Xử lý vết thương do kiến ba khoang rất đơn giản mà không cần đến viện
- Thứ sáu - 28/10/2016 13:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời gian vừa qua, nhiều người dân Hà Nội liên tục bị kiến ba khoang tấn công, gây nên những xáo trộn trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí, nhiều trường hợp còn phải nhập viện do chẩn đoán sai bệnh và điều trị không đúng cách gây nên những biến chứng nguy hiểm.
Trước thực tế trên, TS Nguyễn Văn Khải (nhiều người gọi với tên thân mật là “Ông già Ôzôn”) đã có những chia sẻ rất hữu ích trong việc phòng cũng như xử lý ban đầu khi bị kiến ba khoang tấn công , đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
TS Khải cho biết, khi thấy nhà bên cạnh hoặc trong nhà mình có kiến ba khoang hãy dùng bát sứ hoặc ca nhựa đựng nước tiệt trùng anolyt (loại nước được tạo ra từ nước cất và muối ăn tinh khiết) đặt ở nhiều vị trí trong các phòng. Sau đó, dùng bơm xịt nhỏ bơm nước tiệt trùng lên tường, kẽ tường, sàn nhà, nhất định kiến ba khoang sẽ bỏ đi hết.
Khi đã bị kiến ba khoang cắn , TS Khải hướng dẫn dùng nước tiệt trùng và nước nóng pha với tỉ lệ 1+3 sao cho nước hỗn hợp nóng khoảng 40-45oC.
Dùng khăn bông trắng thấm nước này ấp lên vùng da bị tổn thương sâu vài phút nước nguội cho thêm nước sôi vào tiếp tục ấp khoảng 10 phút. Lưu ý, trong 1 ngày không làm quá ba lần.
Ngoài cách trên, người dân cũng có thể phòng kiến ba khoang bằng cách đóng kín cửa để kiến không chui vào nhà. Các gia đình nên buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang, đồng thời làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ, lỗ thông khí.
Đặc biệt, trong buổi tối không nên bật đèn neon, không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, người dân cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót, không nên tiếp xúc trực tiếp.
Nhiều người nhầm lẫn các căn bệnh da liễu khác như zona thần kinh với tổn thương do kiến ba khoang gây nên. Theo các bác sĩ, bệnh zona thần kinh thường có dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn. Vết thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể. Vị trí hay gặp là ở liên sườn và thường có viêm hạch liên quan.
Còn tổn thương do kiến ba khoang gây nên thường xuất hiện đột ngột sau buổi sáng ngủ dậy, ở những vùng hở như: cổ, mặt, tay, chân..., Cũng có thể ở những vùng da khác nhưng ít gặp hơn, thường là một thương tổn ở một hoặc hai bên, viêm đỏ giống như vết cào xước, có xu hướng tạo thành vệt dài.
Người bệnh cảm thấy bỏng rát, phù nhẹ, ít ngứa, kèm theo nhiều mụn nhỏ có màu vàng nhạt giống như mụn mủ, ở những nếp gấp thì thương tổn có thể bị cả 2 bên mặt. Nếu điều trị đúng thì sau khoảng 5 đến 7 ngày tổn thương sẽ khô, nếu không có thể gây bội nhiễm hoặc lan rộng và thành dịch.