Ý tưởng ghép đầu người ở Việt Nam bao giờ thành hiện thực?
- Thứ sáu - 09/12/2016 21:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện Việt Nam vẫn còn hàng nghìn người đang chờ ghép tạng.
Tại buổi giao lưu trực tuyến "Hiến tạng: Sẻ chia sự sống và khía cạnh pháp lý" ngày 9/12 do Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, ý tưởng về việc ghép đầu người không phải là mới, trên thế giới và Việt Nam đều có những chuyên gia đã nghiên cứu cũng như thực hiện một số ca cấy ghép trên động vật.
Tại Việt Nam cũng đã từng thực hiện 2 ca ghép đầu động vật (chó) vào năm 1968. Tuy nhiên các mẫu vật sau đó chỉ sống được từ 3-10 tiếng.
“Ghép đầu không phải là quá viển vông, tuy nhiên giới khoa học hiện chưa tin tưởng vào khả năng của việc ghép đầu do chưa thể khiến cơ thể sau ghép vận động tứ chi bình thường do tuỷ sống đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi ghép”, ông Hệ nói.
Theo ông Hệ, hiện nay có một Giáo sư hệ thần kinh người Ý dự định thực hiện một ca ghép đầu tại Trung Quốc vào năm 2017 tuy nhiên chưa rõ là ca ghép có thành công hay không. Mặc dù khó tin nhưng mọi thứ đều có thể với khoa học nên hy vọng thế giới và Việt Nam sớm thực hiện được ca ghép đầu thành công trong tương lai.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, những bộ phận người bình thường có thể hiến rất nhiều mô như: gân, da, giác mạc… Tạng gồm có: gan, phổi, tim, thận, ruột, tủy…
Tuy nhiên, với trường hợp là người sống muốn hiến mô, tạng thì chỉ hiến được một số bộ phận như: Thận nếu quả thận còn lại hoàn toàn khỏe mạnh; Có thể hiến một phần của lá gan; Trường hợp với người chết não, có thể hiến tim, phổi. Tim chỉ có thể hiến trong trường hợp chết tim 4 tiếng và chết não trong vòng 24h. Đặc biệt một người chết não với các tạng bình thường có thể tận dụng tất cả các mô tạng này, cứu sống tới 50 người.
PGS.TS Đồng Văn Hệ cũng cho biết, do chúng ta làm truyền thông chưa tốt, bởi quan niệm, phong tục tập quán của đa số người Việt hiện nay là chết phải toàn thây nên không có ý định hiến mô, tạng sau khi qua đời.
“Việc truyền thông về hiến mô tạng phải cần tới 10-20 năm, thậm chí nhiều hơn nữa nhằm thay đổi nhận thức của người dân. Ví dụ như hiến máu nhân đạo, cách đây hơn chục năm là cái gì đó rất khó, người ta chỉ bán mà ít khi hiến. Nhưng hiện tại, hiến máu nhân đạo đã trở thành phong trào được nhiều người tham gia”, ông Hệ cho hay.
60.000 người suy thận đang chờ ghép tạng Chỉ tính riêng đối với bệnh nhân có nhu cầu ghép thận thì có 60.000 người suy thận. Trong những trường hợp này, chỉ ghép tạng là giải pháp cuối cùng. “Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục”, ông Nguyễn Hoàng Phúc nói. Ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…. Thống kê tại một số bệnh viện lớn như: BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy… trung bình một ngày có từ 2-4 bệnh nhân chết vì chấn thương sọ não, thậm chí có ngày ở BV Việt Đức có đến 18 ca chết não (do TNGT, chấn thương sọ não…dẫn tới tử vong) nhưng không có trường hợp nào tự nguyện hiến mô, tạng. Số lượng người không may mắn này là rất lớn, nhưng số lượng mô, tạng được hiến và cứu sống người bệnh vẫn khiêm tốn. |