Sống trên phi thuyền không gian Orion không sướng như bạn nghĩ
- Chủ nhật - 20/05/2018 13:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chật chội, bốc mùi và lúc nào cũng có cảm giác say sóng - cuộc sống bên trong phi thuyền mới của Nasa sẽ không mấy thú vị.
Năm 1959, khi 7 phi hành gia đầu tiên của Nasa lần đầu tiên nhìn thấy khoang kín vũ trụ nhỏ bé và chỉ dành cho một người của tàu vũ trụ Mercury, họ không mấy ấn tượng. Mecury dường như không có cửa sổ và rất ít nút điều khiển – phi hành đoàn phàn nàn họ sẽ chẳng khác gì ‘thịt đóng hộp'.
Mâu thuẫn giữa mong muốn của phi hành gia là được bay trong một chiếc tàu vũ trụ và mong muốn của các kỹ sư là đưa một người vào quỹ đạo (và sống sót trở về) được minh họa rõ nét trong bộ phim The Right Stuff. Trước một con tàu "kín mít" như vậy, phi hành gia John Glenn, người Mỹ đầu tiên bay quanh quỹ đạo Trái đất, đe dọa sẽ chia sẻ quan điểm của mình với cánh báo chí. Các kỹ sư đã nhượng bộ và đưa vào thiết kế các ô cửa và thiết bị phù hợp.
Gần 60 năm sau, một kịch bản tương tự đang diễn ra ở Houston. Hiện tại, các phi hành gia đang đàm phán với các kỹ sư về thiết kế nội thất và các bộ phận điều khiển của tàu vũ trụ Orion dành cho bốn người, một loại tàu mới của Nasa. Với chuyến bay thử nghiệm không người lái đầu tiên đã diễn ra vào năm 2014, Orion sẽ được phóng vào vũ trụ cùng phi hành đoàn trong vòng 5 năm tới.
Ngày nay, vai trò của nhân vật John Glenn trong phim được đảm nhận bởi một cựu chỉ huy tàu ngầm và Steve Bowen, phi hành gia kỳ cựu với ba lần thực hiện sứ mệnh tàu con thoi không gian. Ấn tượng đầu tiên của ông về Orion là chật chội. "Nó rất chật cho bốn người. Hai người ở phía sau sẽ nhìn thẳng vào ghế ngồi của phi công và chỉ huy ở phía trước".
Bề ngoài, Orion trông giống như phi thuyền Apollo đã đưa ba phi hành gia lên Mặt trăng. Có hình nón và một tấm chắn nhiệt bảo vệ bề mặt ở phía dưới, tàu Orion rộng hơn Apollo nhưng không đáng kể. Và trong khi các sứ mệnh của Apollo chỉ kéo dài vài ngày, với vài bước đi trên Mặt trăng, sứ mệnh của Orion kéo dài tối thiểu ba tuần và không có chuyện bước ra khỏi tàu.
Nasa đã xây dựng mô hình để kiểm tra thiết kế bên trong được xuất của Orion
"Tôi không biết liệu tất cả bốn người có thể thoải mái co chân duỗi tay cùng một lúc được hay không", Bowen cho biết. "Nhưng việc này đã được thực hiện trước đây rồi. Bạn chỉ cần đảm bảo là đã quen với không gian chật hẹp".
Ngoài phi hành đoàn và các bộ điều khiển, các kỹ sư cũng cần phải nhồi nhét vào trong tàu không gian một bếp ăn, khu giải trí và nhà vệ sinh. "Chúng tôi có thể thực hiện một số chỉnh sửa, chẳng hạn như cấu hình ghế ngồi. Khi hoàn thành, chúng tôi sẽ hiểu rõ hơn về khu sinh hoạt và cách chúng ta sẽ hoạt động bên trong nó", Bowen chia sẻ.
Mặc dù với những nhiệm vụ cần nhiều thời gian như lên sao Hỏa, chắc chắn sẽ có một mô hình sinh hoạt bổ sung. Tuy nhiên, với các chuyến bay trước đây của Orion, tổng thể tích 9 mét khối là tất cả không gian cho các hoạt động làm việc, ngủ, thể dục và thư giãn của phi hành đoàn. Hãy tưởng tượng cùng với ba đồng nghiệp bị nhốt trong một căn phòng nhỏ với một nhà vệ sinh trong vài tuần. Trong không gian.
"Khi có thiết kế cuối cùng, chúng tôi có thể hình dung được cuộc sống trong đó sẽ như thế nào trong nhiều tuần", Bowen cho biết. "Tôi không nghĩ rằng có ai đó sẽ thấy chiếc tàu này quá rộng rãi, nhưng tôi chưa thấy bất cứ ai thực sự phàn nàn về cuộc sống bị hạn chế không gian như thế này".
Ngoài việc giúp bố trí các đồ vật bên trong tàu vũ trụ, phi hành đoàn cũng tham gia vào kiểm tra các thủ tục phóng và hạ cánh. Một trong những nhược điểm lớn của tàu con thoi không gian (ngoại trừ trên các chuyến bay hai người trước đó) là thiếu hệ thống thoát hiểm nếu tên lửa nổ tung trong khi phóng. Điều này trở nên rõ ràng khi tàu Challenger vỡ tung ngay sau khi cất cánh vào năm 1986, khiến tất cả 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Orion sẽ được phóng bởi tên lửa SLS khổng lồ mới của Nasa. Giống Apollo, Orion sẽ có một tên lửa thoát hiểm nhỏ phía trên khoang kín để kéo khoang ra khỏi bệ phóng bị hỏng.
Orion sẽ được phóng bởi tên lửa SLS vẫn chưa thành hình
"Thử nghiệm kiểm tra xem hệ thống có bị hỏng trong quá trình hoạt động hay không sẽ được thực hiện trong vài tháng tới", Bowen cho biết. "Thật thú vị để thấy điều đó - chúng tôi cũng đang xem điều gì sẽ xảy ra nếu có sự cố vào bất kỳ thời điểm nào trong chuyến bay, để phi hành đoàn có nhiều cơ hội thoát hiểm hơn".
Trải nghiệm tàu ngầm của Bowen đặc biệt hữu ích khi liên quan đến việc tìm ra cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn khi họ trở về Trái đất - có khả năng là một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất của bất kỳ sứ mệnh nào. Trong khi tàu con thoi hạ cánh trên đường băng, Orion sẽ lao xuống đại dương sau khi đi vào bầu khí quyển với tốc độ 11km/s và giảm dần khi mở dù.
Bowen gần đây đã giám sát thử nghiệm tìm kiếm Orion mới nhất của Nasa ngoài khơi bờ biển California. "Orion không có sống thuyền [là một phần cơ bản của lòng thuyền giúp trong việc củng cố khung thuyền cùng tác động đến thủy động lực của con thuyền], không có động cơ đẩy riêng, về cơ bản nó sẽ lênh đênh trên biển - đó sẽ là một chuyến đi thú vị ", ông nói. "Tôi có đủ kinh nghiệm trên biển để thấy một số thành viên phi hành đoàn dày dạn kinh nghiệm nhất bị ốm nặng - say sóng là một khả năng có thực".
Vì Orion rất nặng, hải quân không thể sử dụng trực thăng để nâng nó lên tàu. Mặc dù sau nhiều tuần - có thể vài tháng hoặc nhiều năm - phi hành đoàn sẽ tuyệt vọng với việc rời khỏi phi thuyền, họ có thể phải đợi ở bên trong để giảm thiểu nguy cơ bị chết đuối khi cố gắng chui ra ngoài.
"Cuối cùng thì con tàu này sẽ ở trong không gian nhiều năm. Nếu chúng ta đi lên sao Hỏa, tình trạng thể chất của các phi hành gia sẽ rất khác so với các chương trình trước đó", Bowen cho biết. "Vì vậy, câu hỏi sẽ là khi nào bạn sẽ đưa phi hành đoàn ra khỏi tàu? Bạn có đưa họ ra ngay khi họ trôi nổi trên đại dương hay bạn muốn kéo họ lên boong tàu và đưa họ ra trên mặt đất khô ráo?"
Tàu không gian sẽ mang theo 4 phi hành gia cho các sứ mệnh kéo dài nhiều tuần lễ
Orion đã được lên ý tưởng từ cách đây hơn 10 năm nhưng - với mục tiêu là quay trở lại Mặt trăng - chương trình cuối cùng cũng bắt đầu hoạt động. Với tên lửa SLS cũng đang thành hình, và với thử nghiệm tiến bộ trên cả bệ phóng và phi thuyền, chắc chắn các phi hành gia sẽ có chuyến bay đầu tiên vào năm 2025.
"Tuần trước, họ bắt đầu kỹ thuật hàn trên phi thuyền đầu tiên sẽ mang con người ra khỏi quỹ đạo thấp của Trái, lần đầu tiên sau 50 năm", Bowen cho biết. "Nó đang được xây dựng - đó là phần cứng thực sự, điều đó thật thú vị".
Bất chấp sự khó chịu, nguy hiểm và say sóng, Bowen rất thích bay trong phi thuyền Orion mà ông đã góp công phát triển. Vì vậy, cơ hội cho ông là thế nào?
"Ai biết được", ông nói một cách xã giao. "Tôi đang ở trong văn phòng du hành vũ trụ, tên tôi vẫn còn trong danh sách, tôi đã ở từng trải qua điều đó… nhưng tôi vẫn thấy thú vị!"
Mai Anh
Theo BBC