Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Tưng bừng ngày hội khai trường trên toàn thế giới

Tưng bừng ngày hội khai trường trên toàn thế giới
Một năm học nữa lại đến, hãy cùng xem lễ khai giảng ở các nước trên thế giới diễn ra như thế nào, và tâm trạng của phụ huynh – học sinh trong không khí tưng bừng của năm học mới ra sao?

Hoa Kỳ

50 bang ở Mỹ có những ngày khai trường khác nhau, nhưng nhìn chung đều diễn ra vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 hằng năm. Học sinh tiểu học được cha mẹ mua sắm tập sách, quần áo mới và được dắt đến trường. Dự tính mỗi gia đình ở Mỹ sẽ chi hơn 670 USD (khoảng 15 triệu đồng) cho mùa khai trường.

Với học sinh trung học thì ngày lễ khai giảng ít đặc biệt hơn. Các thầy cô giáo mới sẽ giới thiệu sơ qua về chương trình học và mọi người cùng giới thiệu, làm quen với nhau. Nhiều hoạt động ngoại khóa của các câu lạc bộ trong trường cũng được diễn ra thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh trong trường.

 

Học sinh cùng cô giáo Elizabeth Moguel ở trường Boston Latin, một trong những trường công lập được thành lập sớm nhất ở Mỹ vào năm 1635. Ảnh: Brian Snyder/Reuters.

Năm nay, học sinh tại Florida tựu trường với nỗi lo lắng về virus Zika. Nơi đây có khí hậu ẩm thấp và số lượng muỗi ngày càng tăng cao, khiến nguy cơ lan truyền virus Zika trong cộng đồng lên mức báo động. Các trường học ở Miami, Florida tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi sinh sản tại khuôn viên và lớp học.

Úc

Học sinh ở Úc có 200 ngày đến trường trong mỗi năm. Thời gian bắt đầu từ tháng 1 cho đến giữa tháng 12, lúc này là mùa hè ở nam bán cầu. Sau 2 tháng hè trẻ được nghỉ ngơi thỏa thích, trẻ quay lại trường học.

Lễ khai giảng được diễn ra tại lớp học, giáo viên thăm hỏi một lượt rồi phổ biến một số việc cần thiết như lịch học của tuần đầu, buổi họp phụ huynh đầu tiên, bữa trưa sẽ bắt đầu từ khi nào, và gia đình chuẩn bị sổ liên lạc cho con.

 

Học sinh Úc ở trường tiểu học Alfredton. Ảnh: Lachlan Bence.

Sau đó cả lớp cùng đồng thanh hát quốc ca rồi bắt đầu những hoạt động đầu tiên cho năm học mới. Lễ khai giảng ở Úc diễn ra rất nhanh gọn, nhưng để lại ấn tượng trong học sinh, vì các em có thể tự giới thiệu và làm quen với nhiều bạn mới.

Pháp

Thời gian đến trường của trẻ em Pháp khá khác lạ và nhẹ nhàng so với các nước trên thế giới. Học sinh sẽ không đi học vào thứ 4 và Chủ nhật, và một nửa ngày thứ 7. Học sinh không bắt buộc phải mặc đồng phục, nhưng không cho phép mặc quần áo của các tôn giáo.

Lễ khai giảng được diễn ra ở sân trường với sự có mặt đông đủ của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Những đứa trẻ thoải mái đùa giỡn với nhau, phần nghi lễ được diễn ra giữa thầy cô và cha mẹ. Sau phần lễ, thầy cô sẽ mời phụ huynh và các em trở về lớp để phát tài liệu về chương trình học và các hoạt động ngoại khóa.

 

Cha mẹ đưa con mình đến ngày lễ khai giảng tại một trường tiểu học ở Pháp. Ảnh: Alphington.

Thầy cô nhắn nhủ vài lời với các em học sinh rằng: Mong các em mỗi ngày đến trường đều là một niềm vui, hòa đồng thân thiện với bạn bè mới, và rèn luyện thể lực cho thật tốt để có sức khỏe mà học tập.

Anh

Ngày nhập học ở Anh quốc thường diễn ra vào tuần lễ thứ hai của tháng 9. Ngày lễ khai trường ở nước Anh không có nhiều hoạt động đặc sắc bằng lễ bế giảng năm học. Hầu hết các học sinh không quá chú trọng vào buổi lễ khai giảng năm học mới.

 

Học sinh trung học ăn mặc chỉn chu đến lớp vào buổi học đầu tiên tại Trường Harrow, thành phố London, nước Anh. Ảnh: Suzanne Plunkett/Reuters.

Là một quốc gia với nền giáo dục phát triển, phụ huynh ở nước Anh rất quan tâm tới việc học hành của con mình. Ngày đi học đầu tiên được cha mẹ chuẩn bị cho con từ trước đó nhiều ngày, quần áo phải chỉn chu, gọn gàng, …

Nữ hoàng hoặc Thủ tướng Anh sẽ đọc một bài phát biểu nhằm chào đón năm học mới, chúc mọi điều tốt lành đến những tương lai của đất nước.

Nhật Bản

Năm học mới của Nhật Bản bắt đầu từ tháng 4. Năm học ở Nhật Bản kéo dài nhất trên thế giới, với 250 ngày trong mỗi năm. Mỗi năm học đều có các kỳ nghỉ vào mùa hè, mùa đông và mùa xuân.

Vào ngày đầu năm học, học sinh tiểu học Nhật Bản mang tất cả đồ dùng học tập trong một cặp đựng cứng được làm bằng da, gọi là randoseru. Chiếc cặp này được sử dụng cách đây khoảng 250 năm, từ thời Edo.

 

Hai học sinh Nhật Bản đang đeo chiếc cặp bằng da được gọi là randoseru trong ngày đầu tới trường. Ảnh: Cowardlion.

Học sinh Nhật thường mang theo cơm hộp được làm sẵn ở nhà và ăn ở trường vào bữa trưa. Bữa trưa đầu tiên thường là món cơm với nước sốt rong biển cùng trứng cút, với ý nghĩa mang lại may mắn.

 

Học sinh và cô giáo cùng cảm ơn trước bữa ăn trưa tại trường Takinogawa trong ngày đi học đầu tiên. Ảnh: Toru Hanai/Reuters.

Giáo dục Nhật Bản chú trọng phát triển nhân cách của trẻ. Những năm đầu đi học, trẻ em Nhật ít phải học những kiến thức hàn lâm, mà thay vào đó là những bài học về cách đối xử với mọi người xung quanh và tìm hiểu về chính mình.

Đức

Trong suốt chiều dài lịch sử gần 200 năm, ngày đầu năm học ở Đức luôn có sự xuất hiện của Schultuete – một vật trang trí hình nón dài, chứa những đồ dùng học tập và bánh kẹo ngọt. Những chiếc Schultuete có chiều dài gần bằng cơ thể trẻ.

Ngày Einschulung là ngày bắt đầu năm học mới, luôn được diễn ra vào thứ 7 đầu tiên của tháng 9. Ngày này, nhiều phụ huynh sẽ đưa con mình đến Nhà thờ cùng các thành viên khác để cầu nguyện. Sau đó đến trường để nghe bài phát biểu của hiệu trưởng.

 

Học sinh tiểu học ở Đức mang theo Schultuete hình nón dài đựng các vật dụng cần thiết cho việc học vào ngày đầu năm. Ảnh: DPA.

Ở lớp học, thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh sẽ có một ngày để làm quen và giới thiệu về mình. Kết thúc một ngày ở trường, cả nhà sẽ cùng đoàn tụ bên nhau để ăn tối.

Nga

Ngày đầu tiên của năm học ở Nga được gọi là Ngày Tri thức, được diễn ra vào 1 tháng 9 hằng năm. Dù cho ngày 1/9 là Chủ Nhật, nó vẫn được diễn ra. Người dân rất coi trọng ngày lễ này. Vào ngày này, học sinh sẽ tặng thầy cô giáo những đóa hoa tươi nhất vào sáng sớm, và sẽ được tặng lại một quả bong bóng.

 

Một học sinh tiểu học nhận được bong bóng từ cô giáo của mình trong Ngày Tri thức, ngày đầu tiên của năm học. Ảnh: RT.

Đồng phục là một phần quan trọng trong ngày lễ này. Những cậu bé mặc quần áo giống như quân đội thời Sa Hoàng của Nga, điều này ý nghĩa rằng hầu hết nam thanh niên sau khi tốt nghiệp đều chọn cho mình một quân chủng để thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Còn những bé gái sẽ mặc một váy đen và đeo tạp dề màu trắng. Chiếc vớ màu trắng kéo cao đến gần đầu gối cùng hai chiếc nơ lớn được thắt cùng với tóc. Trang phục này thể hiện ý nghĩa người phụ nữ đảm đang trong công việc gia đình nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát với việc ở xã hội.

 

Đồng phục truyền thống của học sinh Nga có bề dày lịch sử từ thời Sa Hoàng. Ảnh: Sputnik News.

Giáo viên cùng học sinh sẽ nhau hát và nhảy múa. Sau đó, các em sẽ được học bài học đầu tiên, gọi là Bài học Hòa bình. Đây là bài học có lịch sử lâu đời, từ thời Liên bang Xô Viết, dạy học sinh về giá trị của hòa bình sau thời gian chiến tranh. Tiếp theo là những bài học bắt buộc khác, mà khi lớn lên học sinh cũng không được quên.

Trung Quốc

Ngày đầu tiên của năm học mới là 1/9, hoặc ngày thứ hai sau đó nếu 1/9 là ngày nghỉ. Giờ cao điểm của giao thông công cộng sẽ được điều chỉnh lại để đường xá không đông đúc khi các em đến trường.

Đây là một quốc gia có nền Nho học Khổng Tử lâu đời, nên ngày khai trường rất đặc biệt. Học sinh mặc đồng phục và đeo khăn quàng đỏ, chải chuốt gọn gàng sạch sẽ theo phụ huynh tới trường. Nhiều phụ huynh sau khi dự lễ khai giảng sẽ cho con em tới các đền thờ để thắp nhang, quỳ lạy Khổng Tử để mang lại may mắn trên con đường khoa cử trong cả năm học.

 

Các em học sinh đang tham gia một buổi ngoại khóa trước khi bắt đầu chương trình học chính thức ở Nam Kinh. Ảnh: Getty.

Nền giáo dục của Trung Quốc được đánh giá là nặng nề, gây áp lực lớn cho học sinh. Ngoài bộ chữ hàng ngàn từ rất khó nhớ, lượng kiến thức phổ thông của học sinh cũng rất nhiều. Ngoài ra, phụ huynh Trung Quốc rất mong muốn con cái mình được đặt chân vào các trường đại học danh tiếng, nhằm có được vị trí cao trong xã hội sau này.

Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, học sinh nhập học vào mùa xuân, thường trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 4. Đây được coi là thời điểm đem lại sự khởi đầu tốt đẹp, đem lại sự thoải mái cho các em học sinh đang trông chờ đến lễ khai giảng.

Lễ khai giảng ở đây thường có những nghi thức chào mừng học sinh mới theo truyền thống, không chỉ dừng ở những bài diễn văn trang trọng mà còn được sáng tạo với nhiều hoạt động hết sức thú vị và có ý nghĩa.

 

Buổi học đầu tiên ở một lớp học tại Hàn Quốc, giáo viên hướng dẫn những điều trong năm học mới. Ảnh: SBS.

Nhiều trường học trên cả nước Hàn Quốc có những hoạt động chào năm học mới khá độc đáo, như cho học sinh cưỡi ngựa đến trường, tặng nhau những đóa hoa tươi thắm, thả bóng bay kèm điều ước.

Đại học Dongseo có một nghi thức nhập học kỳ quặc nhưng ý nghĩa. Hiệu trưởng cùng các thành viên Ban giám hiệu sẽ rửa chân cho các học sinh mới. Hành động này biểu trưng cho sự tận tâm của đội ngũ giáo viên.

Nguồn tin: eva.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây