Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Bâng khuâng cảm xúc ngày Quốc khánh đầu tiên

Bâng khuâng cảm xúc ngày Quốc khánh đầu tiên
71 năm sau Cách mạng tháng Tám lịch sử, cảm xúc về những ngày đầu cầm gậy gộc, giáo, mác cùng cờ sao năm cánh tham gia phong trào khởi nghĩa giành chính quyền (tháng 8/1945) vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những vị lão thành cách mạng. Những thanh niên thuộc thế hệ đầu tiên tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám và tận hưởng niềm vui vô bờ khi đất nước được khai sinh ngày 2/9/1945, nay đều đã bước sang tuổi 90...

Mỗi khi nhớ về dịp Quốc khánh đầu tiên (2/9/1945), họ vẫn tràn đầy cảm xúc khi được trở thành những công dân tự do của một đất nước độc lập, được thoát ra khỏi ách áp bức của chế độ thực dân, phong kiến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp các cán bộ lão thành cách mạng, trong đó có ông Hoàng Kim Phùng trong chuyến vào làm việc tại tỉnh Quảng Trị

Rạo rực khí thế ngày Tổng khởi nghĩa

Ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp tiếp xúc và trò chuyện với ông Hoàng Kim Phùng (SN 1927, ở TP Đông Hà, Quảng Trị), cán bộ tiền khởi nghĩa, từng tham gia phong trào thanh niên kháng Nhật và lễ mít tinh chào mừng Quốc khánh 2/9/1945.

Cán bộ tiền khởi nghĩa kể về thời khắc giành chính quyền và mít tinh mừng Quốc khánh 2/9

Ông Phùng tham gia cách mạng lúc 18 tuổi, dưới ngọn cờ của Việt Minh, ông hăng hái đứng vào hàng ngũ thanh niên tham gia tuyên truyền người dân chống Nhật. Ông Phùng kể: Hồi đó, lúc nhận lệnh cấp trên chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, người dân rất hăng hái, quyết tâm đứng lên chống giặc. Trước thời điểm đó, nhân dân Nam Bộ và một số địa phương trong nước đã tham gia khởi nghĩa và thành công cũng khiến người dân các địa phương còn lại phấn khởi và cảm thấy có động lực.

Ông Phùng nhớ lại cảm xúc những ngày đầu tham gia Tổng khởi nghĩa và mít tinh mừng Quốc khánh đầu tiên

“Ngày 23/8, người dân tỉnh Quảng Trị đồng loạt đổ ra đường, gây sức ép khiến quân Nhật khiếp sợ. Tiếp đó, người dân vùng Đông Hà, Cam Lộ với đủ các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, người già cầm theo gậy gộc, giáo, mác… biểu tình thị uy, kết hợp với lực lượng có vũ trang để cướp chính quyền từ tay quân Nhật. Tại Đông Hà, khí thế rất tưng bừng, có đông đảo tầng lớp công nhân, hơn nữa lại có lực lượng nội ứng bên trong nên chính quyền Nhật nhanh chóng sụp đổ. Tại Cam Lộ cũng tập trung khá đông quân Nhật, nhưng bị phía ta gây áp lực buộc địch co lại và tự tan rã. Nhân dân ta đã giành được chính quyền từ tay Nhật một cách nhanh chóng”, ông Phùng tiếp tục câu chuyện.

Hơn 7 thập kỷ trôi qua nhưng khi kể lại những ngày đầu tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, Đại tá Lương Chí Hiền (thôn Vân Hòa, tổng An Cư), nay là xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong vẫn nhớ như in về không khí rạo rực vào thời khắc nhân dân đứng lên Tổng khởi nghĩa.

Theo ông Hiền, đó là những ngày gần cuối tháng 8/1945, cùng với nhân dân khắp nơi trong tỉnh, người già, người trẻ, phụ nữ, thanh niên trong tổng An Cư âm thầm, phấn khởi chuẩn bị các điều kiện để chờ ngày Tổng khởi nghĩa. Lúc bấy giờ ông Hiền mới 18 tuổi, tham gia sinh hoạt thanh niên tại địa phương.

Dù bước qua tuổi 90 nhưng ông Hiền vẫn rất minh mẫn, vẫn nghiên cứu tài liệu, sách báo thường xuyên

Ông Hiền nhớ lại: “Trước ngày khởi nghĩa, mọi phương tiện, vũ khí như: gậy gộc, giáo, mác, dụng cụ lao động đã được chuẩn bị sẵn sàng. Chiều 22/8, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Tờ mờ sáng 23/8, tôi hòa vào dòng người của thôn Vân Hòa, trên tay cầm vũ khí giáo mác, dây, gậy, cờ đỏ sao vàng tiến về đình làng tập hợp thành từng trung đội để kéo quân lên tập kết tại đường 64. Đây chính là một trong bốn địa điểm tập kết của các đội vũ trang để tiến vào thị xã theo 4 cánh quân lớn. Dọc đường, người dân vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo chính quyền bù nhìn Bảo Đại - Trần Trọng Kim”, “Việt Minh muôn năm! Độc lập, tự do muôn năm!””.

Khí thế sục sôi mạnh mẽ, từng đoàn người kéo quân về thị xã như một dòng thác. Lúc 1h ngày 23/8/1945, các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu cũng đã đột nhập vào nội thị chiếm lĩnh tất cả các vị trí đã được phân công từ trước. Cùng lúc, các đơn vị làm nhiệm vụ biểu tình thị uy chính trị cũng từ các hướng tiến về thị xã. Theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, toàn bộ các đơn vị chuyển sang biểu tình thị uy. Chính quyền địch hoàn toàn tê liệt, không có cơ hội phản ứng. Đúng 5h ngày 23/8, cờ 5 cánh của Việt Minh được treo trên dinh tỉnh trưởng.

“Vào 9h ngày 23/8, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trước tòa công sứ Pháp (lúc này là trụ sở của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị), đồng chí Trần Hữu Dực tuyên bố xoá bỏ chính quyền bù nhìn, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị. Lời tuyên bố vừa dứt, quần chúng nhân dân phấn khích vỗ tay, niềm vui, hạnh phúc như vỡ òa sau bao tháng ngày chịu cảnh lầm than áp bức”, ông Hiền bồi hồi kể tiếp.

Niềm tin vào sự thắng lợi của cách mạng

Nhớ lại cảm xúc ngày Quốc khánh đầu tiên, ông Phùng vẫn mang tâm trạng bồi hồi. “Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Ngày 3/9 tại Quảng Trị mới tổ chức lễ mít tinh. Dù được tổ chức muộn nhưng lễ mít tinh được tổ chức tại Sân vận động Cam Lộ vẫn thu hút hàng vạn người tham gia.

Ngày Quốc khánh đầu tiên, nhân dân các địa phương dọn đường khá sạch sẽ, treo cờ, hoa, khẩu hiệu rất khí thế. Mọi người ai cũng vui sướng, phấn khởi vì cảm xúc mới lạ, rạo rực ấy đã được nhen nhóm từ thời điểm Cách mạng tháng Tám. Bản thân tôi cũng dâng trào cảm xúc, bởi từ đây mọi người được trở thành những công dân tự do của một đất nước độc lập”.

Sau ngày đất nước giành được độc lập, ông Phùng tiếp tục tham gia lực lượng Dân quân tự vệ địa phương. Sau đó, ông được tổ chức phân công làm Chánh văn phòng huyện ủy, đến năm 1950 làm cán bộ Tỉnh ủy, phụ trách công tác tuyên huấn.

Năm 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền, ông được tổ chức bố trí ở lại hoạt động ở miền Nam, tích cực bám dân để tuyên truyền phục vụ sự nghiệp thống nhất đất nước. Sau đó, đến năm 1956 thì bị địch bắt và đưa đi đày ở Côn Đảo cùng với nhiều cán bộ, chiến sĩ yêu nước.

Dù bị đich tra tấn dã man, những cán bộ, chiến sĩ bị bắt giam vẫn kiên trì chịu đựng, quyết không để lộ bí mật làm ảnh hưởng đến cách mạng. Sau 18 năm bị tù đày, ông trở về và được phân công làm Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ. Cuối năm 1977, được tổ chức Đảng tín nhiệm phân làm Phó Bí thư thị xã Đông Hà cho đến lúc nghỉ hưu. Hiện ông Phùng đã trải qua 68 năm tuổi Đảng.

Sau 9 năm tham gia kháng chiến chống Pháp, ông Lương Chí Hiền tiếp tục theo cách mạng. Ông Hiền đã từng tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận từ đồng bằng Bắc Bộ, rồi đi B, tham gia chiến đấu bảo vệ Thành Cổ… Từ một chiến sĩ kiên cường của Chi đội Thiện Thuật ông đã mang cấp hàm Đại tá với nhiều thành tích vẻ vang trong chiến đấu.

Mặc dù nghỉ hưu nhưng ông Phùng vẫn dõi theo sự phát triển, thay đổi của quê hương

Trải qua nhiều giai đoạn hoạt động cách mạng, nhiều cương vị khác nhau và từng chứng kiến nhiều thời khắc quan trọng của lịch sử, nhưng đối với ông Hoàng Kim Phùng và Đại tá Lương Chí Hiền, hồi ức đẹp về những ngày đầu kháng chiến, được hòa vào dòng người tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, tham gia mít tinh mừng ngày Quốc khánh đầu tiên là những dấu ấn không thể mờ phai.

Ông Hiền tâm sự rằng: “Có trải qua những năm tháng lầm than chịu ách thống trị của giặc Pháp, của phát xít Nhật mới thấu hiểu được ý nghĩa lớn lao của Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, chủ vận mệnh dân tộc. Với ông, cuộc cách mạng này đã mở lối vào con đường binh nghiệp sau này”.

Còn đối với ông Phùng, ông vẫn đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vui mừng trước sự thay đổi của đất nước, quê hương: “Không có sự dẫn dắt của Đảng thì đất nước ta khó có thể vượt qua được khó khăn để đi đến thống nhất. Trong sự phát triển tất yếu đó, dẫu có nhiều vẫn đề nảy sinh nhưng nhờ có Đảng lãnh đạo mà đất nước mới có được sự thay đổi tích cực như ngày hôm nay”.

Đăng Đức

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây