Nhìn lại lịch sử những chiếc điện thoại chống nước cho tới nay
- Thứ sáu - 09/09/2016 00:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau nhiều chờ mong thì cuối cùng iPhone 7 đã chính thức được ra mắt, mang đến nhiều tính năng mới. Trong đó, khả năng chống nước có lẽ là tính năng được các fan Apple tỏ ra thích thú nhất, vì lần đầu tiên trong suốt nhiều năm chờ đợi, cuối cùng thì iPhone cũng có thể chống nước. Nhân dịp này, hãy cùng điểm qua lịch sử phát triển của những chiếc điện thoại chống nước trong bài viết dưới đây.
Năm 2005
2005 là năm đầu tiên đón nhận làn sóng "điện thoại chống nước", với người đi đầu là Casio Canu 502S. Chiếc điện thoại này đánh dấu sự hợp tác giữa 2 thương hiệu hàng đầu lúc bấy giờ là LG và Casio. Nó được trang bị màn hình LCD 2,2-inch, camera 1,3 MP, cùng khả năng nghe nhạc MP3 khá ấn tượng.
Năm 2006
Sony lúc bấy giờ đã cho thấy họ vô cùng nhạy bén trước một tính năng có thể trở thành xu thế về sau này, và nhanh chóng cho ra mắt chiếc điện thoại Sony Ericsson đầu tiên với khả năng chống nước, có mã là SO902iWP+. Bên cạnh khả năng nhận cuộc gọi dưới nước, Sony Ericsson SO902iWP+ có thể phát nhạc, và sử dụng như một thẻ nhớ gắn ngoài.
Tuy nhiên Nokia mới là người sở hữu thành tích với chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới được trang bị khả năng chống nước cùng chiếc Nokia 5500 Sport chạy hệ điều hành Symbian. Ngoài khả năng chống nước thì Nokia 5500 còn chống chịu rất tốt trước va đập, rơi vỡ. Cũng từ chiếc điện thoại này mà khái niệm "cục gạch" bắt đầu được sử dụng khi người ta nhắc đến những sản phẩm mang thương hiệu Nokia.
Năm 2007
Những một nhà sản xuất Nhật Bản khác là Fujitsu tiếp tục mang tính năng chống nước lên điện thoại, và thậm chí ra mắt tới 3 phiên bản là Fujitsu F703i, F704i và F705i. Cả 3 chiếc đều chạy hệ điều hành Symbian, cùng màn hình QVGA, camera 1.3 MP và được giới thiệu có thể chịu được 30 phút khi ngâm dưới nước.
Năm 2008
Mãi tới năm 2008 thì một công ty của Mỹ là Sonim mới ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên trang bị khả năng chống nước, có tên là XP3 Enduro dành cho đối tượng là những người thích đi du lịch ngoài trời, các nhà thám hiểm. Chính vì lý do này mà thời lượng pin của chiếc XP3 tỏ ra vô cùng ấn tượng, với trung bình 2 ngày rưỡi ở chế độ đàm thoại, và 2 tháng ở chế độ chờ. Ngoài ra nó còn chịu được nhiệt độ khắc nghiệt từ -40 đến 60 độ C, định vị toàn cầu GPS, và nhiều tính năng khác.
Vào lúc bấy giờ, các nhà sản xuất điện thoại bắt đầu lao vào cuộc đua chống nước, và "chấm" camera trên điện thoại. Tại Nhật, Casio gây ấn tượng mạnh với việc ra mắt chiếc W61CA có camera 5.1 MP và khả năng chống nước
Năm 2009
2009 là một năm đáng nhớ của Samsung, khi họ bắt đầu tung ra thị trường mẫu điện thoại chống nước đầu tiên, với tên gọi là Marine B2100 được trang bị 7MB bộ nhớ trong, camera 1.3 MP và dải loa ngoài mạnh mẽ.
Cũng trong năm này thì Fujitsu đã trình làng điện thoại F01B có màn hình cảm ứng và camera vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh, cụ thể là màn hình có kích thước 3,4-inch và camera 12,2MP. Chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Symbian 9, cho phép chụp ảnh với độ phân giải cao, gửi email, chơi games, xem truyền hình TV, và nhiều tính năng khác.
Năm 2010
Vào năm 2010, Motorola cho ra mắt chiếc Motorola Defy, với 2 phiên bản là Defy A8210 và MB525, cũng đồng thời là những chiếc điện thoại chạy nền tảng Android đầu tiên trên thế giới có đi kèm chống nước. Máy có màn hình TFT 3,7-inch hiển thị 16 triệu màu, 512 MB RAM, 2GB bộ nhớ trong, và được trang bị kính cường lực Gorilla Glass thế hệ đầu ở màn hình phía trước.
Năm 2011
Hai thương hiệu Toshiba và Fujitsu trong năm 2011 đã cùng nhau hợp tác, cho ra mắt chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Windows Phone đầu tiên, và cũng là duy nhất được công bố tại Nhật. Máy được trang bị camera 13.2 MP, đi kèm màn hình 3,7-inch và khả năng chống nước, chống shock.
Năm 2012
Vào đầu năm 2012, hãng điện tử Panasonic cho ra mắt chiếc điện thoại ELUGA dành cho thị trường châu Âu, với điểm nhấn là thiết kế mỏng, đẹp, chống nước, và phần cứng mạnh với RAM lên tới 1GB, màn hình OLED 4,3-inch. Cụm từ ELUGA là tên viết tắt của "Elegant User-Oriented Gateway" với ý nghĩa đem đến cho người dùng một sản phẩm trang nhã và là cổng thông tin định hướng người dùng.
Năm 2013
Năm 2013, Sony trình làng chiếc điện thoại Xperia Z thế hệ đầu tiên, cùng thiết kế cân đối Omnibalance, màn hình 4,6-inch độ phân giải HD, camera 13 MP, chip xử lý Snapdragon S4. Ngoài ra, đây cũng là "phát súng" mở đầu của dòng sản phẩm có lẽ là nổi tiếng nhất mỗi khi người ta nhắc đến tính năng chống nước trên điện thoại, với gần chục phiên bản từ Z, Z1, Z1 Compact, cho đến thế hệ Z5 và Z5 Premium đều chống được nước.
Bên cạnh đó thì một nhà sản xuất khác là Samsung cũng bắt đầu với công nghệ chống nước đối với dòng sản phẩm Galaxy S4 Active.
Năm 2014
Cả Samsung, Sony đều tung ra smartphone chống nước vào năm 2014. Đó là Xperia Z2 đối với Sony, và Galaxy S5 đối với Samsung. Trong đó, Galaxy S5 được Samsung nhấn mạnh rất nhiều vào khả năng chống nước. Tuy nhiên không giống như Sony với thiết kế chống nước ngay từ đầu với bộ khung nguyên khối, S5 vẫn cho phép người dùng tháo nắp thay pin và chỉ dùng một tấm chắn để che cổng microUSB. Các chi tiết khác trong máy đều được bảo vệ bằng gioăng, đệm cao su.
Năm 2015
Vào thời điểm năm 2015 thì điện thoại chống nước tỏ ra khá phổ biến trên thị trường. Người ta có thể liệt kê ra hàng loạt sản phẩm như HTC Desire EYE, OnePlus One, Lenovo P90, Motorola Moto G,... cùng các thương hiệu sẵn có như Sony, Samsung. Một lần nữa, Apple lại lỡ hẹn với những chiếc iPhone chống nước.
Năm 2016
Apple chính thức trình làng bộ đôi iPhone 7 và 7 Plus mới, với không nhiều sự thay đổi trong thiết kế so với bộ đôi iPhone 6s và 6s Plus ra mắt vào năm ngoái, nhưng cũng đã để lại nhiều ấn tượng rõ nét. Trong đó nổi bật nhất đó là khả năng chống nước ở độ sâu 1m trong thời gian 30 phút, hỗ trợ nút Home cảm ứng lực Force Touch, và loại bỏ jack cắm tai nghe, thay bằng dải loa ngoài.
Nguyễn Nguyễn