Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Việt Nam liệu có khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2017?

Việt Nam liệu có khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2017?
Phải tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ, Việt Nam mới đạt mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2017.

Để phòng viêm gan B, cách tốt nhất là tiêm đầy đủ 4 mũi cho trẻ. 

Tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về điểm nhấn trong công tác tiêm chủng mở rộng và những thách thức trong năm 2017,  TS. Dương Thị Hồng, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, hiện nay tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B thấp.

Người dân thiếu lòng tin từ một số sự cố trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B, dù các chuyên gia y tế đã xác định nguyên nhân của những sự cố đó không phải do vắc-xin. Đa phần các bà mẹ đồng ý cho con tiêm là vì tin bác sĩ chứ chưa thực sự hiểu vì sao phải tiêm ngay trong 24h đầu sau sinh.

Ngoài ra, một số bệnh viện còn ngần ngại thậm chí còn có cán bộ tiêm chủng sợ tiêm vắc-xin này.

Bà Hồng cho rằng, đây là mối lo và cũng là vấn đề cần tiếp tục phải được ưu tiên khi mục tiêu giảm tỉ lệ mắc viêm gan B sơ sinh cho trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% vào năm 2017 của Chương trình tiêm chủng mở rộng đang đến gần.

“Việt Nam cần phải tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ mới đạt mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2017”, bà Hồng cho hay.

Theo TS. Dương Thị Hồng, vắc-xin viêm gan B là vắc-xin tái tổ hợp, bất hoạt, được điều chế từ huyết tương người lành mang kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg) không có triệu chứng lâm sàng, vì vậy không có khả năng gây ra độc lực. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về chất lượng vắc-xin mà hãy cho trẻ đi tiêm đúng lịch để bảo vệ thế hệ tương lai. 

“Vắc-xin này tuyệt đối an toàn, không gây ra những phản ứng phụ đáng kể, song cũng có thể gây đau nhẹ tại chỗ tiêm, nhưng sẽ hết vài ngày sau khi tiêm”, TS. Dương Thị Hồng thông tin.

Theo các chuyên gia y tế, để phòng viêm gan B, cách tốt nhất là tiêm đầy đủ 4 mũi cho trẻ, trong đó mũi thứ nhất phải được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Trường hợp người mẹ không mắc viêm gan B, trẻ vẫn cần phải được tiêm vắc-cin này vì trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh.

Trẻ dưới 10 tuổi bị nhiễm virus viêm gan B thì 90% trở thành mạn tính, 80% trường hợp dẫn tới ung thư gan và xơ gan do liên quan đến viêm gan B mạn tính. Nếu trẻ được tiêm vắc-xin sớm có thể ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B, thậm chí sau khi phơi nhiễm virus này.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây