Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Đạo diễn Trần Anh Hùng: “Phim của tôi là một món quà”

Đạo diễn Trần Anh Hùng: “Phim của tôi là một món quà”
“Đây là một món quà tôi đưa ra, ai nhận được thì nhận, không nhận được thì thôi. Chuyện này rất sòng phẳng”, đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ khi nói về bộ phim mới nhất Vĩnh cửu của anh vừa cho ra mắt.

Đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng vừa cho ra mắt bộ phim Vĩnh cửu tại Việt Nam và Pháp. Bộ phim ngay lập tức gây chú ý lẫn tranh cãi. PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện cùng vị đạo diễn tài năng này.

Đạo diễn Trần Anh Hùng cho biết từ khi ra mắt phim mình chỉ được ngủ 4 tiếng mỗi ngày

Anh có đọc những dư luận trái chiều về phim Vĩnh cửu của mình vừa cho ra mắt?

Tôi chưa kịp đọc vì ngày nào cũng chỉ ngủ có 4 tiếng, có nhiều việc quá. Phim phát hành bên Pháp và Việt Nam cùng lúc. Những người nào khen thì chia sẻ với tôi, còn ý kiến ngược lại tôi chưa nhận được nên cũng chưa có cái nhìn trọn vẹn và đầy đủ.

Ý nghĩa và thông điệp bộ phim này anh muốn đưa ra là gì?

Sự vĩnh cửu. Thời gian trôi qua nó tạo nên cảm xúc rất đặc biệt cho đời sống. Đó là ý chính của phim này. Khi đến tuổi nào đó mình sẽ cảm nhận được điều này. Đời sống cứ trôi qua và có những cái mà mình tiếc, mình cảm thấy có lỗi. Những cái đó hiện lên cùng một lúc và tạo cho mình cảm xúc rất đặc biệt về đời sống. Đây cũng là điều tôi mong muốn đưa đến cho người xem.

Nhưng cũng có một vài ý kiến nói rằng cảm thấy thất vọng khi xem bộ phim này anh nghĩ gì?

Tôi nghĩ họ chưa cảm được, có thể là vì họ quá “bạo lực” với chính họ về mặt cảm xúc. Chắc chắn họ nhận được cảm xúc nào đó, và họ xử lý chuyện đó như thế nào là chuyện riêng của họ. Tuy nhiên, đây là một món quà tôi đưa ra, ai nhận được thì nhận, không nhận được thì thôi. Chuyện này rất sòng phẳng.

Anh có hài lòng với bộ phim này của mình?

Tôi hài lòng với cả cuốn phim lần này. Tôi luôn hài lòng với những gì mình làm ra.

Anh nghĩ gì về kinh phí khủng đến 14 triệu usd cho bộ phim này nhưng hoàn toàn không có kỹ xảo?

Tất cả đều là cần thiết để cho ra một bộ phim, tôi cũng không suy nghĩ phải đầu tư gì nhiều cho bộ phim nhất. Tôi nghĩ, nó cũng là kỹ thuật và mình cũng không cần quan tâm đến.

Bộ phim Vĩnh cửu vừa cho ra mắt đã tạo được sự chú ý bởi cách diễn tả một ngôn ngữ điện ảnh bằng thủ pháp hoàn mới của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Khi làm phim, anh có lắng nghe phản hồi của khán giả?

Có chứ, tôi rất quan tâm. Nếu khán giả là những người có thể nói lên điều gì chính xác, chất lượng thì tôi rất quan tâm. Còn những khán giả không có trình độ, họ nói lên thì dù họ thích hay không thích cũng không “phê”.

Anh có phải là người làm phim “cực đoan”, chỉ làm theo những gì mình nghĩ?

Tất nhiên, đây là trách nhiệm của người nghệ sĩ. Không phải cực đoan hay không, mà là nó đã “hiện lên” thì mình phải bắt lấy nó, mình phải làm.. Không khi nào mình chọn cái khác cho nó dễ hơn.

Vấn đề mình không làm thì không bao giờ có, cái này là cái cần phải có. Tuy rằng nó mới, nó lạ, nó khó hiểu nhưng mình phải đưa đến cho người xem. Mình làm thế nào để người xem họ có nhạy cảm tốt hơn. Nếu mình đưa những cái họ đã quá quen thuộc và họ thích thì nó chỉ có chừng đó. Trách nhiệm của nghệ sĩ là phải làm sao cho độ nhạy cảm của con người phong phú hơn.

Chất liệu trong phim anh thường là gì?

Tôi làm phim là vì nó hiện lên như thế thì phải làm thôi. Cái chất của nó như thế nào thì tôi phải “nghe lời” nó và làm như nó đã có. Tôi không “lái” nó đi đâu hay cho nó thành cái này, cái kia. Chỉ nhìn thấy và bắt nó, giống như Pokemon, thấy ở đó và bắt thôi (cười).

Anh mất thời gian bao lâu để xây dựng chuẩn bị ý tưởng cho một bộ phim?

Ý tưởng làm phim này đến rất nhanh. Sau khi đọc quyển sách “Nét duyên góa phụ” tôi rất xúc động, tất cả các cảm xúc đưa đến. Từ cảm xúc đó tôi chuyển thành phim.

Trong không gian phim Vĩnh Cửu, thời gian dường như không tồn tại, cuộc sống tươi đẹp một cách lộng lẫy, và nỗi buồn cũng thế...

Anh mong muốn thế nào về công việc đạo diễn của mình?

Công việc đơn giản, chỉ là cảm nhận được điều gì đó, cảm giác rất hay. Nó chạm đến điều gì đó rất sâu trong nội tâm con người. Trong mỗi con người có rất “nhiều cửa”, những cánh cửa nhạy cảm “bị đóng từ lâu”. Nếu mình “mở” được “cánh cửa chưa bao giờ được mở”, đó là cái hay. Người ta cảm được những gì mới mà họ chưa bao giờ hiểu được. Và mình đánh “loạn lên” cảm xúc của họ là thành công rất lớn, đó là sự mong muốn của tôi khi làm phim.

Có người cảm được, có người không, nhưng điều này không thành vấn đề. Tôi chỉ làm công việc của mình thôi.

Sau này mỗi người họ tiếp nhận thế nào là tùy theo đời sống của họ. Độ nhạy cảm của họ, sự hiểu biết, khả năng trí tuệ... đó là chuyện của người xem. Vì thế tôi chưa bao giờ làm phim để mọi người thích, tôi chỉ làm những gì tôi biết làm.

Anh đưa quan điểm của mình trong cuộc sống vào phim?

Chắc chắn, nhưng tôi không phân tích chuyện đó. Phim này thể hiện 100% con người, cảm xúc của tôi về đời sống.

Anh làm phim bằng cảm xúc?

Mục đích cuối cùng của nghệ thuật là cảm xúc, không phải sự hiểu biết, triết học, xã hội học, cũng không phải là đạo học.

Trong những phim đã làm, phim nào anh cảm thấy hài lòng nhất?

Phim nào cũng có chất hay, có khía cạnh khác nhau. Khi làm phim xong mình phải quên nó đi mới làm được cái khác. Với tất cả dự án đều bắt đầu từ số 0, tôi vẫn nói với những người làm cùng phải bỏ hết những gì đã làm ra khỏi đầu, quên nó đi và bắt đầu một điều hoàn toàn mới, không bao giờ cần đến chất liệu của những phim cũ.

Sau khi phim này hoàn thành, anh có nghĩ đến dự án tiếp theo mình sẽ làm gì không?

Không đâu, khi nào nó “hiện lên”, nó bảo “phải làm tôi”. Sẽ có điều gì đó mờ mờ, tôi thấy hay, lúc đó bắt đầu phải suy nghĩ phải làm gì. Chính dự án hiện lên sẽ nói với mình là “nó phải như thế nào” chứ tôi không bao giờ cương quyết mạnh mẽ “tôi muốn làm phim như thế này...”. Như phim này xuất phát từ quyển sách, gợi lên ngôn ngữ điện ảnh nên tôi làm. Nếu mình không làm thì không có, thế thôi.

Băng Châu (Thực hiện)

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây