Việc làm CNTT: "Không giao tiếp được bằng ngoại ngữ là thất bại rồi!"
- Thứ sáu - 14/04/2017 08:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Không giao tiếp được bằng ngoại ngữ là thất bại rồi"
Mới đây, chia sẻ về thị trường việc làm ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam trong một buổi gặp gỡ giữa sinh viên và các nhà lãnh đạo công nghệ, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - cố vấn nhân sự cao cấp tại Navigos Search cho biết, theo báo cáo mới nhất vào qúy I/2017, IT - Software (Công nghệ thông tin - Lập trình) là ngành nghề có nhu cầu cao nhất hiện nay.
Các bạn sinh viên đam mê công nghệ đang xếp hàng tham dự một hội thảo tại TP.HCM.
Cụ thể, mỗi năm, nhu cầu nhân lực trong ngành IT tại Việt Nam vào khoảng 80.000 - 100.000 người, trong khi số lượng sinh viên tốt nghiệp chỉ khoảng 30.000, cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng. Tuy nhiên, thực tế thiếu thì vẫn thiếu mà thừa thì vẫn thừa, có những sinh viên tốt nghiệp xong vẫn thất nghiệp.
Theo bà Hương, hiện chỉ có 30% sinh viên mới ra trường bắt tay được ngay vào việc, còn 70% phải đào tạo thêm. Do đó, bên cạnh kiến thức chuyên ngành, các bạn sinh viên phải luyện kỹ năng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Nhật,...
“Hiện nay, một số công ty thậm chí đã thay đổi quy trình tuyển dụng bằng cách loại ngay những ứng viên không có trình độ tiếng Anh trước khi cho ứng viên tham gia các bài kiểm tra, phỏng vấn. Công nghệ có thể đào tạo được, chứ khả năng giao tiếng bằng ngoại ngữ không có thì thất bại rồi!”, bà Hương nói.
“Khả năng lập trình chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều kỹ năng khi theo nghề này. Dù bạn có chuyên môn giỏi đến mấy nhưng không giao tiếp được với đồng nghiệp, các nhóm cộng tác thì cũng khó có tương lai trong ngành nghề đã chọn”, bà Hương nhấn mạnh.
Đừng quá hi vọng trở thành "Bill Gate phiên bản 2"
Truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên, chuyên gia công nghệ Bùi Kiên Cường tại FPT Software cho biết, lời khuyên quan trọng nhất dành cho các bạn sinh viên là luôn luôn học hỏi. "Dù là nghề gì, khi bạn học đến đỉnh cao của nó thì sẽ nhận được đãi ngộ xứng đáng", ông Cường khẳng định.
Lấy bản thân mình làm ví dụ, ông Cường kể: "Khi vừa tốt nghiệp đại học là tôi đã xác định rõ mình muốn trở thành kiến trúc sư phần mềm. Có mục tiêu nên tôi đã quyết tâm theo đuổi, thi thêm các chứng chỉ và học hỏi không ngừng nghỉ. Do đó, tôi khuyên các bạn nếu định làm chuyên gia thì phải đi chuyên sâu, đặc biệt là tiếng Anh - đó là chiếc chìa khóa thần kỳ giúp mở được rất nhiều cánh cửa".
Được biết, ông Bùi Kiên Cường nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Lowa (Mỹ), có kinh nghiệm phát triển phần mềm cho văn phòng CIO của Chính phủ Mỹ, sau đó chuyển sang làm kỹ sư phát triển phần mềm hạm đội máy chủ của Amazon Web Services. Hiện, ông đang đầu quân cho FPT Software với vị trí chuyên gia công nghệ Big Data và Cognitive Computing.
Bill Gate nghỉ học giữa chừng và đã thành công, nhưng không có nghĩa ai nghỉ học cũng sẽ được như ông.
Trong khi đó, bà Phạm Trang Phương Dung - Giám đốc Vận hành Uber cho rằng, nhiều bạn sinh viên hiện nay thường nhắc tới hình ảnh của tỉ phú Bill Gate khi khởi nghiệp. Theo đó, Bill Gate nghỉ học giữa chừng và đã tạo nên công ty Microsoft hàng đầu thế giới hiện nay, thế nhưng không có nghĩa cứ nghỉ học để đi làm là thành công.
"Trước khi làm thầy thì nên làm thợ. Bill Gate nghỉ học giữa chừng nhưng ông đã từng lập trình từ lúc 12 tuổi, tạo nên một nền tảng vững chắc. Các bạn sinh viên nếu muốn làm startup thì trước tiên nên học hỏi đã. Startup không có nghĩa là tự thành lập một công ty cho riêng mình mà cũng có thể là làm ở một công ty startup", bà Dung chia sẻ khi nghe nhiều bạn sinh viên nói đang "nung nấu" ý định làm startup.
Giám đốc Vận hành Uber Việt Nam có nhiều lý do để nhận định xe không người lái khó được triển khai tại Việt Nam.