Sự cố đứt cáp quang biển APG sẽ được khắc phục xong vào ngày 14/7
- Thứ bảy - 24/06/2017 07:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tiến độ xử lý sự cố xảy ra ngày 20/6 trên tuyến cáp quang biển APG từ Đà Nẵng đi quốc tế vừa được Ban quản lý tuyến cáp cập nhật chiều nay, ngày 23/6/2017 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Chiều nay, ngày 23/6/2017, Ban quản lý tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Gateway - APG) đã thông tin tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam về tiến độ xử lý sự cố xảy ra vào 16h ngày 20/6/2017 trên tuyến cáp APG.
Theo thông tin cập nhật từ Ban quản lý tuyến cáp, thời gian xử lý, khắc phục sự cố trên sự cố tuyến cáp quang biển quốc tế APG từ Đà Nẵng đi quốc tế dự kiến xử lý tuyến cáp từ ngày 2/7/2017 đến ngày 14/7/2017.
Về lịch trình cụ thể, dự kiến ngày 2/7/2017, tàu sửa chữa cáp sẽ di chuyển về phía vùng biển đoạn cáp APG bị đứt được đặt ngầm. Ngày 3/7/2017 sẽ thực hiện sửa chữa đoạn cáp sự cố và dự kiến đến ngày 13/7/2017 sẽ sửa chữa xong đoạn cáp sự cố, tiến hành gia cố cáp. Công tác xử lý sự cố trên tuyến cáp biển APG từ Đà Nẵng đi quốc tế sẽ được hoàn tất, khôi phục 100% dung lượng kênh truyền trên APG vào ngày 14/7/2017.
Như vậy, với tiến độ sữa chữa, khắc phục sự cố cáp mới được cập nhật, thời gian gián đoạn đường truyền Internet trên tuyến cáp APG hướng từ Đà Nẵng đi các hướng quốc tế (Mỹ, Nhật, Hong Kong) sẽ còn kéo dài thêm khoảng 20 ngày nữa.
Tiến độ xử lý sự cố của APG kể trên nằm trong dự báo của các chuyên gia. Trong trao đổi với ICTnews vào ngày 22/6, lTổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) Vũ Thế Bình đã cho hay, từ kinh nghiệm nhiều lần sự cố cáp biển trước đây, thông thường để khắc phục sẽ mất khoảng từ 2 - 4 tuần; và cá biệt một số trường hợp kéo dài hơn do các hoàn cảnh khách quan như thời tiết, địa bàn, và bản chất của sự cố. Tương tự, đại diện CMC Telecom - một ISP tham gia đầu tư tuyến cáp biển APG cũng cho rằng:“Việc xử lý sự cố dưới biển luôn có những diễn biến ngoài kịch bản như thời tiết, địa hình, và các thủ tục giấy phép cho tàu vào sửa…; còn thông thường sẽ mất khoảng 3 tuần”.
Trước đó, như ICTnews đã thông tin, vào 16h ngày 20/6/2017, tuyến cáp biển APG đã xảy ra sự cố mất kết nối hướng từ Đà Nẵng đi các hướng quốc tế (Mỹ, Nhật, Hong Kong). Đây là lần đầu tiên trong năm nay tuyến cáp này gặp sự cố và là lần thứ hai tính từ thời điểm tuyến cáp được chính thức đưa vào hoạt động (giữa tháng 12/2016) cho đến nay. Ngay sau khi sự cố xảy ra, các ISP tại Việt Nam có khai thác, sử dụng tuyến cáp APG như Viettel, VNPT, FPT Telecom và CMC Telecom đều đã chủ động điều hướng lưu lượng sang các hướng cáp biển quốc tế khác cùng các hướng cáp đất liền, đồng thời bổ sung băng thông để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới các khách hàng.
Được biết, ở lần gặp sự cố đầu tiên vào cuối tháng 12/2017, tuyến cáp quang biển AGP đã đồng gặp 2 sự cố đồng thời vào ngày 31/12/2016 tại các vị trí gần Singapore và Chongming - Trung Quốc dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore trên tuyến cáp quang biển này. Sự cố này cũng đã được xử lý xong trong hơn 2 tuần, đưa tuyến cáp trở lại hoạt động bình thường trở từ ngày 23/1/2017.
Tuyến cáp quang biển APG được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ khoảng giữa tháng 12/2016, sau 4 năm triển khai đầu tư. Có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom, APG được nhận định sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố.
Với tổng chiều dài khoảng 10.400 km, APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tb/s và con số này mang lại tốc độ Internet nhanh hơn khoảng gần 20 lần nếu so với AAG. APG là tuyến cáp biển sử dụng công nghệ mới nhất: 40Gbps/1 bước sóng (có khả năng chuyển lên công nghệ 100Gbps/1 bước sóng) giúp kết nối trực tiếp các nước châu Á - Thái Bình Dương đến các nền kinh tế lớn: Mỹ, Úc, Ấn Độ, châu Phi với dung lượng lớn từ đó đáp ứng sự tăng trưởng theo cấp số nhân nhu cầu băng rộng khu vực châu Á. Dự án APG đã thu hút được nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn của châu Á như NTT Docomo (Nhật Bản), China Telecom (Trung Quốc) hay KT (Hàn Quốc)…
Sự cố lần này xảy ra với tuyến cáp quang biển APG chỉ mới được đưa vào sử dụng cách đây không lâu.