Tọa đàm: “Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin”
- Thứ năm - 01/12/2016 17:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 29/11/2016, tại Học viện Kỹ thuật Mật mã, Hà Đông, Hà Nội, Cục An toàn thông tin phối hợp với các đơn vị, các cơ sở đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm, hướng nghiệp để chia sẻ với các bạn sinh viên về kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm sống, làm việc và định hướng nghề nghiệp tương lai.
Đây là sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Đề án 99 đã được thủ tướng chính phủ thông qua. Sự kiện này sẽ được tổ chức thường niên và đây là năm thứ 2 diễn ra sự kiện.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của ba diễn giả gồm ông Nguyễn Huy Dũng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Minh Hưng - Giám đốc trung tâm không gian mạng tập đoàn công nghệ Viettel, ông Khổng Huy Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ An ninh Không gian mạng Việt Nam (VNCS) và em Dương Quốc Tín – sinh viên năm cuối ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM. Buổi tọa đàm đã thu hút hàng trăm sinh viên đến từ các trường ĐH Bách Khoa HN, Học viện An ninh nhân dân, Học viện mật mã, ĐH Bưu chính viễn thông, ĐH Mở, Học viện kỹ thuật Quân Sự…
Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia và khách mời đã chia sẻ một cách thẳng thắn và cởi mở với đông đảo các bạn sinh viên ngành Công nghệ thông tin nói chung và ngành An toàn thông tin nói riêng về cơ hội và thách thức khi theo đuổi lĩnh vực an toàn thông tin - lĩnh vực đang rất hot tại thời điểm hiện tại.
Tọa đàm: "Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin"
Phần khai mạc ông Nguyễn Huy Dũng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin đã khẳng định tầm quan trọng của an toàn thông tin trong xã hội hiện đại và tiếp lửa cho các bạn trẻ với chia sẻ: "Mục tiêu của buổi tọa đàm ngày hôm nay là khơi dậy niềm đam mê, hoài bão. Hi vọng ngày hôm nay chúng tôi có thể giúp đánh thức tiềm năng, đánh thức "người khổng lồ còn đang say ngủ" trong một vài bạn nào đó đang ngồi ở hội trường này để trong vòng 3 năm nữa, 5 năm nữa hay 10 năm nữa, các bạn sẽ có những đóng góp lớn lao cho xã hội, cho nước nhà thì chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc".
Trả lời câu hỏi mà rất nhiều sinh viên muốn hỏi doanh nghiệp về việc họ "tìm kiếm điều gì ở các ứng viên?", ông Khổng Huy Hùng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS) cho biết "điều trước tiên các sinh viên cần phải có nền tảng kiến thức bài bản về an toàn thông tin để từ đó có thể nắm bắt được các cơ hội. Tuy nhiên, kỹ năng mềm vẫn là điều các nhà tuyển dụng chú trọng nhiều nhất và đây cũng là điều các sinh viên cần phải trau dồi nhiều hơn".
Chia sẻ về yếu tố để thành công trong lĩnh vực an toàn thông tin, các diễn giả đều có nhận định chung về quy tắc "số giờ bay", ông Lê Minh Hưng – Giám đốc Trung tâm Không gian mạng, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cho rằng: "Mỗi cá nhân cần có một con đường khác nhau để đi đến thành công trong ngành An toàn thông tin nói riêng và các ngành nghề khác nói chung, tuy nhiên theo tôi có một điểm chung là bạn cần có một số giờ bay nhất định, đâu đó khoảng 10 nghìn giờ bay", "Thành công không đến sau một đêm, hay sau một cơn mơ, mà chỉ đến sau những ngày tháng khổ luyện".
Ông Dũng nhấn mạnh: "Không có một giấc mơ nào trở thành hiện thực nếu bạn không thức dậy để làm việc. Để thành công trong một lĩnh vực nào đó, theo thống kê khoa học, người ta có một quy tắc 10 nghìn giờ. Để trở thành một phi công thành thục thì bạn phải trải qua 10 nghìn giờ bay. Để trở thành một nhạc công thành thục, bạn phải có 10 nghìn giờ luyện tập trên phím đàn. Để trở thành một lập trình viên thành thục bạn phải có 10 nghìn giờ miệt mài trên máy tính".
Rất nhiều sinh viên đã đến tham gia
Một sinh viên đề nghị Dương Quốc Tín chia sẻ kinh nghiệm kinh nghiệm học tập và cơ hội làm việc cho các công ty lớn ở nước ngoài, chàng trai đến từ TP. HCM đưa ra lời khuyên từ chính bản thân đã thực hiện: "Sinh viên phải đặt ra mục tiêu từ rất sớm. Ngay từ năm nhất, các bạn phải đặt mục tiêu sẽ đi làm ở nước ngoài. Lúc đó, các bạn phải đặt ra những vấn đề cần giải quyết và ngoại ngữ là yếu tố rất quan trọng. Vừa rồi mình phỏng vấn bên Google thấy rằng các bài phỏng vấn của công ty nước ngoài đều rất khó nên nếu chỉ dựa vào kiến thức nền tảng sẽ không thể thành công mà còn phải có những kiến thức thực tế, nên tham gia vào nhiều cuộc thi được tổ chức trong và ngoài nước. Học về an toàn thông tin là một lĩnh vực khó nhưng bạn phải cố gắng vượt qua và là một trong số những người giỏi nhất".
Cũng tại buổi Tọa đàm, Cục ATTT đã trao 21 suất học bổng 21 sinh viên có thành tích học tập tốt hoặc những sinh viên vượt khó.
Qua buổi tọa đàm, Cục An toàn thông tin mong muốn truyền ngọn lửa đam mê đến với các bạn sinh viên đang và sẽ theo học ngành an toàn thông tin tại Việt Nam thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực về an toàn thông tin theo Quyết định số 99/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
NM