Vì sao khi ăn uống không nên vừa cười vừa nói?
- Chủ nhật - 16/04/2017 02:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cảnh báo, nếu vừa ăn vừa cười nói thì rất dễ bị sặc.
Bác sĩ Cấp lý giải, do cấu trúc giải phẫu vùng hầu họng con người là một ngã 4, thông ra mũi, miệng; thông vào khí quản (phổi) và thực quản (dạ dày). Bình thường có nắp thanh môn đậy kín thanh môn là cửa thông vào khí quản. Khi chúng ta hít thở, thực quản xẹp lại và nắp thanh môn mở để khí quản mở thông ra mũi, khi cười nói thì khí quản mở thông ra miệng, còn khi nuốt thì nắp thanh môn đóng lại và miệng thông vào thực quản.
“Nếu vừa ăn vừa cười nói thì thanh môn mở trong lúc hầu họng có thức ăn nên dễ bị sặc”, bác sĩ Cấp cảnh báo.
Để không bị sặc khi ăn, bác sĩ Cấp khuyến cáo mọi người không nên vừa ăn vừa nói. Ngoài ra, đối với người già, không cho ăn vật cứng và khi ăn nên ở tư thế ngồi. Tốt nhất, người cao tuổi nên ăn thức ăn xay nhừ. Khi uống nước hoặc ăn thức ăn quá lỏng (dễ gây sặc) phải vừa uống vừa cúi đầu và uống từ từ. Người chăm sóc chú ý động tác nuốt thức ăn hay thức uống của người già. Sau khi người già nuốt xong muỗng trước mới tiếp tục đút muỗng tiếp theo.
Đối với trẻ nhỏ, người lớn nên đút thức ăn từng muỗng nhỏ, từ từ, chọn thức ăn phù hợp, nhất là thời kỳ ăn giặm. Thận trọng khi trẻ vừa ăn vừa khóc, nói chuyện, hoặc la hét, chơi đùa nghịch ngợm. Trẻ chưa mọc đủ răng hàm thì không cho ăn thức ăn cứng như hạt đậu phộng, trái cây sống còn cứng như mận, ổi, củ cải, cà rốt sống...
Bệnh nhân bị sặc, hóc phải nhập viện.
Khi bị sặc thức ăn, bác sĩ Cấp khuyến cáo, sơ cứu bằng thủ thuật Heimlich.
Với người lớn, để bệnh nhân đứng, người cúi ra trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay ôm bụng sát trên xương ức dùng cả thân người mình giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực tống dị vật ra. Cần làm động tác nhanh và dứt khoát.
Khi nạn nhân ngã xuống phải lật nghiêng người hoặc nằm ngửa nhưng đầu nghiêng. Sau đó lấy hai bàn tay ấn vào phía trên xương ức thật mạnh từng cái một. Sau mỗi đợt ép dùng 2 - 3 ngón tay để móc khoang miệng kiểm tra xem dị vật ra chưa.
Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên một cánh tay, dùng lòng bàn tay kia vỗ lưng 5 lần mạnh và nhanh vùng giữa 2 xương bả vai, sau đó lật ngửa trẻ lại. Nếu còn khó thở, dùng 2 ngón tay ấn ngực 5 lần. Trẻ 5 – 7 tuổi thì đặt em bé vắt qua đùi, vỗ 5 cái vào vùng lưng phía sau phía trên ngực.