Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Đạo diễn Trần Anh Hùng: "Lúc bị từ chối giống bị đòn, muốn bỏ cuộc"

Đạo diễn Trần Anh Hùng: "Lúc bị từ chối giống bị đòn, muốn bỏ cuộc"
Vĩnh cửu (L’éternité), phim mới nhất của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng có ngôn ngữ điện ảnh khác hẳn mấy phim trước của anh - Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng.

 

Đạo diễn Trần Anh Hùng.

Trần Anh Hùng chia sẻ với Tiền Phong xung quanh bộ phim đầu tiên với dàn diễn viên Pháp hoàn toàn, sau 6 năm làm Rừng Na Uy. Suất chiếu cho báo chí chiều 5/9, trước khi công chiếu từ 9/9 ở Việt Nam tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Platinum, riêng L'Espace có hai suất chiếu ngày 6/9..

Anh có gặp khó khăn gì khi casting dàn diễn viên nổi tiếng của Pháp như Audrey Tautou, Bérénice Béjo, Mélanie Laurent, Jérémie Renier?

Không đâu, may mắn khi đọc kịch bản xong họ đồng ý cùng nhau làm phim. Quan trọng khi tôi gặp diễn viên phải nhìn thấy chất nhân văn của họ, có giống chất nhân văn của nhân vật thì coi như chọn đúng. Làm việc với diễn viên Nhật, Mỹ, Pháp đều giống nhau cả, vì chung một ngôn ngữ điện ảnh. Mọi người đều đi tìm chất ý vị của điện ảnh, chỉ tập trao đổi điều đó thôi.

Phim không nhiều lời thoại, không nhiều bối cảnh lắm, chỉ là những giây phút ngắn cứ trôi qua. Câu chuyện trải qua hơn một thế kỷ, nên tôi gạt bỏ hết các chi tiết về đời sống, thành ra khó cho họ diễn, nhưng họ làm được một cách đầy tinh tế.

Chẳng hạn, trong phim có cảnh hai vợ chồng vừa cưới đi bộ trong vườn hoa, cảnh dài lắm, tôi muốn họ phải thể hiện nét mặt cho người xem cảm nhận được đời sống vợ chồng như thế nào, trong đó có sự lo lắng, vui buồn mà không nói một lời. Tôi thấy may mắn vì được làm việc với những diễn viên tinh tế như thế.

Điều gì khiến anh nghỉ ngơi khá lâu sau “Rừng Na Uy”?

Tôi đâu có nghỉ ngơi. Tôi rất muốn cứ hai năm làm một phim, nhưng khi có dự án mới tôi cần thời gian tìm đủ tài trợ, không được như thế đành phải chịu. Từ lúc có kịch bản đến lúc bấm máy, tôi mất gần ba năm tìm kinh phí. Nhiều lúc mệt mỏi, chán nản muốn bỏ, nhất là những lúc bị từ chối cảm thấy như bị đánh đòn. Thế mới cần một nhà sản xuất cứng rắn, anh Christopher Rossignon luôn nói đừng lo, mặc kệ đi, nhất định chúng ta sẽ làm một bộ phim tốt.

Anh khá kỹ tính khi chọn nhạc phim, nhưng trong phim này âm nhạc tràn ngập, đó là dụng ý của anh?

Dựng xong rồi tôi mới nghĩ đến đưa nhạc vào, lúc ấy xong xuôi về hình ảnh, có đầy đủ cảm xúc mình cần, cốt truyện rõ ràng không có gì phải thắc mắc nữa. Nếu âm nhạc đưa lại một cái gì đó mới mẻ, hoặc nó phục vụ cho phim thì lúc đó mới cần, giống như dùng nhạc để kể chuyện vậy. Nói về nhạc phim, không phim nào nhiều khủng khiếp bằng phim này: Phim dài 1h50, nhạc chiếm 1h20, nhưng chất phim này cần như thế.

Từ tiểu thuyết gốc “Nét duyên góa phụ” đến kịch bản “Vĩnh cửu” có thay đổi thế nào?

Tôi đọc cuốn sách có cảm xúc rất mạnh về thời gian trôi qua: Đến lúc nào đó mình cũng chết nhưng không quan trọng, mình chết thì có người khác nối tiếp. Tuy nhiên đây là một cái nhìn xa xa, có một khoảng cách để mình nhìn cuộc sống với một cái cười nhè nhẹ, và lâu lâu cũng bị cảm giác siết tim lại. Vì thế tôi mới đổi tên phim thành Vĩnh cửu

Có thể hiểu khi người đàn ông gặp một phụ nữ, va chạm vào nhau sẽ có những đứa con ra đời - bảo đảm cho sự vĩnh cửu. Vì thế tôi không quan tâm đến chi tiết đời sống, người này xấu người kia tốt, kể cả hai cuộc thế chiến trong truyện cũng bị gạt ra. Chỉ còn lại cái gì đó như là một cái nhìn chứa đầy chất thơ về đời sống.

 

“Vĩnh cửu”, phim giàu chất thơ, đem lại cảm xúc mới mẻ cho khán giả.

Suốt dòng chảy thời gian trong phim có đến mấy thế hệ nối tiếp nhau. Anh có gặp khó khăn gì trong việc gắn kết các tuyến nhân vật không, bởi tâm lý khán giả Việt nghe đến phim nghệ thuật hơi e ngại?

Khi tìm được ngôn ngữ phim, mọi chuyện tự hiện ra thôi chứ không có gì khó khăn cả. Đây là một câu chuyện trải qua hơn một thế kỷ, nó rất là đơn giản, khi xem khán giả sẽ thấy không có chút khó khăn nào cả, bất cứ lúc nào người ta cũng hiểu mình đang ở đâu.

Còn khán giả không nên ngại, bởi những phim nghệ thuật đem lại cho họ những cảm xúc chưa từng có trong các phim họ từng xem. Một món quà quý. Chỉ những phim ấy mới cho ta sự nhạy cảm ngày càng giàu hơn, nhạy bén lên. Họ không nên ngại những cái mới, những cái gì lạ thì mình phải đi tìm.

Phản ứng của khán giả sau suất chiếu đầu tiên rất tốt, còn anh có thấy tiếc nuối chút gì về điều nào đó chưa thực sự mãn nguyện?

Không đâu vì tôi có đầy đủ thời gian để làm phim này. Tôi không muốn hóa trang dày, mất cảm giác da của các diễn viên, thành ra việc khiến diễn viên già đi, trẻ ra đều dựa vào kỹ xảo. Tôi mất 8 tháng sau khi dựng phim xong để làm kỹ xảo, trong thời gian đó tôi có đủ thời gian sửa những gì mình cần.

Trần Nữ Yên Khê, vợ anh không còn có vai trong phim của anh nữa, có thể xem vai trò của chị ấy thế nào, như một trợ lý đắc lực chăng?

Với thủ pháp sử dụng lời kể chuyện, tôi chọn giọng Yên Khê vì nếu chọn diễn viên nổi tiếng Pháp, phim bị kéo vào nơi quen thuộc. Giọng Yên Khê có chất rất tươi, là cái nhìn xa xa, thiện cảm về những nhân vật, đời sống đó khiến phim hay hơn. 

Yên Khê là giám đốc nghệ thuật của phim, tất cả những gì khán giả thấy trên hình ảnh, từ màu sơn tường, rèm cửa, lọ hoa đều do cô ấy chọn. Cô ấy có sáng tạo riêng, giống như tất cả những người làm việc với tôi, họ phải đưa lại sự sáng tạo lớn. Chẳng hạn với anh quay phim, tôi chỉ đòi hỏi vài điều như là quay sao đó để tôi thấy rõ làn da của nhân vật trên màn ảnh, còn lại tôi để họ tự do sáng tạo nhiều hơn.

Cảm ơn anh!

Vĩnh cửu chuyển thể từ tiểu thuyết của Alice Ferney. Cuối thế kỷ 19, Valentine kết hôn với Jules, cho ra đời những đứa con. Suốt một thế kỷ là câu chuyện về tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử, cái chết của những phụ nữ tiếp nối thế hệ Valentine. Phim khởi chiếu tại Pháp ngày 7/9, dự kiến chiếu ở 180 rạp.

Nguồn tin: eva.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây