Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Sim kích hoạt sẵn đủ chiêu luồn lách

Sim kích hoạt sẵn đủ chiêu luồn lách
Sim kích hoạt sẵn - nguồn cơn của sim rác, tin nhắn rác - vẫn còn lưu thông rất nhiều trên thị trường chứ chưa giảm như mong đợi dù cơ quan chức năng đã và đang mạnh tay thu hồi.

Đầu tháng 2-2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết từ tháng 10-2016, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) viễn thông di động đã thống nhất ký cam kết với bộ thực hiện việc thu hồi sim di động kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của cơ quan quản lý mới đây, việc mua bán sim đã kích hoạt vẫn diễn ra công khai. Điều này cho thấy các DN viễn thông di động vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thu hồi sim kích hoạt sẵn.

Dạt về các tỉnh

Tính đến hết tháng 1-2017, các DN viễn thông di động đã thu hồi gần 18 triệu sim kích hoạt sẵn đã đưa ra thị trường. Đây là đợt thu hồi sim kích hoạt sẵn lớn nhất từ trước đến nay, được thực hiện cùng sự kiểm tra chéo lẫn nhau của các DN và sự giám sát của Bộ TT-TT để bảo đảm công bằng, khách quan.

Sim kích hoạt sẵn còn tồn tại thì người dùng vẫn phải đối mặt tin nhắn rác Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cuối năm 2016, Cục Viễn thông - Bộ TT-TT cũng đã thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính hơn 1 tỉ đồng đối với những DN viễn thông di động có hành vi vi phạm các quy định liên quan về khuyến mãi, quản lý thông tin thuê bao.

Ngay từ những ngày đầu năm 2017, Cục Viễn thông đã kiểm tra việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối của các DN viễn thông. Kết quả cho thấy tình trạng mua bán sim kích hoạt sẵn vẫn diễn ra công khai. Đơn cử, ngay trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, trên mạng xã hội Facebook đã đăng tải quảng cáo mua bán sim kích hoạt sẵn của các DN di động. Quảng cáo ghi rõ sẵn sàng bán sim kích hoạt sẵn của nhà mạng Viettel với số lượng lớn và giá chỉ 9.500-12.000 đồng/sim ngay tại Hà Nội.

Các cán bộ Cục Viễn thông đã đến trực tiếp những đại lý, điểm bán sim và phát hiện việc mua bán khá dễ dàng các sim kích hoạt sẵn của nhiều DN viễn thông. Mới đây, trong chiều 8-2, chỉ tại một vài đại lý, đoàn đã có thể mua được số lượng lớn, đến vài trăm sim kích hoạt sẵn của Viettel.

Tại TP HCM, khi chúng tôi hỏi mua sim kích hoạt sẵn tại các cửa hàng, đa phần người bán đều nói không có hoặc tỏ ra khá dè dặt. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người dùng vẫn có thể mua được sim 11 số kích hoạt sẵn tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, tủ thuốc lá…

Ông Võ Phương Bình, một người kinh doanh sim số lâu năm tại TP HCM, cho hay: “Hiện nay, ở các TP lớn, việc bán sim kích hoạt sẵn rất khó do bị kiểm tra gắt. Do đó, loại sim này được đưa về thị trường các tỉnh tiêu thụ. Người dùng phần lớn đều không muốn mất công đi đăng ký thông tin cá nhân mà muốn có sim sử dụng ngay. Họ không quan tâm đến việc sim không chính chủ sẽ bị khóa, nếu có bị khóa thì mua sim khác. Do đó, những sim kích hoạt sẵn vẫn đang được bán rất dễ dàng ở thị trường các tỉnh”.

Vẫn “sống khỏe” trên thị trường

Theo nhiều người kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, con số 18 triệu sim kích hoạt sẵn bị thu hồi nêu trên vẫn còn ít so với số sim kích hoạt sẵn thực tế đang lưu thông trên thị trường.

Một chuyên gia về viễn thông tại TP HCM cho hay có rất nhiều “chiêu trò” để kích hoạt sẵn sim cũng như đối phó sự kiểm tra của các cơ quan quản lý về thông tin cá nhân trên sim. “Để kích hoạt sẵn được nhiều sim, đăng ký được hàng trăm thuê bao, có thể dùng “chiêu” một tổ chức ủy quyền cho nhiều đại diện. Các đại lý nơi đăng ký thông tin thuê bao cũng có thể phớt lờ, để cho nhiều hộ kinh doanh cá thể đứng tên hàng trăm thuê bao hay cho 1 cá nhân đứng tên vượt quá số thuê bao quy định” - ông dẫn chứng.

Theo chuyên gia nêu trên, ngoài ra, các đại lý đăng ký thông tin thuê bao có thể cố tình không lưu bản cứng đăng ký thông tin, không cập nhật file ảnh CMND lên hệ thống. Vì thế, dù hàng loạt sim đã kích hoạt rồi nhưng nhà mạng cũng chẳng biết thông tin gì về các thuê bao này.

Bên cạnh đó, nhiều người còn có thể sử dụng CMND giả để đăng ký thông tin thuê bao. Một số đối tượng đã “bắt tay” với những đại lý để đăng ký thông tin các thuê bao bằng CMND cùng tên, ngày tháng năm sinh, ngày cấp, nơi cấp nhưng số CMND khác nhau. Chỉ cần đổi hàng loạt số CMND là có thể dễ dàng đăng ký, kích hoạt sẵn thuê bao.

Ông Trần Tiến Hùng, chủ một DN kinh doanh viễn thông di động tại TP HCM, cho rằng sim kích hoạt sẵn vẫn tồn tại là do các nhà mạng luôn đặt chỉ tiêu tiêu thụ sim với nhân viên bán hàng và đại lý. Vì thế, những nơi này tìm mọi cách để bán được càng nhiều sim càng tốt. Trong đó, kích hoạt sẵn sim là cách nhanh nhất để có thể đạt chỉ tiêu. Bên cạnh, những người mua bán sim còn tiếp tay với các đại lý được ủy quyền đăng ký thông tin cá nhân của thuê bao. Chỉ cần các đại lý này “lờ đi” là ai cũng có thể dễ dàng kích hoạt sẵn hàng loạt thuê bao.

Theo các chuyên gia và nhà quản lý, nếu không xử lý được các “chiêu trò” nêu trên thì sim kích hoạt sẵn vẫn “sống khỏe” ngoài thị trường.

Mới đây, Bộ TT-TT cho biết đã yêu cầu các DN viễn thông nghiêm túc thực hiện các nội dung thu hồi sim kích hoạt sẵn đã cam kết với bộ, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. DN viễn thông di động phải tăng cường trách nhiệm kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm vi phạm của các đại lý, điểm bán, thu hồi triệt để sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, góp phần làm giảm tin nhắn rác, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông.

Bên cạnh đó, Bộ TT-TT cho biết sẽ tăng cường chỉ đạo các sở TT-TT phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các DN, đại lý cố tình vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao và mua bán, kích hoạt sim.

74% người dùng bị tin nhắn rác làm phiền

Kết quả từ chương trình đánh giá an ninh mạng được Tập đoàn Công nghệ Bkav thực hiện mới đây cho thấy 74% người dùng cho biết họ vẫn bị làm phiền bởi tin nhắn rác.

Theo Bkav, lượng spam từ sim rác năm 2016 đã giảm so với năm 2015. Tuy nhiên, spam đến từ các đầu số tổng đài, đầu số dịch vụ lại tăng khiến tổng lượng tin nhắn rác lưu thông trên mạng không giảm nhiều. Trung bình cứ 2 người sử dụng thì vẫn có 1 người nhận được tin nhắn rác mỗi ngày.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây