Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Cảnh báo video độc hại nhắm tới tổ chức, cá nhân

Cảnh báo video độc hại nhắm tới tổ chức, cá nhân
Các video clip có nội dung phản động, xúc phạm nhân phẩm, danh dự tổ chức cá nhân xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội, trong đó nhiều video gắn thông tin quảng cáo của thương hiệu lớn. Thực trạng này xuất hiện thời gian gần đây, được Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo trong buổi làm việc chiều qua, 16/3.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Trương Minh Tuấn với các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo. Ảnh: Nhật Minh.

Bộ trưởng bị bịa đặt thông tin “ung thư giai đoạn cuối”

Chiều qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn có buổi làm việc với các với doanh nghiệp, thương hiệu lớn đang có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo bị gắn vào các video có nội dung không phù hợp trên Youtube.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, thời gian qua, nhiều kênh chương trình sản xuất số lượng video rất lớn có nội dung xấu, độc. Thông tin xấu, độc được hiểu là thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kích động hằn thù, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đi ngược chủ trương của Đảng, Nhà nước, có hại cho các đối tượng ở độ tuổi khác nhau khi tham gia môi trường mạng. 

Ông Lâm cho biết, số lượng các video ngày càng nhiều. Thống kê chưa đầy đủ đến ngày 15/3, có 15 kênh, tài khoản cá nhân, đăng tải tổng cộng hơn 8.000 video có nội dung xấu, độc. Cách sản xuất các video này rất đơn giản, lấy ảnh, sau đó lấy bài viết của các phần tử xấu đọc lên, lắp ghép lại như một clip phát thanh. Vì vậy sản xuất nhanh, nhiều, rẻ. Ước tính, có khoảng 500 triệu lượt xem các video này và gần 1 triệu lượt đăng ký theo dõi thường xuyên.

Lấy ví dụ về thực trạng này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ câu chuyện của ông, “Các bạn có thấy tôi khỏe không? Vậy mà mới đây trên Youtube có video nói tôi bị ung thư giai đoạn cuối… Cá nhân tôi 10 năm qua chưa một ngày nằm viện”. Bộ trưởng cho biết, đây là thông tin bịa đặt, xúc phạm đến cá nhân ông. Việc xuất hiện các video xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến tổ chức cá nhân là vấn đề hệ trọng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Google. Phía Google đã tiến hành chặn các video này. Tuy nhiên, mới có khoảng 42/8.000 video được chặn. Đây là con số rất nhỏ. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, phía Google cho biết, cứ mỗi phút trôi qua có khoảng 400 giờ video clip được đưa lên mạng. Vì thế, phương pháp gỡ bỏ thủ công không giải quyết được tình trạng các video không lành mạnh.

Video xấu, độc gắn quảng cáo thương hiệu lớn

Điểm đáng lưu ý, trong nhiều video có nội dung xấu, độc lại gắn quảng cáo của nhiều doanh nghiệp, thương hiệu. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nhiều quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu, độc, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam phát trên kênh Youtube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản cảnh báo tình trạng này đến các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo. 

Tại buổi làm việc, đại diện nhiều thương hiệu, doanh nghiệp quảng cáo ở Việt Nam khẳng định, trong hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và các đại lý quảng cáo đều có điều khoản yêu cầu các đại lý quảng cáo không được đăng, phát quảng cáo trong những video có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam. Ngay khi nhận được cảnh báo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp đã yêu cầu đại lý quảng cáo tạm dừng quảng cáo trên Youtube và sẽ tiếp tục dừng quảng cáo trên Youtube nếu Google và các đại lý quảng cáo không có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng trên.

Tuy nhiên, các đại lý quảng cáo cho biết, khi ký hợp đồng quảng cáo với Google, họ đã chọn vị trí hiển thị quảng cáo qua việc lọc từ khóa, phân loại nhóm để ngăn chặn việc xuất hiện nội dung quảng cáo của khách hàng trong các video có nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, phương pháp này không giải quyết triệt để tình trạng trên. Các đại lý khẳng định, nếu không có sự hợp tác của Google trong việc thay đổi thuật toán để lọc, kiểm duyệt thì sẽ không ngăn chặn được triệt để tình trạng vi phạm này.

Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra 3 nguyên nhân của thực trạng này là các doanh nghiệp chưa kiểm soát tốt vị trí hiển thị quảng cáo sản phẩm, chưa chú trọng công tác hậu kiểm. Dịch vụ quảng cáo của Goole, Youtube đang áp dụng chế độ quảng cáo tự động bằng thuật toán nên không kiểm soát được hết các trường hợp nằm ngoài thuật toán. Ngoài ra, do Google, Youtube chia sẻ lợi ích kinh tế từ quảng cáo cho tổ chức, cá nhân sản xuất video, trong đó có cả những video xấu, độc nên vô tình khuyến khích các video này xuất hiện nhiều hơn.

Để giảm thiểu tình trạng trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kêu gọi các doanh nghiệp chung tay bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu Việt trong hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng. Chung tay ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các hạ tầng truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. 

Thống kê chưa đầy đủ đến ngày 15/3, có 15 kênh, tài khoản cá nhân, đăng tải tổng cộng hơn 8.000 video có nội dung xấu, độc. Cách sản xuất các video này rất đơn giản, lấy ảnh, sau đó lấy bài viết của các phần tử xấu đọc lên, lắp ghép lại như một clip phát thanh. Vì vậy sản xuất nhanh, nhiều, rẻ. Ước tính, có khoảng 500 triệu lượt xem các video này và gần 1 triệu lượt đăng ký theo dõi thường xuyên.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây