Chuyên gia lên án hành vi ngược đãi ngư dân Việt Nam của tàu Trung Quốc
- Thứ năm - 18/08/2016 16:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại hội thảo quốc tế: “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông” tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) trong 2 ngày 17/8 và 18/8, GS Jeong Gab Yong, Đại học Youngsan (Hàn Quốc), đưa ra những lập luận khẳng định, bản đồ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là “rất mơ hồ, bất hợp pháp, không có giá trị pháp lý”, trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ông cho rằng, nguyên nhân chính làm cho Biển Đông bất ổn, phức tạp là do yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc.
Theo GS Jeong Gab Yong, vấn đề Biển Đông hiện nay cần phải được giải quyết phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Đặc biệt, ông nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc, một quốc gia có trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình, an ninh trong cộng đồng quốc tế vì nước này là một trong 5 nước Thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
“Theo quan điểm của tôi, vấn đề cơ bản nhất gây ra những xung đột đó chính là yêu sách về “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Để giải quyết được các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, Trung Quốc cần phải từ bỏ yêu sách về “đường chín đoạn” một cách tự nguyện và ngay lập tức”, GS Jeong Gab Yong nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Dân trí, GS. Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine (Mỹ), cho rằng, việc các tàu cá Trung Quốc rượt đuổi, bắt bớ, ngược đãi đối với ngư dân Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam là không thể chấp nhận được, vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), vi phạm luật pháp quốc tế.
“Không thể làm như vậy. Tôi nghĩ rằng khi họ làm như vậy thì Việt Nam nên kiện ngay”, GS. Ngô Vĩnh Long nêu quan điểm. Ngoài ra, GS Long cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay, ngoài sự đoàn kết của ASEAN, Việt Nam cần hợp tác với các nước ven biển, vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Bà Amy Searight, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Quốc tế (CSIS), cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tạo ra một “tiền lệ tốt” về việc giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay.
“Về ảnh hưởng chiều sâu của phán quyết, như các bạn thấy, đây là phán quyết luật pháp quốc tế, vì vậy nó có tính ràng buộc. Tuy nhiên, chúng ta không có một lực lượng nào, không có quân đội, không có cảnh sát để thực thi phán quyết này. Vì vậy, tôi cho rằng, các nước cần phải kiên định, đoàn kết để có thể buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của luật pháp quốc tế”, bà Amy Searight nhấn mạnh.
Hội thảo quốc tế: “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), thảo luận 3 nội dung, gồm: “Quy chế pháp lý của đảo và đá trong luật pháp quốc tế”; “Tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; “Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc”. Hội thảo đã thu hút nhiều chuyên gia, học giả quốc tế có uy tín tham dự.
Các học giả trong nước, quốc tế đồng thuận 6 điểm
Sau Hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”, các học giả quốc tế và Việt Nam tham dự hội thảo đã đi đến những đồng thuận cơ bản, gồm:
1. Nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông;
2. Khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế ở Biển Đông đối với không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế;
3. Tái khẳng định nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (Công ước) và việc áp dụng nguyên tắc này đối với các tranh chấp ở Biển Đông;
4. Hoan nghênh phán quyết chung thẩm và mang tính ràng buộc được Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước đưa ra ngày 12/7/2016 đã giúp thu hẹp phạm vi các khu vực có tranh chấp và mở ra cơ hội mới cho việc giải quyết các tranh chấp, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Biển Đông;
5. Nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc an ninh khu vực và việc thúc đẩy các tiến trình ngoại giao và pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc, thực thi đầy đủ DOC và sớm tiến tới COC, qua đó mở ra cơ hội mới cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông;
6. Bày tỏ mong muốn tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm quốc tế về chủ đề Biển Đông nhằm mở rộng mạng lưới giữa các viện nghiên cứu và các học giả trên thế giới để thông tin đến dư luận, đưa ra các khuyến nghị chính sách tới các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, và một trật tự pháp lý ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Viết Hảo