Đức thử nghiệm “mặt trời nhân tạo lớn nhất thế giới”
- Chủ nhật - 26/03/2017 08:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thí nghiệm mang tên “Synlight” được các nhà khoa học thuộc Trung tâm Không gian Vũ trụ Đức (DLR) tiến hành ở Julich, cách TP Cologne - Đức khoảng 30 km về phía Tây.
“Mặt trời” này bao gồm 149 đèn công suất lớn xếp theo hình tổ ong, khi bật tất cả lên sẽ tạo ra ánh sáng có cường độ gấp 10.000 lần ánh sáng mặt trời tự nhiên trên Trái Đất.
Một khi tất cả đèn được xoay hướng để tập trung ánh sáng vào một điểm duy nhất, nó có thể tạo ra mức nhiệt 3.500 độ C, gấp 2-3 lần nhiệt độ lò nung.
"Nếu bước vào phòng khi đèn đã bật, bạn sẽ bị thiêu cháy ngay lập tức" – GS Bernard Hoffschmidt, giám đốc Viện Nghiên cứu mặt trời trực thuộc DLR, cho biết.
Synlight tạo ra ánh sáng mạnh gấp 10.000 lần cường độ ánh sáng Mặt Trời tự nhiên trên Trái Đất. Ảnh: AP
Mục đích của thí nghiệm là tìm ra phương pháp tạo hydro bằng ánh sáng mặt trời. Ảnh: Barcroft
Mục tiêu của thí nghiệm là tìm ra phương pháp tối ưu nhằm tập trung ánh sáng mặt trời tự nhiên để thực hiện phản ứng nhằm tạo ra nhiên liệu hydro.
Nhiều người xem hydro là nhiên liệu của tương lai vì không thải ra khí CO2 khi đốt, tức sẽ không làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, hydro là nguyên tố phổ biến nhất trong vũ trụ nhưng lại là “của hiếm” trên Trái đất. Cách duy nhất để tạo ra hydro hiện nay là điện phân nước thành oxy và hydro.
Thông qua Synlight, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể dùng nhiệt độ cao để tạo ra phản ứng sinh hydro. Hydro này sau đó có thể được dùng làm nhiên liệu cho máy bay và ô tô.
"Chúng ta cần hàng tỉ tấn hydro nếu muốn lái máy bay và ô tô với nhiên liệu không CO2. Biến đổi khí hậu đang ngày một nhanh hơn vì vậy chúng ta cần đẩy mạnh đổi mới" – ông Hoffschmidt cho biết.
Ảnh: AP
Mỗi ngày, đều có một nguồn năng lượng khổng lồ từ Mặt trời chiếu xuống hành tinh của chúng ta. Mặc dù con người cũng có nhiều cách để khai thác năng lượng mặt trời như thông qua các tấm pin nhưng phần lớn vẫn chưa được tận dụng.
Synlight hiện sử dụng nguồn năng lượng khổng lồ. Bốn giờ hoạt động của nó tiêu thụ tương đương lượng điện sử dụng trong 1 năm của một hộ gia đình 4 người. Chi phí tạo ra giàn đèn khổng lồ lên tới gần 5 triệu USD. Do đó, đích nhắm cuối cùng của các nhà khoa học là sử dụng ánh sáng mặt trời tự nhiên.