Chính phủ dừng việc bảo lãnh vay tiền để đảm bảo nợ công
- Thứ bảy - 27/08/2016 15:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký văn bản yêu cầu tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay; tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, thông tin, báo cáo đối với các dự án được Chính phủ bảo lãnh. Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ các dự án bảo lãnh kém hiệu quả, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể.
Trước hết, Thủ tướng yêu cầu hạn chế việc cho vay ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ nếu doanh nghiệp vẫn còn có thể huy động từ các nguồn vốn khác. Các doanh nghiệp phải nỗ lực tự thu xếp nguồn vốn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, đàm phán với bên cho vay để tái cơ cấu khoản vay.
Thủ tướng lưu ý, trong năm 2016, xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ. Từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể.
Đối với các dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh, tăng cường công tác thẩm định và tuân thủ các tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bên cạnh các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện phương án tái cơ cấu tài chính dự án đã được Thủ tướng phê duyệt trong năm 2016, đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh khẩn trương thực hiện việc thế chấp tài sản theo quy định trong năm 2016. Đối với các trường hợp đặc thù, Bộ chủ quản báo cáo Thủ tướng xem xét.
Trường hợp dự án đã hình thành xong tài sản nhưng chủ đầu tư không thực hiện thế chấp cho Bộ Tài chính theo yêu cầu, Thủ tướng giao Bộ Tài chính yêu cầu chủ đầu tư trả nợ trước hạn để tất toán bảo lãnh Chính phủ.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phù hợp để đảm bảo công tác cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ ngày càng hiệu quả theo hướng phù hợp với Luật quản lý nợ công sửa đổi và định hướng của Chính phủ về bảo lãnh.
Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nợ trong việc đảm bảo tuân thủ quy định của người được bảo lãnh, cơ chế xử lý và áp dụng chế tài theo quy định đối với các doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Giám sát chặt hạn mức vay nợ nước ngoài của DN
Thủ tướng cũng có ý kiến chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tình hình vay trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp năm 2015.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường xuyên giám sát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức vay trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp, chủ động thông tin kịp thời cho Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về hạn mức vay khi cần thiết; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử trong lĩnh vực quản lý vay, trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp.
Ngân hàng nhà nước đồng thời phải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo kế hoạch vay và trả nợ của doanh nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả giai đoạn 2017-2020 có tính đến các dự án đang xem xét cấp phép mới và thông báo cho Bộ Tài chính để cập nhật Chương trình quản lý nợ trung hạn, tổng hợp xây dựng hạn mức vay hàng năm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giới hạn mức vay nước ngoài của doanh nghiệp trong mối quan hệ với quản lý tài chính doanh nghiệp, khả năng áp dụng các nội dung này trong điều kiện khung pháp lý và thực tiễn của Việt Nam để xây dựng điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết, đảm bảo mức vay nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn, báo cáo và đề xuất giải pháp với Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng cơ cấu vốn của khối doanh nghiệp FDI để đánh giá mức độ rủi ro của việc phụ thuộc nhiều vào vay nước ngoài của khối doanh nghiệp FDI; định hướng và giải pháp khắc phục chiến lược vốn mỏng của các doanh nghiệp FDI.
P.T