Vì sao ông Trump muốn cứu ZTE?
- Thứ tư - 16/05/2018 17:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống Mỹ từng phát biểu sẽ cứng rắn với Trung Quốc, sau đó lại tuyên bố sẽ giúp ZTE vì "có quá nhiều việc làm tại Trung Quốc bị mất".
Tuần vừa qua là một tuần đầy thử thách với công ty Trung Quốc ZTE. Sau khi bị chính quyền Mỹ cấm sử dụng linh kiện và công nghệ từ Mỹ, ZTE tuyên bố họ đã "dừng một số hoạt động". Tuy nhiên hôm qua, tổng thống Mỹ lại bất ngờ đưa ra tuyên bố sẽ giúp đỡ ZTE trở lại kinh doanh.
Sau khi ZTE dừng một số hoạt động, ông Trump bất ngờ tuyên bố sẽ giúp công ty này. Ảnh: Getty Images.
Điều này làm dấy lên câu hỏi tại sao ông Trump, một người nhiều lần đe dọa áp thuế thương mại với Trung Quốc và luôn tuyên bố sẽ mang nhiều việc làm trở lại Mỹ, bỗng nhiên lại quan tâm tới việc làm của người Trung Quốc? Câu trả lời có lẽ là Mỹ đã đe dọa đủ, và giờ là lúc có thể đàm phán lại với Trung Quốc.
Việc bỏ cấm vận đối với ZTE sẽ là bước đầu để giảm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trước đó, hai nước đã liên tục đưa ra những lệnh cấm và đánh thuế cao đối với các sản phẩm của nhau.
Mỹ tuyên bố đánh thuế mạnh với thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, và để trả đũa Trung Quốc đã áp thuế với hơn 100 mặt hàng của Mỹ. Nhiều bang ủng hộ ông Trump và đảng Cộng hòa đồng thời là các bang xuất khẩu nông nghiệp lớn, và mức thuế cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và người dân ở đây.
Nếu Mỹ và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung trong trường hợp của ZTE, nhiều công ty công nghệ khác cũng có thể thoát khỏi các rắc rối.
Nhiều công ty Mỹ như Qualcomm cũng sẽ chịu thiệt hại lớn từ cuộc chiến thương mại hai nước. Ảnh: Bloomberg
Các công ty công nghệ của Mỹ và Trung Quốc đều có những mối quan hệ ràng buộc. Mỹ cung cấp nhiều công nghệ, linh kiện và bản quyền cho các công ty Trung Quốc, đổi lại là một thị phần rất lớn từ các nhà sản xuất nước này.
Bà Susan Shirk, chuyên gia về thương mại Mỹ cho rằng lệnh cấm ZTE có thể khiến các công ty Trung Quốc mất lòng tin vào Mỹ. Điều này sẽ khiến họ có thêm động lực tự phát triển công nghệ của riêng mình - điều mà Mỹ không hề muốn. Đầu tháng này, nhiều thông tin cho biết chính phủ Trung Quốc muốn đầu tư 47 tỷ USD để phát triển vi xử lý của nước này.
ZTE và nhiều công ty Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ
Hiện tại, các hãng smartphone lớn nhất Trung Quốc đều đang dùng hệ điều hành Android do Google phát triển. Vi xử lý và nhiều thành phần trong điện thoại được Qualcomm cung cấp. Các công ty viễn thông cũng sử dụng microchip và linh kiện quang học của Mỹ. Sự phụ thuộc là quá rõ ràng, đến nỗi nhiều người cho rằng ZTE có thể sụp đổ nếu không được sử dụng công nghệ từ Mỹ.
Thỏa thuận về ZTE cùng với nhiều bất đồng thương mại khác sẽ được hai bên thảo luận trong tuần này, khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới thăm Mỹ. Ông Lưu Hạc sẽ gặp đội ngũ kinh tế của Nhà Trắng, do bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu.
Theo Zing