Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Thách thức an ninh mạng trong cách mạng công nghiệp 4.0

Bên cạnh những lợi ích và cơ hội, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra cho Việt Nam những mối lo lớn về an ninh mạng, an ninh thông tin, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Bên cạnh những lợi ích và cơ hội, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra cho Việt Nam những mối lo lớn về an ninh mạng, an ninh thông tin, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Vấn đề an ninh mạng trong cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được coi là xu thế phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học-công nghệ được dự báo sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực tại mọi quốc gia trên thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.

Phát biểu tại hội thảo quốc gia về An ninh Bảo mật 2017 (Security World 2017) diễn ra vào ngày 4/4, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ được dự báo sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tự động hoá các quy trình kinh doanh, tăng cường khả năng kết nối qua các thiết bị di động và tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn, đồng thời những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực".

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công an, bên cạnh những lợi ích và cơ hội to lớn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang đặt ra cho Việt Nam những hiểm họa khôn lường về an ninh mạng, an ninh thông tin, đặc biệt trong bối cảnh mà các cuộc tấn công mạng đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an

Theo thống kê từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), hơn 134.000 sự cố an ninh mạng đã xảy ra trong năm 2016 (bao gồm sự cố Phishing, Malware và Deface), tăng gấp bốn lần so với năm trước 2015. VNCERT cũng đồng thời cảnh báo mức độ phát triển và lây lan nhanh chóng của mã độc mã hóa dữ liệu Ransomware trong năm qua.

Trước đó, cùng nhận định với VNCERT, trong báo cáo tình hình an ninh mạng mới đây, Tập đoàn Công nghệ Bkav cũng ghi nhận rằng, năm 2016 vừa qua là năm bùng nổ của ransomware khi mà trung bình 10 email nhận được thì 1,6 email có chứa ransomware.  Cũng theo báo cáo này, người dùng Việt Nam đã chịu thiệt hại lên đến 10.400 tỷ đồng, tăng gần 9.000 tỷ đồng so với mức thiệt hại năm 2015.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong khi nguy cơ an ninh mạng ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi nhưng người dùng Việt vẫn chưa có ý thức và kiến thức đầy đủ để có thể tự bảo vệ mình. Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Việt Khôi thì hiện kiến thức bảo mật của người dùng Việt vẫn như thuở sơ khai gần 20 năm trước khi mà Internet mới vào Việt Nam - một thực trạng hết sức đáng quan ngại trong vấn đề an ninh bảo mật hiện hành. Tất cả các giải pháp an ninh bảo mật tiên tiến sẽ chẳng phát huy được công dụng khi mà người dùng chưa biết cách tự bảo vệ mình.

Cần giải pháp tổng thể để đảm bảo an ninh mạng

Cũng tại phiên hội thảo chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng Hoàng Phước Thuận đã chỉ rõ những nguy cơ, thách thức mới đối an ninh quốc gia và an toàn, lợi ích của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân. "Việt Nam luôn xác định CNTT là công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó ứng dụng, phát triển CNTT phải gắn với bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, phòng chống các vi phạm và tội phạm mạng không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách mà là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, công dân", Cục trưởng Cục An ninh mạng nhận định.

Ông Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng

Nhấn mạnh đặc tính không biên giới của không gian mạng, ông Thuận cho rằng những nguy cơ từ không gian mạng gia tăng tỷ lệ thuận đối với sự phát triển và ứng dụng CNTT vào trong đời sống xã hội. Vì vậy, đảm bảo an ninh mạng đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, từ việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, sự sáng tạo, tự chủ trong sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên không gian mạng bảo đảm an toàn, an ninh mạng của các doanh nghiệp đến ý thức tham gia xây dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh của mỗi người dân.

Để ứng phó hiệu quả với các nguy cơ, thách thức từ không gian mạng, đòi hỏi phải có sự hợp tác toàn cầu xây dựng một không gian mạng lành mạnh. Trong đó, mỗi quốc gia phải nỗ lực tự bảo vệ mình, đồng thời tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đối phó với những hiểm họa chung của nhân loại.

"Cũng giống như các quốc gia khác, Việt Nam mong muốn các hãng công nghệ hàng đầu thế giới khi hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xuyên biên giới vào Việt Nam như Google, Facebook… phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam phòng, chống tấn công mạng, phòng chống tội phạm mạng và ngăn chặn thông tin sai lệch", ông Thuận nói.

Quang cảnh hội thảo Security World 2017

Hội thảo Security World 2017 gồm một phiên báo cáo chính và hai phiên chuyên đề với sự tham gia của hơn 20 chuyên gia, lãnh đạo từ các cơ quan chính phủ và các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực an ninh bảo mật thông tin. Hội thảo sẽ cung cấp "bức tranh" tổng quát nhất về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam năm 2016, cũng như cách ứng phó rủi ro an ninh mạng và thông tin di động, an toàn hệ thống thông tin trong thời kỳ hiện nay.

Song song với chương trình Hội thảo là Triển lãm Công nghệ Bảo mật 2017 quy tụ những giải pháp, sản phẩm bảo mật hiện đại liên quan tới bảo mật mạng, bảo mật điện toán đám mây, mã hóa Dữ liệu lớn, ảo hóa…với sự tham gia của các công ty công nghệ hàng đầu như Cisco, Microsoft, Huawei, Jupiter Networks, MobileIron, CMC…

G.L

Nguồn tin: vnreview.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây