Số người chết vì ung thư cao gấp 10 lần so với tai nạn giao thông
- Chủ nhật - 09/10/2016 02:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện tượng gia tăng bệnh ung thư cũng xảy ra ở các nước đang phát triển đến các nước chậm phát triển.
Xu hướng gia tăng bệnh ung thư
Theo Giáo Sư Peter Boyle, Giám đốc Viện Sức khỏe công cộng toàn cầu của Đại Học Strathclyde, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em chào đời. Do tăng dân số, già hóa dân số nên số bệnh nhân bị ung thư càng gia tăng.
Hiện tượng gia tăng bệnh ung thư cũng xảy ra ở các nước đang phát triển đến các nước chậm phát triển.
Theo thống kê toàn cầu hiện có khoảng 23 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, trong đó mỗi năm có hơn 14 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong.
Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 189 nghìn người mắc ung thư mỗi năm. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 94 nghìn người chết vì ung thư, gấp gần 10 lần so với tai nạn giao thông.
Ngoài ra, tuổi bị ung thư ở Việt Nam thường từ 40 – 50, đây là lứa tuổi đang đóng góp cho lao động xã hội nhiều nhất. Các bệnh ung thư người Việt Nam mắc phải nhiều nhất là ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
Theo số liệu này, WHO xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc top 1). Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỉ lệ tử vong 110/100.000 người, ngang với tỉ lệ tại Phần Lan, Somalia, Turmenistan.
Theo PGS Bùi Diệu – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương- trong những năm gần đây số bệnh nhân ung thư được chẩn đoán ngày càng gia tăng, hậu quả tất yếu từ thuốc lá, môi trường ô nhiễm, việc sử dụng tràn lan thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật cũng như việc thay đổi thói quen sống, thói quen ăn uống.
Sự xuất hiện của các làng ung thư, sự quá tải bệnh viện đã gây ra rất nhiều khó khăn cho thầy thuốc và người bệnh.
Người dân còn chưa hiểu hết về ung thư
PGS Diệu cho biết, theo nghiên cứu hồi cứu các ca bệnh ung thư tại 5 bệnh viện lớn chuyên khoa ung bướu, có tới gần 71% bệnh nhân đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn.
Điển hình như ung thư đại trực tràng giai đoạn I và II chiếm 32%, giai đoạn muộn chiếm 68,48%; ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm chiếm khoảng 46%, giai đoạn muộn chiếm gần 54%...
Lý giải về nguyên nhân này, các bác sĩ chuyên ngành ung thư cho hay là do tỷ lệ người dân có hiểu biết về ung thư khá thấp, nhiều người có quan niệm ung thư là bệnh nan y không thể chữa, chỉ chờ chết.
Điều này thể hiện khá rõ qua kết quả khảo sát cộng đồng ở 12 tỉnh, thành về kiến thức, thực hành phòng chống bệnh ung thư của BV K TƯ.
Cụ thể, chỉ có 35% hiểu biết về bệnh ung thư, có tới 67% người cho rằng ung thư là bệnh nan y, phát hiện sớm hay muộn cũng thế thôi và gần 36% cho rằng bị ung thư nếu đụng dao kéo sẽ di căn sớm và chóng chết.
Hiện tỉ lệ chữa khỏi ung thư (sống trên 5 năm) ở nam giới đạt 33%, ở nữ khoảng 40%, trong khi nhiều nước phát triển con số này đã lên tới 70-80%.
Ông Bùi Diệu cũng chia sẻ, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, 40% ung thư có thể dự phòng, 30% ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, 30% có thể kéo dài thời gian sống, cải thiện cuộc sống nhờ can thiệp bằng kỹ thuật.
Chính vì vậy, công tác phòng chống ung thư tại Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, nâng cao nhận thức đúng của cộng đồng về bệnh ung thư với con số 40% người dân có hiểu biết đúng; 80% cán bộ y tế được đào tạo biện phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư.
Bên cạnh đó, tổ chức sàng lọc phát hiện ung thư vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng, góp phần giảm từ 15-20% bệnh nhân ung thư được chẩn đoán và điều trị giai đoạn muộn; thành lập và đưa vào hoạt động các đơn vị điều trị đau và chăm sóc chấn thương giảm nhẹ tại các cơ sở phòng chống ung thư.
Điều này quan trọng bởi hiện với hơn 70% bệnh nhân đến viện mắc ung thư ở giai đoạn muộn, hầu hết bệnh nhân phải chịu đớn đau, vật vã trong những ngày cuối của cuộc đời vì căn bệnh ung thư gây ra.