Phó Chủ tịch Quốc hội phê bình Bộ trưởng KH-ĐT vì vắng họp
- Thứ ba - 16/08/2016 12:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong khuôn khổ chương trình phiên họp thứ 2, ngày 16/8, UB Thường vụ Quốc hội khóa XIV thảo luận về Tờ trình điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài của Chính phủ. Văn bản do Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng ký trình theo ủy quyền của Thủ tướng. Tuy vậy, người có mặt báo cáo là Thứ trưởng Bộ này - ông Nguyễn Thế Phương chứ không phải vị tư lệnh ngành.
Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã thẳng thắn phê bình sự vắng mặt của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.
Ông Phùng Quốc Hiển chỉ rõ, theo nguyên tắc đã được Chính phủ thống nhất với UB Thường vụ Quốc hội là những tờ trình của Chính phủ phải do đích thân bộ trưởng, trưởng ngành dự họp và trình bày, trường hợp Bộ trưởng vắng mặt thì Phó Thủ tướng phải thay mặt Chính phủ trình bày.
Kế hoạch sử dụng vốn nước ngoài năm 2016 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 101 năm 2015, trong đó phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành trung ương và địa phương là 48.700 tỷ đồng; còn lại 1.300 tỷ đồng để lại dự phòng chưa phân bổ.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết tháng 5 năm 2016, 17.300 tỷ đồng đã được giải ngân, đạt 36,1% kế hoạch vốn đã giao.
Có 3 địa phương đã giải ngân hết kế hoạch là Tuyên Quang, Ninh Bình, TPHCM. 5 địa phương khác đã giải ngân được trên 50% kế hoạch được giao.
Ở chiều ngược lại, có 5 bộ, ngành trung ương và 11 địa phương giải ngân dưới 10% kế hoạch, gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo: 3,5% kế hoạch, Bộ Y tế: 0,1%, Bộ Tài nguyên và Môi trường: 0,5%, Đại học Quốc gia Hà Nội: 1% (230 tỷ đồng)… 5 bộ, ngành trung ương và 9 địa phương khác thậm chí chưa giải ngân đồng vốn nào, gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ LĐ, TB&XH, tỉnh Thái Nguyên, Bình Phước, Bến Tre…
Kết quả giải ngân vốn nước ngoài không đạt được lý giải là do do có sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa các thủ tục trong nước và nhà tài trợ, giải phóng mặt bằng còn chậm, năng lực ban quản lý một số dự án còn hạn chế, vốn đối ứng không đáp ứng đủ nhu cầu, không được giải ngân vốn nước ngoài theo tiến độ thực hiện, công tác xây dựng kế hoạch vốn nước ngoài chưa được các bộ, ngành trung ương và địa phương thực sự quan tâm.
Chính phủ cũng cho biết, với các dự án đã giải ngân hết kế hoạch nhưng chưa được bổ sung vốn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư, nhà thầu đang khiếu nại, đòi bồi thường về việc thanh toán chậm...
Ngoài ra, một số dự án kết thúc Hiệp định trong năm nay, nhà tài trợ không đồng ý cho kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau (nhà tài trợ chấm dứt việc cấp vốn trong năm nay), sẽ không có đủ vốn để hoàn thành dự án do không thể cân đối được vốn trong nước để chi trả khối lượng còn lại dự án; đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ nước ngoài trong việc thực hiện các Hiệp định đã ký kết.
Từ các lý do này, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các dự án và giữa các bộ, ngành và địa phương.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị được chủ động bổ sung số vốn kế hoạch nước ngoài năm 2016, Quốc hội chưa phân bổ chi tiết (1.300 tỷ đồng) cho các dự án chưa được giao kế hoạch hoặc đã giải ngân hết kế hoạch năm 2016, nhà tài trợ đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2016.
Chính phủ cũng xin cắt giảm 78,5 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài của 3 địa phương không có nhu cầu để bổ sung cho các bộ, ngành khác.
Ngoài ra, Chính phủ muốn điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức 50.000 tỷ đồng theo nguyên tắc giảm vốn với các dự án giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân, để điều chuyển cho các dự án đã giải ngân cao hoặc giải ngân hết kế hoạch, cần bổ sung thêm vốn.
Từ việc đánh giá những bất cập nổi lên qua việc tiến độ giải ngân trong 5 tháng đầu năm 2016 quá chậm như trên, UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá, nhiều năm qua, công tác quản lý, sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập. Việc Chính phủ trình điều chỉnh kế hoạch vốn, một lần nữa khẳng định những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng dự toán, đề xuất danh mục, phân bổ, sử dụng nguồn vốn nước ngoài.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhận định định, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhiều công trình, dự án đang cần được bổ sung vốn để sớm hoàn thiện thì tình trạng trên là biểu hiện lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng vốn vay nước ngoài. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm để việc lập dự toán, phân bổ vốn phải đảm bảo tính hợp lý và được xây dựng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các điều kiện luật định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng lý lẽ của Chính phủ chưa thuyết phục, chưa có căn cứ để điều chỉnh kế hoạch khi một số địa phương giải ngân rất chậm nhưng lại được đề nghị bổ sung vốn, 3 địa phương chưa có nhu cầu vẫn được phân giao vốn, 3 Bộ chưa hoàn thành thủ tục vẫn ghi vốn, hay đã hoàn thành thủ tục nhưng lại không được bố trí vốn như Bộ VH-TT-DL…
Giải trình nội dung này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương nêu ví dụ, Bộ Y tế trong 6 tháng qua mới giải ngân được 500 tỷ đồng trên tổng số hơn 2.000 tỷ đồng vốn được phân bổ và mới đây Bộ này đã có văn bản xin giảm mức vốn nước ngoài được giao. Theo đó, việc điều hoà vốn giữa các dự án sẽ giúp sử dụng vốn hiệu quả hơn.
Còn về yêu cầu thủ tục, Thứ trưởng Phương giải thích, có những dự án chưa đủ thủ tục nhưng đến thời điểm trình danh mục dự án để Quốc hội phân giao vốn, cũng có những dự án được hy vọng là sẽ đáp ứng đầy đủ thủ tục, điều kiện.
“Luật làm gì có điều khoản nào tên là hy vọng” - ông Hiển ngắt lời Thứ trưởng KH-ĐT.
Đồng ý quan điểm cần chấn chỉnh tình trạng chi ODA vượt dự toán những năm gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, việc điều hòa vốn giữa các bộ, ngành cũng phải làm chặt chẽ, “không thì người ta sẽ khiếu nại tại sao vốn của tôi lại điều chuyển cho ông khác”.
P.Thảo