45 phút trải nghiệm đi xe buýt nhanh của một dân văn phòng
- Chủ nhật - 08/01/2017 06:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Có mặt tại bến xe Kim Mã vào buổi sáng sớm, chúng tôi bắt đầu hành trình từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa theo dự định. Đây cũng là điểm đầu và cuối trong lộ trình đi tuyến xe buýt nhanh BRT 01 với chiều dài 14,5km, thời gian đi khoảng 45 phút.
Quên đi cảm giác nhốn nháo kèm lẫn đủ thứ mùi hôi như các bến xe thông thường, bến xe Kim Mã, nằm trên đường Nguyễn Thái Học, quận Đống Đa mới toanh, sạch đẹp. Là một cô nàng công sở với những trang phục từ "bánh bèo" đến nghiêm túc, bạn sẽ không phải ngại ngần khi bước vào đây. Bến xe còn có cả tầng hầm gửi xe máy, ô tô phục vụ ngày đêm cho những có nhu cầu.
Nhà chờ được làm bằng kính nên nhìn toàn cảnh khá hiện đại. Và nếu đây là lần đầu bạn đi xe buýt nhanh thì cũng yên tâm vì ngay trong nhà chờ đều có các bảng to thông báo, chỉ dẫn lộ trình, thời gian xuất phát và đến bến... được treo trên tường rõ ràng.
Hành khách dễ dàng tra cứu thông tin tại các bảng thông báo trong nhà chờ.
Các điểm chờ xe sạch đẹp được làm bằng kính.
Việc đầu tiên là phải mua vé nên bạn đừng ngó lơ các anh chị nhân viên bán vé đang cười chào mình. Thay vì phải mua vé ở trên xe như các tuyến xe buýt thông thường, bạn sẽ mua ngay từ lúc ở trong nhà chờ.
Ở điểm đầu và cuối, khách sẽ lấy vé từ nhân viên xe buýt nhanh BRT đứng tại cửa ra đón xe buýt nhanh. Còn tại các nhà chờ nằm dọc trên lộ trình, hành khách sẽ lấy vé từ nhân viên trong bốt. Bắt đầu từ ngày khai trương 31/12 đến hết tháng 1 xe buýt nhanh BRT hoàn toàn miễn phí.
Đối với những người đi làm, tính ưu việt của loại phương tiện công cộng mới này hơn hẳn so việc phải nhích từng tí một, hay chịu nắng mưa vất vả khi đi bằng phương tiện cá nhân như xe đạp, xe máy, ô tô riêng. Xe hoạt động từ 5-22h, cứ 5-10 phút lại có một chuyến nên bạn tha hồ lựa chọn thời gian xuất phát phù hợp, không lo muộn giờ.
Xe buýt nhanh sẽ đón trả hành khách ngay khi vừa bước chân ra khỏi cửa nhà chờ. Tôi đi guốc cao nhưng không lo lắng gì chuyện vấp ngã khi phải lên xuống xe. Đi từ nhà chờ ra cửa là vào thẳng xe buýt nhanh một cách nhẹ nhàng, an toàn với hệ thống cửa và cầu tự động. Không còn cảm giác bị rơi "bịch" xuống đất khi xuống xe. Đây cũng là điểm cộng của xe buýt nhanh BRT đối với người khuyết tật vì không phải hỗ trợ nâng đỡ lên bậc thang của xe. Đối với cô nàng xúng xính váy áo thì lại càng tha hồ đủng đỉnh bước đi.
Bên cạnh đó, xe buýt nhanh được lắp một dàn ghế ngồi lót đệm êm ái, dễ chịu, lòng xe rộng rãi, dàn điều hòa mát lạnh, có vị trí dành riêng cho người khuyết tật, tài xế có khoang riêng được ngăn kính. Trước mỗi nhà chờ sẽ có thông báo để hành khách biết và đặc biệt có thêm thông tin chỉ dẫn có những tuyến xe buýt nào, đi đến đâu...
Do xe được chạy thẳng trên làn đường riêng nên không chỉ nhanh mà rất an toàn. Với những chị em dễ bị say xe thì càng yên tâm sử dụng vì xe buýt nhanh BRT loại bỏ tình trạng phanh gấp do đường đông hoặc phải lượn ra vào bến.
Chia sẻ nhanh trên xe buýt, chị Mai Phương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, từ ngày xe buýt nhanh đi vào hoạt động chị đều đi làm bằng phương tiện này. "Ngồi ung dung trên xe nhìn xuống dòng người chen nhau bên dưới mà ngán ngẩm. Tự nhiên thấy mình thật thảnh thơi".
Ngồi bên cạnh, bạn Cao Anh, sinh viên đại học Lao động và Xã hội chia sẻ: "Bình thường em đi học bằng xe đạp mất 45 phút và phải leo lên vỉa hè vì tắc đường. Mấy hôm nay em được đi xe buýt này thích hơn hẳn mà chỉ mất 25 phút".
Tuy nhiên, xe buýt nhanh BRT cũng bộc lộ một vài hạn chế như cửa cảm ứng nên đôi khi bác tài phải tiến, lùi mở 2, 3 lần cửa xe thì cửa trong nhà chờ mới mở ra, nhà chờ nằm ở giữa đường nên vài điểm chờ hành khách phải đi bộ băng qua đường nguy hiểm.
Ngoài ra, có một số yếu tố khách quan như ý thức người dân chưa cao, nhiều ô tô lấn làn, xe máy đi vào đường dành cho xe buýt nên thỉnh thoảng xảy ra trường hợp phanh gấp, một số hành khách trèo rào sang đường mặc dù cách đó 10-20m có cầu đi bộ...
Tình trạng các phương tiện giao thông khác lấn làn vẫn xảy ra.
Xe buýt nhanh BRT chính thức hoạt động từ ngày 31/12, sử dụng loại xe dài 12m, hoạt động từ 5-22h hàng ngày. Dự kiến giá vé xe sẽ là 7.000 đồng, tương đương với giá vé xe buýt hiện hành. Có 2 loại vé là vé từ bao gồm vé lượt và vé ngày và thẻ thông minh gồm thẻ tháng và thẻ dành cho học sinh, sinh viên. Trên lộ trình xe buýt nhanh BRT 01 có 21 nhà chờ (12 nhà chờ 4m và 9 nhà chờ 5m), 1 trạm chung chuyển bến xe Kim Mã, 1 trạm đầu cuối Yên Nghĩa, 4 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ và 1 trạm sửa chữa, bảo dưỡng trong bến xe Yên Nghĩa. Lộ trình xe buýt nhanh BRT: Điểm đầu: Bến xe Yên Nghĩa, điểm cuối: Kim Mã. Lộ trình Tuyến đi: Bến xe Yên Nghĩa - Ba La – Quang Trung (Hà Đông) – Lê Trọng Tấn – Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ - Giảng Võ – Giang Văn Minh - Kim Mã. 21 nhà chờ cụ thể như sau: Điểm đầu Yên Nghĩa - Nhà chờ Ba La - Nhà chờ Văn La - Nhà chờ Văn Phú - Nhà chờ La Khê - Nhà chờ KĐT ParkCity - Nhà chờ La Khê - Nhà chờ An Hưng - Nhà chờ Văn Khê - Nhà chờ Vạn Phúc - Nhà chờ Vạn Phúc 1 - Nhà chờ Vạn Phúc 2 - Nhà chờ Mỗ Lao - Nhà chờ Trung Văn - Nhà chờ Lương Thế Vinh - Nhà chờ Khuất Duy Tiến - Nhà chờ Nguyễn Tuân - Nhà chờ Hoàng Đạo Thúy - Nhà chờ Vũ Ngọc Phan - Nhà chờ Thành Công - Nhà chờ Triển lãm Giảng Võ - Nhà chờ Núi Trúc - Trạm Kim Mã. |