Những điều ít biết về quầng sáng lạ trên bầu trời Gia Lai
- Thứ bảy - 18/03/2017 15:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện tượng thiên nhiên trên bầu trời Gia Lai vào sáng 17.3. (Ảnh: Lệ Mi)
Sáng 17.3, một quầng sáng lạ xuất hiện trên bầu trời Gia Lai với nhiều đốm sáng lóe lên ở cạnh đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Để hình thành được hiện tượng tự nhiên lý thú như trên, đằng sau đó là những điều không phải ai cũng biết.
Về những đốm sáng, anh Đặng Tuấn Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết: “Đây không phải là hiện tượng gì huyền bí. Nó là một hiện tượng quang học khí quyển khi có thêm các điểm sáng xung quanh Mặt trời thật, được gọi là sundog (mock sun, phantom sun hay parhelia, nghĩa là “beside the sun” trong tiếng Hy Lạp)”.
“Mặt trời giả được hình thành khi ánh sáng bị khúc xạ bởi các tinh thể băng có hình dạng giống đĩa lục giác với đường kính lớn hơn 30 micrometers trong các đám mây ti (mây rất mỏng, ở độ cao trên 8.000m - Wikipedia), ứng với thời điểm tinh thể băng này nằm ngang”, anh Duy đi sâu giải thích kèm ảnh minh họa.
Mặt trời giả được hình thành khi ánh sáng mặt trời khúc xạ qua những tinh thể băng hình lục giác nằm ngang.
Theo anh Duy, hiện tượng mặt trời giả có thể quan sát được ở bất cứ đâu trên Trái đất, mà thông thường nó không thể hiện rõ ràng. Mặt trời giả được nhìn thấy rõ và đáng chú ý như hình chụp ở Gia Lai là do lúc này Mặt trời ở gần chân trời.
Anh Duy cho biết thêm, hiện tượng này có mối liên hệ với halo hay còn được gọi là “quầng mặt trời”, cũng xảy ra khi ánh sáng Mặt trời tương tác với tinh thể băng trong bầu khí quyển. Đối với hiện tượng trên bầu trời Gia Lai, quầng mặt trời là vùng tối ở xung quanh Mặt trời thật, còn các đốm sáng ở ngoài rìa được gọi là mặt trời giả.
“Có thể nói sự hình thành của mặt trời giả và quầng mặt trời là gần tương tự nhau, chỉ khác ở sự sắp xếp của các tinh thể băng hình lục giác. Nếu các tinh thể băng hình lục giác này nằm ngang sẽ có mặt trời giả, còn nếu phân bố ngẫu nhiên thì sẽ có quầng mặt trời”, anh Duy giải thích sự khác nhau cơ bản giữa mặt trời giả và quầng mặt trời.
Liên quan tới hiện tượng này, một chuyên gia thiên văn khác tại TP.HCM cũng khẳng định, đó chỉ là một hiện tượng vật lý bình thường. Khi ánh sáng bị khúc xạ bởi các tinh thể băng sẽ tạo ra các đốm sáng, có thể lên đến 5 đốm sáng như những “mặt trời con”.
Hiện tượng này thậm chí có thể xảy ra với ánh Mặt trăng vào ban đêm, tuy nhiên sẽ mờ hơn so với Mặt trời.Theo vị chuyên gia này, hiện tượng mặt trời giả rất hiếm thấy ở Việt Nam nhưng không phải là hiện tượng lạ với nhiều quốc gia khác.
Trước đó, vào ngày 29.1.2014, hiện tượng mặt trời giả rất rõ trên bầu trời nước Úc từng được một người trượt tuyết ghi hình lại với những khung cảnh rất đẹp mắt.