Thủ tướng: “Việc gì có lợi cho Tổ quốc tôi sẽ chỉ đạo làm ngay”
- Thứ ba - 23/08/2016 22:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 23/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị Ngoại giao 29. Thủ tướng nhấn mạnh những thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới có đóng góp to lớn của ngành Ngoại giao nhưng cần nhìn nhận những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội còn khiêm tốn so với trình độ chung của thế giới khi chúng ta đứng thứ 13 về quy mô dân số nhưng GDP/đầu người đứng 133 trên thế giới, năng suất lao động chỉ bằng 1/2 ASEAN…
Vì vậy, Thủ tướng lưu ý để xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, cần xây dựng ngành ngoại giao kiến tạo, năng động, chủ động, sáng tạo. Để nền kinh tế Việt Nam tham gia sâu sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhà ngoại giao phải năng động, đổi mới xúc tiến thương mại và đầu tư, không để Việt Nam lạc hậu, bất công, thua thiệt trước các tập đoàn đa quốc gia trong sân chơi kinh tế toàn cầu.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi các nguy cơ thường trực và khó dự đoán trong một giai đoạn thế giới mới như hiện nay, đòi hỏi phải làm “chắc tay” hơn nữa công tác dự báo chiến lược, và luôn có sự nhạy bén thường trực và tinh thần thường trực để đối phó với những cú sốc bên ngoài. Muốn vậy, các nhà ngoại giao phải là ăng-ten nhạy cảm dự báo tình hình để làm tốt vai trò tham mưu, dự báo.
Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị trưởng đại diện ngoại giao ở nước ngoài cần thường xuyên suy nghĩ tìm hiểu những gì có lợi cho đất nước thì phải báo ngay cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và kể cả điện trực tiếp cho Thủ tướng.
“Tôi rất lắng nghe các đồng chí, việc gì có lợi cho Tổ quốc tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không thực hiện đến nơi đến chốn. Thậm chí có những đề xuất của các đại sứ rất tốt nhưng về chúng ta triển khai theo cơ chế, các Bộ ngành triển khai trì trệ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng cho rằng, ngành ngoại giao cần tập trung vào các vấn đề mấu chốt như cần định hình được những ưu tiên chiến lược của đất nước và xác lập một tư duy chiến lược cho ngành ngoại giao trong thời kỳ mới. Cần xác định đâu là những lợi ích quốc gia cốt lõi trong bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế-xã hội và phát huy ảnh hưởng của nước ta trên trường quốc tế. Cần xác định đâu là những vấn đề bất biến, không thể xâm phạm, đâu là những lợi ích có thể dung hòa được với các nước khác.
Ngoại giao cần chủ động đề xuất triển khai phối hợp tốt với trong nước. Hoạt động ngoại giao không chỉ nằm ở Bộ Ngoại giao mà cần sự hỗ trợ tích cực từ trong nước, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Các hoạt động ngoại giao kinh tế, phát triển cần quán triệt phương châm tham mưu, triển khai, đồng hành và liên kết sâu rộng.
Các vị đại sứ, đại diện thương mại ở các nước phải thường xuyên trao đổi thông tin kịp thời với nhau và với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong nước để có sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhất. Phải làm cho doanh nghiệp và 63 địa phương ở nhà hiểu rõ hơn các cơ hội về thị trường, đâu là nơi có lợi nhất, đâu là nơi cần để ý, xem xét nhất.
Thủ tướng đề nghị các nhà ngoại giao suy nghĩ xem cần giải pháp đột phá gì để thu hút nguồn lực đầu tư, nhân tài, chất xám của thế giới, đặc biệt từ những nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những nhà ngoại giao và cán bộ thương mại phải đại diện một cách chân thực nhất, tối ưu nhất cho hình ảnh của Việt Nam, lợi ích của Việt Nam ở nước sở tại. “Các đồng chí không chỉ là cánh tay nối dài, là tai, là mắt ở trong nước mà các đồng chí chính là hình ảnh Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Ngoài ra, các nhà ngoại giao cần phải hòa đồng với cộng đồng doanh nghiệp sở tại mới kết nối được cho các doanh nghiệp Việt Nam, hiểu rõ nhu cầu thị trường thì mới biết được sản phẩm nào của Việt Nam có thể tiêu thụ được, kết thân với cộng đồng khoa học để tìm kiếm cơ hội về công nghệ cho đất nước.
“Đừng kín cổng cao tường quá. Tôi cũng nói với các đồng chí, một số đại sứ của nước ngoài ở Việt Nam từng đạp xe xuyên Việt, tìm hiểu ẩm thực Việt Nam, chủ động gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí thả chim bồ câu nhân ngày rằm, cùng với Thủ tướng đi nghe nhạc Trịnh Công Sơn... Người ta hiểu văn hóa như vậy, sâu sắc như vậy”, Thủ tướng nói.
Quang Phong