Trẻ nhập viện vì mẹ tin lang băm dùng thuốc nam nhiễm độc chì
- Thứ sáu - 14/10/2016 05:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm độc chì với các nguyên nhân khác nhau. Phần lớn bệnh nhân nhi bị nhiễm độc chì là do sử dụng các loại thuốc cam có chứa chì, với người lớn làm việc trong các môi trường hoàn cảnh ô nhiễm có chứa chì cao.
Được biết, có trường hợp trẻ ngộ độc chì nặng vì dùng thuốc cam chữa loét miệng. Cháu bé mới chỉ 4 tuổi (Mỹ Đức, Hà Nội) đươc mẹ mua thuốc cam ở chợ gần nhà để bôi tưa lưỡi và hăm mông.
Thế nhưng, cũng vì chữa bệnh theo cách truyền miệng mà cháu bé phải nhập viện trong tình trạng còi cọc, thiếu máu. Tại Trung tâm chống độc, sau khi các bác sĩ làm xét nghiệm, gia đình mới biết bé bị nhiễm chì rất nặng từ loại thuốc cam.
Rất nhiều trường hợp ngộ độc chì do uống thuốc cam không rõ nguồn gốc.
Theo các bác sỹ chuyên khoa, trẻ em ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là tình trạng ngộ độc mãn tính. Vì không chỉ nhiễm chì trong máu mà chì còn xâm nhập vào các tổ chức xương, não, các bộ phận khác trên cơ thể… khiến trẻ chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, thời gian qua, có nhiều loại thuốc cam, thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc, có chứa hàm lượng chì cao vẫn được lưu hành bất hợp pháp. Những loại thuốc này có hại cho sức khỏe và đây là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp ngộ độc, đặc biệt ở trẻ em tại các tỉnh miền Bắc.
Theo BS.Nguyên, biểu hiện nhiễm độc chì rất khác nhau, một số bệnh nhân có biểu hiện rõ ràng như thiếu máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, co giật, tuy nhiên đại đa số các bệnh nhân đều có triệu chứng kín đáo, nhẹ, nên chủ quan không đi khám.
Nhiều lang băm bốc thuốc có chứa chì gây nguy hiểm (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, bị nhiễm độc chì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ, lượng chì máu càng tăng sẽ càng làm giảm chỉ số thông minh ở trẻ. “Khi sống trong môi trường bị nhiễm chì, mức độ tiếp nhận chì vào trong cơ thể của trẻ em cao hơn rất nhiều so với người lớn”, bác sĩ Nguyên nói.
Các bác sĩ cảnh báo, chì vào cơ thể qua các đường hô hấp (hít phải bụi, không khí, khói, hơi có chì); qua đường tiêu hóa; qua da; qua nhau thai (chì qua nhau thai nên mẹ bị ngộ độc chì thì con cũng bị ngộ độc. Nồng độ chì trong máu của con bằng 80% nồng độ chì trong máu mẹ).
Các bác sĩ khuyến cáo, điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc chì mãn có thể kéo dài hàng năm trời và những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục.
Như trường hợp của bệnh nhi 5 tuổi ngộ độc chì vì uống thuốc nam chữa động kinh được điều trị tại Trung tâm Chống độc trước đó. Bé bị động kinh nhẹ, điều trị tây y ổn định, bé nhận thức bình thường, vẫn đi mẫu giáo, biết nhảy múa, ca hát… nhưng thỉnh thoảng cháu vẫn có cơn giật nhẹ.
Muốn con khỏi hoàn toàn nên người nhà đã cho uống thuốc nam. Từ nhanh nhẹn, bé trở thành đứa trẻ nhận thức chậm, không nhận ra người thân quen, không phân biệt được đồ ăn… sau 1 thời gian uống thuốc nam có chì.
Qua hơn một năm điều trị, chì được thải độc khỏi cơ thể bé nhưng những di chứng về thần kinh (nhận thức kém) thì không thể phục hồi.