Bức ảnh hàng ngàn lượt like gây tranh cãi: Thầy cô đang dự giờ hay xem kịch?
- Thứ tư - 21/09/2016 10:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bức ảnh về một tiết dự giờ trong một lớp học tiểu học đang được phụ huynh và giáo viên chia sẻ và bình luận náo nhiệt trên các diễn đàn giáo dục.
Theo nội dung đăng tải, bối cảnh của bức ảnh là trong một lớp học có rất nhiều giáo viên dự giờ. Không đủ chỗ ngồi, các thầy cô phải đứng kín vòng ngoài phòng học.
Và cũng từ bức ảnh này, dân mạng đã chế ra đoạn đối thoại tưởng tượng giữa giáo viên và học sinh được đề tựa dưới bức ảnh:
“- Trò hãy cho cô biết: Áp lực do đâu mà có?
- Thưa cô, áp lực không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, mà nó được chuyền từ Bộ, xuống Sở, xuống nhà trường, qua các thầy cô và xuống từng học sinh ạ!”
Ảnh một buổi dự giờ với đoạn đối thoại giả định đang được chia sẻ trên mạng. (Ảnh internet)
Trăm thứ đổ đầu giáo viên
Một giáo viên tiểu học bày tỏ, hiện ngành giáo dục kiểu như khoán dự giờ. Mỗi giáo viên phải có sổ dự giờ và định mức mỗi tuần phải có 1 tiết dự giờ để học tập nâng cao trình độ. Tuy nhiên, thực tế không như vậy vì áp lực buộc các giáo viên phải đối phó bằng cách chép sổ dự giờ cho đủ số lượng dù không dự.
Giáo viên này giải thích, giáo viên không có thời gian mà đi dự giờ với hàng trăm việc không tên ngoài các tiết dạy như nhận xét theo thông tư 30, vào sổ điểm điện tử, rồi thu tiền, lo soạn giáo án và vô số việc nữa. Mặt khác hàng năm giáo viên phải lo các tiết hội giảng, các tiết chuyên đề rồi các phong trào thi đua, các cuộc thi...
Các tiết dự giờ trong ảnh trên là thực tế và không hiếm thấy. Để xây dựng 1 tiết dạy hội giảng cấp huyện thôi thì cả trường phải tập trung thiết kế bài giảng, chuẩn bị đồ dùng, chuẩn bị đủ thứ, người dạy thì dạy thử, dạy đi dạy lại, cả trường tập trung vào dự, góp ý, thay đổi. Đến hôm đi hội giảng thì như diễn viên diễn 1 vở kịch đã được sắp xếp, luyện tập từ học sinh đến giáo viên, tiết học diễn ra như lập trình máy tính, còn giáo viên các nơi về tập trung ngồi có, đứng có, dự giờ qua cửa sổ cũng có để xem và tiết diễn đó.
"Nói chung là ngao ngán với dự giờ và hội giảng, giáo viên và học sinh chỉ cảm nhận được mệt và mệt", giáo viên bày tỏ.
Tiết thao giảng mô hình VNEN tại một trường học ở Kon Tum. Ảnh: Phòng GD-ĐT Thành phố Kon Tum
Tiết dự giờ có lợi cho ai? (Ảnh internet)
Dự giờ hay diễn kịch?
Giáo viên tiểu học hiện nay đang quá tải. Một trong những lí do khiến họ quá tải nằm ở các tiết giảng mẫu, các buổi dự giờ, các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, các kì thi của học sinh và đủ thứ giấy tờ sổ sách.
TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Đây đang là điều bất cập lớn bởi khi mà các em học đi học lại tiết học đó thì tiết học đó hoàn toàn vô giá trị với học sinh. Học sinh được chỉ định trước sẽ trả lời các câu hỏi mà nhiều khi học thuộc câu trả lời rồi đọc ra, chứ không phải để kiểm tra hay gợi ý để học sinh suy nghĩ như tiết học bình thường. Những người tham dự cũng đánh giá dựa trên các ý kiến chủ quan khi mà họ đứng vị trí của người lớn để quan sát”.
Và tất nhiên, chỉ học sinh giỏi được đứng lên trả lời và cũng tất nhiên trả lời hoàn toàn chính xác. Học sinh sẽ hiểu rằng: đã phát biểu là phải đúng, phải chính xác. Và còn khiến cho trẻ em cảm thấy ngượng ngùng khi phát biểu vì tâm lý sợ sai, ngày càng mất dần sự tự tin cần thiết.
Không chỉ gây áp lực lên giáo viên, mà theo bà Hương những điều này còn gây khó khăn cho đội ngũ đánh giá giáo viên và những tiết học đó, thậm chí là “lệch” so với mục đích cần đạt được.
Bà Hương lấy ví dụ, những cán bộ ngồi tham dự sẽ đánh giá dựa trên ý kiến chủ quan của chính họ với tư cách là những người truyền đạt kiến thức chứ không phải là ý kiến của học sinh (những người tiếp nhận kiến thức). Vì thế, việc đánh giá sẽ sai lệch, không phù hợp với nhu cầu của học sinh.
Ngoài ra, những cán bộ ngồi tham dự để đánh giá sẽ đặt suy nghĩ chủ quan lên tiết dạy và sẽ đánh giá theo những yêu cầu chủ quan đó khiến cho người giáo viên tiểu học bị lúng túng, hoang mang. Sự đánh giá đó khiến cho giáo viên sẽ bị buộc phải dạy theo 1 chuẩn nào đó mà không có sự sáng tạo cho phù hợp với điều kiện và đặc điểm của học sinh.
Đánh giá học sinh bằng tư cách của người thầy thì sẽ không thể cảm nhận được ngọn lửa cảm hứng ấy vì sự khác biệt tâm sinh lý lứa tuổi. Vì vậy, theo bà Hương, việc đánh giá này không chính xác.
Theo bà Hương, hơn bao giờ hết cần có sự thay đổi trong cách đánh giá giáo viên. Cụ thể, bà Hương đề xuất phương án, những nhà thanh tra giáo dục sẽ kiểm tra trình độ của một số học sinh bất kì trong lớp, so sánh với kết quả học tập của chính các em lưu trong sổ học bạ từ các năm trước, hoặc học kì trước. Rồi dựa vào đó, các nhà thanh tra có thể nhận định để có cái nhìn bao quát, đánh giá giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Ngoài ra, theo bà Hương các thanh tra cũng có thể đánh giá giáo viên dựa trên các phiếu điều tra học sinh về mức độ yêu thích môn học, mức độ hứng thú, cảm giác của học sinh khi dự các tiết học của giáo viên đó và cảm nhận của chính các em về người giáo viên phụ trách.