Nở rộ mua sắm chia sẻ
- Thứ tư - 15/02/2017 06:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khi người dùng ngày càng cẩn trọng hơn với các trang bán hàng online trước thực trạng lừa đảo qua mạng ngày càng tăng, nạn hàng dỏm lan tràn thì hình thức mua hàng theo gợi ý, từ những chia sẻ của bạn bè hay những người đáng tin cậy đang được ưa chuộng.
Khai thác tính kết nối
Các hình thức mua bán trực tuyến ngày càng phát triển đa dạng và không ngừng thay đổi để thích ứng với nhu cầu thực tế của cả người bán lẫn người mua. Việc mua bán trực tiếp trên các website theo cách thức: khách hàng truy cập vào website, chọn hàng và tiến hành đặt hàng giờ đây chỉ còn được sử dụng cho các hệ thống bán hàng online lớn, những trang bán hàng truyền thống và các nhà sản xuất có tên tuổi. Sau quá nhiều bài học “xương máu” vì bị hố hàng, bị hớ giá, những chiêu trò treo đầu dê, bán thịt chó, lừa gạt nhau khi mua hàng trên online thì gần đây người tiêu dùng chọn hình thức mua sắm trên mạng mà có độ an toàn cao hơn theo giới thiệu từ những chia sẻ (sharing) của bạn bè hay những người đáng tin cậy.
Thật ra, hình thức mua hàng online chia sẻ này không mới. Nó khai thác sự phổ dụng của các mạng truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook. Vào năm 2012, một nghiên cứu với hơn 1.000 người mua hàng online được Sociable Labs công bố cho thấy có tới 62% trong tổng số người mua hàng online được thăm dò đã đọc các chia sẻ có liên quan tới sản phẩm đó từ bạn bè trên Facebook, để rồi có tới 75% số người đó đã click chuột vào thăm trang sản phẩm của website bán lẻ được giới thiệu. Kết quả có tới 53% số người mua hàng online đã mua sản phẩm được bạn bè chia sẻ. Hiện nay, các con số này chắc chắn cao hơn khi bản thân Facebook đã tăng số người dùng thực tế hằng tháng lên tới 1,86 tỉ người (ghi nhận vào ngày 31-12-2016, so với 900 triệu người dùng vào tháng 3-2012) và điều kiện cũng như thói quen vào internet của người dùng di động được cải thiện tốt hơn bội lần.
Hình thức mua sắm chia sẻ được người dùng thường xuyên giới thiệu trên các trang cá nhân Ảnh: HUYỀN VI
Để bán được hàng, người bán phải tìm mọi hình thức giúp mình tiếp cận và đưa hàng tới tận tay người dùng. Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ online và sự phổ cập ngày càng rộng của loại hình mua bán online, sự thành công chỉ dành cho người bán hàng nào có thể đem đến cho khách hàng sự tiện dụng và an toàn khi mua sắm online. Hình thức mua sắm chia sẻ cũng xuất phát từ nhu cầu đó. Một đặc trưng của hình thức này là người bán hàng tập trung chào mời từng món hàng một và khai thác tính năng kết nối bạn bè của các tài khoản trên các mạng truyền thông xã hội để tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Mạng lưới khách hàng được hình thành theo dạng tổ ong, tạo thành những vòng khách hàng từ các vòng bạn bè của từng tài khoản để rồi kết nối nhau. Cái lợi là người bán có thể bán hàng cho đúng đối tượng người dùng, còn người mua sẽ an tâm vì có thể mua hàng trong vòng nội bộ bạn bè dựa trên niềm tin chia sẻ, đề xuất.
Kiểm chứng trước khi mua
Mặc dù tiện dụng, có ngay trước mắt với thuật toán thông minh của Facebook nhận biết các sở thích mua sắm của từng người dùng nhưng quảng cáo bán hàng trên Facebook vẫn vướng phải khủng hoảng lòng tin của người mua hàng online. Nó cũng chịu chung số phận với những trang chào bán hàng được mở ngay trên những tài khoản Facebook. Chớ có dại tin vào những comment phản hồi ca ngợi hay đặt hàng tới tấp trên đó vì ảo nhiều hơn thật. Có những nhóm, những công ty chuyên làm cái dịch vụ “Like vay, comment mướn”.
Tuy nhiên, hình thức mua hàng theo chia sẻ của bạn bè trên Facebook vẫn là lựa chọn của nhiều người hơn cả. Bởi sau khi đọc được chia sẻ về một món hàng mình thích, người ta có thể inbox hay gọi điện hỏi thêm những thông tin thực tế về món hàng đó. Việc kiểm chứng lại bằng những phương tiện khác rất cần thiết, nhất là khi có những kẻ bán hàng xấu xí dùng đòn hack tài khoản của ai đó có uy tín mà chào bán hàng. Có thể nói rằng người mua hàng online chia sẻ chỉ có thể là nạn nhân nếu như bạn “phây” xấu tính lỡ mua nhầm hàng “đểu” lại muốn có thêm nhiều người cùng bị “văng miểng” cho… vơi bớt nỗi đau.
Chắc chắn những nhà sản xuất, kinh doanh đã nhận ra sự lợi hại của hình thức mua hàng online chia sẻ này. Họ sẽ nhờ những người có uy tín, những người của công chúng xài thử sản phẩm của mình để sau đó chia sẻ trên Facebook. Và tới lúc này, những Facebooker nổi tiếng nếu không cẩn trọng cũng dễ dính đòn, tiêu tan Friend và Follower bởi tiếp tay quảng bá cho những sản phẩm dỏm.
30% người Việt sẽ mua hàng online Báo cáo chính thức của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết trong năm 2015, tổng giá trị mua hàng qua mạng ở Việt Nam đạt tới 4,07 tỉ USD, tăng 37% so với năm trước và chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Xu hướng tăng trưởng TMĐT này sẽ còn tiếp tục khi kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt đặt ra mục tiêu trong 4 năm tới, doanh số TMĐT B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng) đạt 10 tỉ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Vào năm 2020 sẽ có 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT và khoảng 30% dân số Việt Nam mua hàng qua online. |