Hoạt động thể chất có thể chỉ có lợi cho sức khỏe khi được thực hiện ngoài giờ làm việc
- Thứ tư - 23/05/2018 19:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Có lẽ dân văn phòng không ai là không biết đến thông tin ngồi làm việc quá lâu trong một khoảng thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Để giảm bớt phần nào nguy cơ này, chúng ta thường tranh thủ thời gian để tập gym trong giờ nghỉ trưa, đạp xe tới nơi làm việc hay tập các bài tập cường độ cao vào cuối tuần. Thế nhưng, ngay cả khi làm như vậy, chúng ta vẫn phải chịu rất nhiều ảnh hưởng xấu từ việc phải ngồi ít nhất 40 giờ mỗi tuần.
Dân văn phòng đạp xe tới nơi làm việc là một hình ảnh khá phổ biến ở một số nước trên thế giới.
Một nghiên cứu mới đây cho biết những người làm công việc đòi hỏi về thể chất nhiều hơn như lao động chân tay cũng không "khá khẩm" hơn dân văn phòng là bao. Các nhà khoa học Hà Lan đã tiết lộ về "nghịch lí hoạt động thể chất", theo đó, vận động thể chất có thể sẽ chỉ đem lại lợi ích cho sức khỏe khi được thực hiện ngoài giờ làm việc.
Người lao động chân tay thường hoạt động thể chất trong suốt một ngày nhưng điều đó không thực sự giúp ích cho họ về mặt sức khỏe. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy điều này còn có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm. Pieter Coenen – nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Trung tâm y tế trường Đại học UV ở Amsterdam cho biết: "Mặc dù vận động tốt cho sức khỏe nhưng chúng tôi đã phát hiện ra rằng hoạt động thể chất mang tính nghề nghiệp có khả năng làm tăng 18% nguy cơ tử vong sớm ở nam giới. Những người này có xu hướng chết sớm hơn những người không phải hoạt động thể chất trong khi làm việc".
Pieter nói rằng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm của vận động: trong lúc rảnh rỗi hay trong chính thời gian làm việc của mỗi người. Khi tự tập thể dục, chúng ta có thể chủ động nghỉ ngơi bất cứ khi nào chúng ta muốn – một điều khó có thể xảy ra khi chúng ta làm một công việc chân tay như công nhân tại công trường xây dựng.
Ngay cả khi mệt mỏi, công nhân cũng không được phép dừng công việc nếu đang không trong thời gian nghỉ ngơi.
Ông đã sử dụng ví dụ về việc chạy bộ 30 phút ngoài giờ làm việc: "Việc này làm tăng nhịp tim và khiến bạn cảm thấy khỏe khoắn hơn ngay sau đó. Nhưng nếu bạn buộc phải vận động thể chất trong khi làm việc thì đó lại là một loại hoạt động hoàn toàn khác. Trong suốt tám giờ của một ngày làm việc, bạn chỉ có thời gian nghỉ ngơi hạn chế. Bạn phải nâng các vật nặng, thực hiện những chuyển động lặp đi lặp lại và xử lí mọi việc bằng cơ bắp… Hoạt động liên tục kiểu này thực sự không có tác dụng cải thiện mà ngược lại làm ức chế hệ thống tim mạch của bạn". Đây là kết luận được rút ra sau khi Pieter cùng các cộng sự tiến hành nghiên cứu kết hợp kết quả của 17 nghiên cứu khác từ năm 1960 đến năm 2010 với dữ liệu của gần 200.000 người.
Theo Metro, bên cạnh hoạt động thể chất, các nhà khoa học còn xem xét những yếu tố về lối sống khác như việc uống rượu bia và hút thuốc lá. Kết quả cho thấy hậu quả tiêu cực về sức khỏe có liên quan mật thiết với hoạt động thể chất mang tính nghề nghiệp ở nam giới, ngay cả khi đã điều chỉnh một số yếu tố liên quan. Chính vì vậy, chúng ta nên phân biệt rõ ràng giữa hoạt động thể chất bắt buộc trong công việc và hoạt động thể chất trong thời gian rảnh rỗi.
Một điều đáng chú ý là nghiên cứu trên vẫn còn nhiều hạn chế trong việc xem xét các yếu tố kinh tế xã hội và không phân biệt giữa hoạt động ở mức vừa phải và hoạt động nặng, ví dụ như công việc của người thợ làm tóc so với công nhân làm vườn. Đồng thời, nghiên cứu cũng chưa tính đến những tai nạn có thể xảy ra tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng mặc định kết luận rằng nữ giới không thực sự bị ảnh hưởng bởi hầu hết họ chỉ làm những công việc yêu cầu vận động vừa phải tại các cửa hàng thay vì làm việc nặng nhọc tại các công trường xây dựng.
Nữ giới làm một số công việc vận động vừa phải không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi "nghịch lí hoạt động thể chất".
Kay-Tee Khaw – Giáo sư khoa Lâm sàng học tại Đại học Cambridge cho biết: "Công việc ít vận động so với công việc đòi hỏi hoạt động thể chất cường độ cao thường bị tác động bởi nhiều yếu tố như tầng lớp xác hội, học thức và các hành vi liên quan khác. Có thể những công việc tay chân nặng nhọc gây ra bất lợi về sức khỏe. Tuy nhiên, cũng có thể là do những nghề này ẩn chứa nhiều nguy cơ về tai nạn lao động và nguy cơ tử vong sớm chứ không riêng do việc vận động mạnh trong thời gian dài. Chúng ta vẫn cần thêm thời gian để nghiên cứu về vấn đề này trước khi đưa ra kết luận chính xác cuối cùng".
Gia Vũ