chị sợ nhất là chức danh cuối bởi đó là nguyên nhân khiến chị có thể rời sân khấu lúc nào không biết.

Có một điều rất đặc biệt đó là dù mang trong mình nhiều loại bệnh mãn tính nhưng Minh Vượng làm việc rất “kinh khủng”. Một ngày của chị bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc vào lúc 1 - 2h sáng của ngày hôm sau. Chị không phủ nhận, việc vùi đầu vào công việc không chỉ giúp chị quên đi nỗi cô đơn của một người không chồng con mà còn giúp chị có được tinh thần lạc quan để vượt qua bạo bệnh.

Minh Vượng và các nghệ sĩ Hà Nội trong lần giỗ Tổ nghiệp sân khấu mới đây. Ảnh: LAV.

Minh Vượng bảo, từ khi làm các chương trình liên quan đến trẻ em sức khoẻ của chị tốt hơn, tinh thần phấn chấn hơn. Vì thế, chị từ chối các dự án phim ảnh để chuyên tâm diễn và viết cho trẻ nhỏ. Cứ hôm nào được nghỉ chị lại có cảm giác ốm, mệt… Từ lâu chị đã coi khán giả nhí như một phần không thể thiếu trong nghiệp diễn hài của mình.

“Tôi rất yêu trẻ thơ. Người ta bảo, thiếu cái gì thích cái đó. Vì không có gia đình nên tôi muốn mang những điều nhân ái, những điều nhân nghĩa và tâm huyết cho các bé khi xem các con như con mình. Có câu thơ rằng: “Chiều sắp hết biết tìm ai hát hộ” - thôi thì mình không có ai hát hộ, mình tự hát cho mình, tự mang niềm vui cho mình. Bây giờ tôi chẳng có thời gian mà ngủ nữa nên cũng không có thời gian để buồn và cô đơn”, Minh Vượng trải lòng.

Hà Tùng Long

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây