Đổi mới trên quê hương cách mạng Tân Trào
- Thứ sáu - 19/08/2016 17:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Du khách thăm đình Tân Trào. Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Ông Viên Ngọc Tân - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào cho biết: Tháng 5 năm 1945, trước những diễn biến mau lẹ và yêu cầu của tình hình cách mạng, Bác Hồ chuyển từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước.
Từ Tân Trào, những chủ trương, Chỉ thị của Đảng, của Bác đã truyền đi khắp mọi miền đất nước. Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước tháng 8/1945. Từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp, quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc.
Ngày 16, 17/8/1945, Quốc dân đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam họp tại đình Tân Trào đã thảo luận nhất trí thông qua chủ trương của Việt Minh và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch.
Dưới gốc đa Tân Trào, chiều 16/8/1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội...
Với người dân ở Tân Trào, ký ức về những sự kiện diễn ra tại Tân Trào trong cách mạng tháng Tám luôn “sống mãi” và được truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác. Phát huy truyền thống trên quê hương cách mạng, người dân ở Tân Trào hôm nay luôn đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo ra diện mạo mới cho vùng quê vốn còn nhiều khó khăn.
Nông dân thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào thu hái chè. Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cách đây 2 năm, Tân Trào là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới. Đến Tân Trào những ngày này, chúng tôi đã nhìn rõ sự đổi thay của vùng đất cách mạng, 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 100% đường nội thôn, liên thôn và 50% đường nội đồng được bê tông hóa... Ngoài phát triển nông nghiệp, cơ cấu kinh tế ở Tân Trào đã phát triển thêm các ngành dịch vụ.
Ông Ma Anh Tuấn, trưởng thôn Tân Lập – thôn điển hình về phát triển dịch vụ, du lịch ở xã Tân Trào cho biết: Tân Lập có 186 hộ dân, trong đó trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thôn hiện nay đang có 11 hộ làm dịch vụ du lịch như phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách. Trước đây, kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng từ khi kết hợp làm thêm các dịch vụ du lịch, thu nhập bình quân của người dân trong thôn đã đạt 22 triệu đồng/người/năm.
Ông Phạm Ngọc Thảnh - Trưởng thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào cho biết: Cây chè là cây trồng chủ lực của thôn với 100 ha. Thôn đã thành lập được Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Vĩnh Tân và làng nghề đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. Nhờ cây chè, thu nhập của người dân trong thôn đã đạt từ 35 - 40 triệu đồng/người/năm. Hiện, toàn thôn chỉ còn hai hộ nghèo, giảm được 22 hộ so với năm 2011.
Là một trong những gia đình thoát nghèo nhờ cây chè, anh Phạm Văn Vịnh, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào chia sẻ: "Gia đình tôi có hơn 1 ha chè, trước đây do chăm sóc không đúng kỹ thuật nên năng suất, chất lượng không cao, giá chè cũng thấp nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Từ khi thôn thành lập được Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Vĩnh Tân, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trong thôn đã chú ý hơn đến việc nâng cao chất lượng cây chè. Đặc biệt, khi chè Vĩnh Tân đạt Cúp đồng cuộc thi “Búp chè vàng” tại Festival trà Thái Nguyên lần thứ 2 (2013), giá chè đã cao hơn. Cây chè đã giúp gia đình tôi và nhiều hộ khác trong thôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu".
Ông Hoàng Cao Khải - Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: Đời sống kinh tế của người dân ở Tân Trào hiện nay đã có bước phát triển vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 16%, đến nay giảm còn 2,27%); 100% số trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia; hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng và hoàn thiện, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn và tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất…
Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, Tân Trào sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tập trung các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, trọng tâm là sản xuất nông lâm nghiệp và dịch vụ du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Tân Trào trong việc xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao.
Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường; thực hiện tốt quy ước, hương ước thôn bản; tiếp tục huy động sự đóng góp, đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân để xây dựng hạ tầng du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch, tạo việc làm cho người dân địa phương...Tân Trào phấn đấu giữ vững đạt chuẩn nông thôn mới qua các năm làm cơ sở đề nghị công nhận đạt chuẩn 5 năm về nông thôn mới.
Vũ Quang Đán
TTXVN