Chậm triển khai bồi thường vụ Formosa, các Bộ nói gì?
- Thứ tư - 31/08/2016 22:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vấn đề bồi thường thiệt hại vụ Formosa được người dân cả nước quan tâm.
Đại diện 2 Bộ Nông nghiệp, Y tế nhận được nhiều câu hỏi trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra tối muộn ngày 31/8 về việc chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người dân thiệt hại tại 4 tỉnh miền Trung sau vụ Formosa đầu độc biển.
Nói về việc các cơ quan chậm triển khai hoạt động bồi thường cho người dân 4 tỉnh miền Trung từ khoản 500 triệu USD Formosa đã nộp đủ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám khái quát, sự quan tâm của dư luận và người dân với vấn đề này rất lớn. Bộ Nông nghiệp, theo phân công của mình, cũng đang tích cực hướng dẫn địa phương kê khai thiệt hại, tính toán việc bồi thường cũng như hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp từ sự cố Formosa đầu độc biển.
Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Bộ Nông nghiệp đã tổ chức nhiều tổ công tác đến từng địa phương, cơ sở để lắng nghe ý kiến nhân dân, hướng dẫn việc niêm yết, công khai minh bạch việc kê khai.
Ngày 27/8 vừa qua, tại cuộc họp với các địa phương ở Huế, tinh thần thống nhất với hướng dẫn kê khai Bộ Nông nghiệp đưa ra rất cao. Các địa phương chỉ đề nghị, việc kê khai rất nhiều, phức tạp mà thời hạn ngày 10/9 mà Thủ tướng chỉ đạo khó thực hiện kịp. Vì vậy, các địa phương thống nhất xin lùi thời hạn chốt việc thống kê thiệt hại thêm 5 ngày, đến 15/9.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình sau khi nghe báo cáo của liên bộ Bộ Nông nghiệp – Tài chính về việc này đã đồng ý cho lùi thời hạn, giao Bộ Tài chính chủ trì phân bổ tiền bồi thường để cuối tháng 9 có thể tiến hành chuyển tiền về cho các địa phương.
Những việc liên quan đến định mức, đơn giá để tính toán ở từng địa phương, gửi lên Bộ Tài chính để thống nhất đơn giá chung là một quy trình nhiều thủ tục, phức tạp.
“Các bộ ngành đã vào cuộc rất quyết liệt, nỗ lực lớn. Vậy nên vấn đề không phải là nhanh chậm mà làm sao để những người bị thiệt hại được kê khai không sót trường hợp nào và việc bồi thường phải minh bạch, mang lại hiệu quả” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Về vấn đề còn gần 4.000 tấn hải sản tồn trong các kho đông lạnh, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời, Bộ Y tế đang phối hợp chặt với Bộ Nông nghiệp để ban hành hướng dẫn cho 4 tỉnh miền Trung với nguyên tắc đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu. Bộ Y tế yêu cầu phân lô tất cả các kho lạnh và lấy mẫu cá ở các kho này để đưa về phòng thí nghiệm được xác nhận. Chỉ những lô cá đạt tiêu chuẩn, an toàn mới được lưu hành, còn nếu không sẽ buộc phải tiêu huỷ và thực hiện bồi thường theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng giải thích, việc này không đơn giản và sẽ tốn không ít thời gian.
P.Thảo